NSND Thanh Hoa vừa được bầu làm Chủ tịch Hiệp hội Bảo vệ quyền của nghệ sỹ biểu diễn âm nhạc Việt Nam. |
Nối gót 4 đơn vị có chức năng bảo vệ quyền tác giả cho các nghệ sĩ, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN (VCPMC), Hiệp hội Công nghiệp ghi âm VN (RIAV), Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam (VLCC), Hiệp hội Quyền sao chép (VIETRRO), mới đây Hiệp hội Bảo vệ quyền của nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc Việt Nam (APPA) đã ra đời. Liệu đây có phải là giải pháp cứu cánh, khi vấn nạn ăn cắp bản quyền tác phẩm văn nghệ vẫn nóng như chảo lửa?
Tổ chức mới sứ mệnh” cũ
Có quyết định thành lập của Bộ Nội vụ từ tháng 12/2015 đến nay, APPA đã có 486 hội viên và khoảng 10.000 tác phẩm. Đơn vị này cũng hợp tác với Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam, Cục An ninh mạng (C50-Bộ Công an) và nhiều đơn vị khác nhằm bảo vệ quyền biểu diễn, quyền xây dựng và bảo vệ hình ảnh cá nhân, quyền phát ngôn và từ chối phát ngôn, quyền thu phí bản quyền biểu diễn và các sản phẩm nghệ thuật liên quan.
Ngoài ra, các nghệ sĩ còn được bảo vệ quyền lợi tại các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới có ký hợp đồng song phương với APPA. Nghệ sĩ sẽ được hưởng quyền lợi kinh tế với số tiền thu từ các đơn vị trong nước như đài truyền hình, phát thanh, khách sạn, vũ trường, các website âm nhạc… thông qua hợp đồng cấp phép biểu diễn hoặc việc sử dụng sản phẩm. Ngoài ca sĩ, nhạc công, APPA còn bảo vệ các nhạc sĩ, chủ yếu là nhạc sĩ biểu diễn.
Về nghề nghiệp, APPA còn là nơi đào tạo, giúp đỡ các nghệ sĩ có hoàn cảnh khó khăn, giúp cho hội viên tiến bộ về nghề nghiệp và tổ chức tôn vinh nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc qua việc tổ chức các giải thưởng do nghệ sĩ bình chọn hàng năm… Đặc biệt, trở thành Hội viên APPA, các nghệ sĩ có quyền tham gia dự giải, được bình chọn để bầu các giải thưởng Nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc của năm.
Phó tổng thư ký APPA, nhà thơ, nhà biên kịch Phan Huyền Thư cho biết, cả nước có 15.000 người đang hoạt động biểu diễn âm nhạc. Tuy nhiên, không phải ai cũng được đào tạo bằng cấp chuyên nghiệp, nhận vào biên chế trong các đoàn dưới sự quản lý của Nhà nước. Hiệp hội hướng đến những đối tượng hoạt động tự do, cung cấp chứng chỉ hành nghề cho họ một cách hợp pháp. Nếu họ có album, làm liveshow muốn bảo vệ tác quyền thì có thể ủy thác cho APPA.
Nghi ngờ tính khả thi
Ở các nước phát triển như: Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, sự ra đời các tổ chức bảo vệ các quyền cho nghệ sĩ như quyền tác giả, quyền biểu diễn đã có từ lâu. Chính vì thế, sự ra đời của APPA không phải là cá biệt. Tuy nhiên, không thể không đặt ra những câu hỏi dành cho APPA về tính khả thi. Bởi, trong nhiều năm qua, dù đã có các tổ chức VCPMC, RIAV bảo vệ nhưng quyền bản quyền vẫn bị vi phạm tràn lan.
Ông bầu Quang Cường, một thành viên của APPA cho biết, rất ủng hộ sự ra đời của hiệp hội. Anh chia sẻ, lâu nay có nhiều nghệ sĩ biểu diễn không biết để đòi quyền lợi cho mình. Tuy nhiên, anh đưa ra vấn đề: “Mạng xã hội bây giờ rất phát triển. Vậy APPA có bảo vệ quyền của các nghệ sĩ trên các trang mạng xã hội không hay chỉ trên báo chí?”.
Ca sĩ Hồ Quang Hiếu chưa tham gia hiệp hội bảo vệ âm nhạc nào, bản thân ca sĩ nhận thấy, các hiệp hội chưa thật sự bảo vệ được quyền cho các nghệ sĩ một cách quyết liệt, nhất là vấn đề bản quyền. Anh cho biết: “Nghệ sĩ khi phát hiện sản phẩm của mình bị xâm phạm bản quyền, báo cáo sai phạm thì xử lý rất khó khăn. Nếu có kiện cáo, nghệ sĩ phải đứng ra lo toàn bộ. Điều này cho thấy, công tác bảo hộ chưa được phát huy tối đa”.
Ý kiến của ca sĩ Hồ Quang Hiếu về vai trò của một hiệp hội mới thành lập là hoàn toàn dễ hiểu, nhất là xét trong bối cảnh lâu nay khán giả quen “dùng chùa” ca khúc, còn nghệ sĩ bị xâm phạm bản quyền tác giả như cơm bữa. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Vương Duy Biên: “Với một Ban chấp hành mới có uy tín trong giới nghệ sĩ do NSND Thanh Hoa làm Chủ tịch, tôi tin rằng hiệp hội sẽ hoạt động hiệu quả và bảo vệ được quyền của nghệ sĩ biểu diễn, đóng góp tích cực cho sự nghiệp âm nhạc nói riêng và nghệ thuật Việt Nam nói chung.
Xem thêm video:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận