Showbiz

Luật Bản quyền lỏng lẻo, ca khúc bị “dùng chùa” tràn lan

21/07/2016, 09:42

Những ca khúc liên tục bị vi phạm bản quyền, bị “dùng chùa” nhưng không được can thiệp quyết liệt.

LDM-388204-1_OJVR
Thu Phương từng dính lùm xùm “xài chùa”ca khúc của Tuấn Hưng

Dùng xong, chỉ cần xin lỗi

Giữa tháng 6, đêm chung khảo phía Nam cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2016 đã khiến dư luận xôn xao khi ca sĩ Thanh Duy tố chương trình sử dụng ca khúc độc quyền Tonight của anh để biểu diễn mà không xin phép. Đầu tháng 7 vừa qua, gameshow Bạn có thực tài cũng dính lùm xùm tương tự khi sử dụng ca khúc 00:00 của tác giả Phạm Trần Phương mà không một lời hỏi han. Cả Thanh Duy và Phạm Trần Phương đã bày tỏ sự bức xúc vì thấy mình không được tôn trọng. Sau đó, BTC của hai chương trình đã lên tiếng xin lỗi và đã được tác giả chấp nhận bỏ qua bởi không muốn dính dáng tới những ồn ào trên truyền thông.

Việc vi phạm bản quyền ca khúc trên các chương trình, gameshow vốn không phải chuyện mới lạ. Theo thống kê của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC), tại Hà Nội có tới 50% chương trình biểu diễn không thực hiện bản quyền âm nhạc như liveshow Bốn mùa trong em (diễn ra ngày 12/6/2016 do Công ty CP Zip HN sản xuất), đêm nhạc Để nhớ một thời ta đã yêu (diễn ra ngày 10/6/2016 do Công ty CP HP Quốc tế sản xuất), Cảm ơn tình yêu (diễn ra ngày 14/2/2015 do Công ty Media Max sản xuất)… và nhiều trường hợp khác.

Từng bức xúc khi ca khúc Thu cạn bị “xài chùa” trong chương trình Sao mai điểm hẹn 2011, nhạc sĩ Giáng Son cho hay, chị rất bực bội nhưng không muốn làm lớn chuyện. “Những người trong nghề còn phải gặp nhau nhiều. Tác giả rất bực nhưng không ai muốn làm quá lên, vì nếu vậy chỉ còn nước không nhìn mặt nhau nữa. Mà nhạc sĩ, nghệ sĩ, giới biểu diễn đều cần nhau. Trong mối quan hệ chúng ta cùng cần nhau thì khi họ có lời mình cũng bỏ qua. Cũng có khi nhà sản xuất gọi điện xin lỗi và có những đền bù xứng đáng về mặt tiền bạc thì lúc đấy nhạc sĩ sẽ cho qua”, Giáng Son chia sẻ.

Luật Bản quyền lỏng, ý thức kém

Giám đốc sản xuất âm nhạc của nhiều chương trình biểu diễn, nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong giải thích, hầu hết những chương trình cần xin phép qua Sở Văn hóa, mà đã qua Sở thì nhất định phải có sự đồng ý từ tác giả. Nhưng không phải chương trình nào Sở cũng kiểm soát. Có chương trình chỉ cần trả phí qua Cục Bảo vệ bản quyền, có chương trình chỉ cần liên hệ trực tiếp với tác giả để trả hoặc để xin. Cũng tùy tính cách của tác giả, mối quan hệ giữa tác giả với chương trình hoặc tùy mức độ háo danh khi được chương trình sử dụng ca khúc.

“Phức tạp vậy nên có người hiểu, có người không. Có đơn vị muốn trả nhưng lại không biết cách thức. Có đơn vị biết nhưng không trả cho đến khi bị đòi thì mới đưa lý do không tìm được đầu mối liên hệ với tác giả. Cứ cái gì chỉ trao đổi bằng lời nói mà không được thống nhất bằng văn bản thì đều rối”, nhạc sĩ Hải Phong nhấn mạnh.

Tác giả ca khúc Đường cong khẳng định thêm, chúng ta đang thiếu một cơ chế vận hành chuyên nghiệp, các đơn vị tổ chức, tác giả chưa được hướng dẫn rộng rãi về cách thức làm việc liên quan đến bản quyền. Anh bày tỏ mong muốn các đơn vị sản xuất, nhà tài trợ có ý thức trách nhiệm trong vấn đề bản quyền. Khán giả nên từ chối xem những chương trình dính vết “xài chùa”, còn tác giả cần nghiêm túc hơn trong việc đòi quyền lợi. Không chỉ vậy, nam nhạc sĩ còn hy vọng Luật Bản quyền chặt chẽ và thực tế hơn.

Đồng quan điểm với nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong, nhạc sĩ Giáng Son cho rằng, Luật Bản quyền ở Việt Nam còn lỏng lẻo. Ở nước ngoài, đơn vị muốn biểu diễn phải xin phép trước, trả tiền trước và có sự đồng ý mới được biểu diễn. Thêm vào đó, hiện nay ý thức của những người làm chương trình rất kém nên tình trạng này vẫn cứ diễn ra. Thế nhưng, thực chất thì người cùng nghề cũng nể nhau, nên mới có chuyện nhạc sĩ bị đồng nghiệp xâm phạm bản quyền cũng tùy vụ việc để lên tiếng, đòi hỏi quyền lợi.

Ở góc độ của VCPMC, một Cán bộ cấp phép phụ trách lĩnh vực biểu diễn của VCPMC chia sẻ: “Các chương trình có sử dụng âm nhạc sẽ phải xin phép và trả tiền sử dụng tác phẩm âm nhạc trước khi công diễn theo khoản 3 điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ đã quy định. Tuy vậy, một số đơn vị vẫn luôn mượn cớ là thỏa thuận với VCPMC để câu kéo thời gian nhằm chây ì trốn tránh và báo lại với các cơ quan quản lý nhà nước vẫn đang thỏa thuận rồi cuối cùng khi diễn xong Công ty giải thể hoặc đóng cửa không còn tồn tại".

Theo vị cán bộ này, việc chặt chẽ đối với các quy định trong văn bản pháp luật yêu cầu thực hiện bản quyền còn tương đối, khi không được sự đồng ý hay không có văn bản của đại diện hoặc chủ sở hữu cho phép thì đương nhiên các tổ chức cá nhân không được sử dụng. Đối với trường hợp ngoại lệ theo quy định tại điều 26 Luật Sở hữu trí tuệ, các tổ chức phát sóng được miễn xin phép trước nhưng vẫn phải trả tiền sử dụng tác phẩm âm nhạc.

Tuy vậy, theo khuyến cáo của VCPMC, để tránh trường hợp đã có nhiều khiếu nại từ chính chủ sở hữu quyền tác giả phản ánh việc xâm phạm khi đã có độc quyền ca sĩ hay độc quyền tác phẩm, các đơn vị nên gửi danh mục tác phẩm trước của chương trình để VCPMC kiểm tra, soát lại cụ thể.

Còn theo luật sư Nguyễn Thanh Hà, Giám đốc Công ty Luật SBLaw, việc thực thi các chế tài về hành chính và dân sự chưa nghiêm, chưa có nhiều cuộc thanh, kiểm tra các vụ vi phạm, dẫn đến tình trạng nhờn luật. Mặt khác, việc áp dụng thủ tục khởi kiện mất nhiều thời gian và chi phí theo đuổi, Việt Nam cũng chưa có tòa án chuyên trách về sở hữu trí tuệ với đội ngũ thẩm phán chuyên nghiệp về lĩnh vực này, dẫn tới tình trạng rất ít vụ vi phạm bản quyền được khởi kiện ra tòa.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.