Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, tại dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ đang được lấy ý kiến, Bộ Công an đề xuất 28 hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có đến 12 hành vi được bổ sung mới so với Luật Giao thông đường bộ 2008.
Các hành vi bị nghiêm cấm bao gồm: Xúc phạm, đe dọa, cản trở, chống đối hoặc không chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ về bảo đảm TTATGT đường bộ; Dùng tay sử dụng điện thoại hoặc các thiết bị điện tử khác khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ; Sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe cơ giới, xe máy chuyên dùng không đảm bảo chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; Cải tạo các xe ô tô loại khác thành xe ô tô chở người;
Tự ý thay đổi kết cấu, hình dáng, bố trí, tổng thành, hệ thống của xe không đúng với thiết kế của nhà sản xuất hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; tự ý thay đổi chỉ số trên đồng hồ báo quãng đường đã chạy của xe ô tô; cải tạo, lắp đặt thêm hoặc tháo bỏ phụ tùng liên quan đến an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện khi tham gia giao thông so với thiết kế, thông số kỹ thuật của nhà sản xuất đã được phê duyệt; thay đổi phụ tùng xe cơ giới để tạm thời đạt tiêu chuẩn kỹ thuật của xe khi đi đăng kiểm; tự ý cắt, hàn, tẩy xóa, đục lại số khung, số máy của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng;
Tự ý can thiệp, thay đổi phần mềm điều khiển của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng, động cơ đã được đăng ký với cơ quan quản lý, nhằm mục đích gian lận kết quả kiểm tra, thử nghiệm, kiểm định;
Chở hàng vượt quá khối lượng toàn bộ cho phép tham gia giao thông, quá kích thước giới hạn cho phép của xe; chở quá số người quy định; chở hàng hóa trên xe có quy định phải chằng buộc nhưng không chằng buộc hoặc chằng buộc không đúng quy định;
Kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới mà không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới theo quy định;
Lắp đặt, sử dụng thiết bị âm thanh, ánh sáng trên xe cơ giới, xe máy chuyên dùng gây mất TTATGT đường bộ; điều khiển xe cơ giới, xe máy chuyên dùng gắn biển số giả, gắn biển số không đúng vị trí, gắn biển số bị bẻ cong, bị che, lấp; làm thay đổi chữ, số, màu của biển số;
Sử dụng các biện pháp kỹ thuật, trang thiết bị ngoại vi, các biện pháp khác để can thiệp vào quá trình hoạt động, phá hoặc làm nhiễu sóng định vị vệ tinh toàn cầu, sóng viễn thông hoặc làm sai lệch dữ liệu của thiết bị giám sát hành trình, camera lắp trên xe;
Khai báo không đúng hoặc sử dụng các giấy tờ, tài liệu giả để được cấp giấy chứng nhận đăng ký xe, biển số xe;
Kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe, dịch vụ sát hạch lái xe không đủ điều kiện theo quy định;
Khai báo không đúng hoặc sử dụng các giấy tờ, tài liệu giả để được học, kiểm tra, sát hạch cấp mới, cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe;
Ném gạch, đất, đá, cát hoặc vật thể khác vào phương tiện đang tham gia giao thông trên đường bộ;
Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nghề nghiệp của bản thân hoặc người khác để can thiệp, tác động vào quá trình xử lý vi phạm hành chính về TTATGT đường bộ;
Khai báo gian dối hoặc cung cấp thông tin, tài liệu không đúng sự thật để trốn tránh trách nhiệm khi phát hiện vi phạm pháp luật về TTATGT.
Bên cạnh đó vẫn giữ các hành vi bị nghiêm cấm tại Luật Giao thông đường bộ 2008, như: Điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn; Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong cơ thể có chất ma túy hoặc các chất kích thích khác mà pháp luật cấm sử dụng; Đua xe, cổ vũ đua xe, tổ chức đua xe trái phép; điều khiển phương tiện giao thông không đảm bảo kỹ thuật lái xe an toàn; Sử dụng còi có âm lượng không đúng quy định;
Giao xe cơ giới, xe máy chuyên dùng cho người không đủ điều kiện để điều khiển xe tham gia giao thông đường bộ;
Đưa xe cơ giới, xe máy chuyên dùng không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường tham gia giao thông đường bộ;
Vận chuyển hàng cấm lưu thông, vận chuyển trái phép hoặc không thực hiện đầy đủ các quy định về vận chuyển hàng nguy hiểm, động vật hoang dã;
Đe dọa, xúc phạm, tranh giành, lôi kéo hành khách; đe doạ, cưỡng ép hành khách sử dụng dịch vụ ngoài ý muốn; chuyển tải, xuống khách hoặc các hành vi khác nhằm trốn tránh phát hiện xe chở quá tải, quá số người quy định;
Sản xuất, sử dụng, mua, bán trái phép biển số xe; Đặt, để chướng ngại vật, vật cản khác trái phép trên đường; rải đinh, vật sắc nhọn khác; đổ dầu nhờn, chất gây trơn khác trên đường bộ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nghề nghiệp của bản thân hoặc người khác để vi phạm pháp luật về TTATGT đường bộ.
Ngoài ra, dự thảo cũng quy định hành vi vi phạm quy tắc giao thông đường bộ và hành vi vi phạm khác theo quy định của pháp luật về TTATGT đường bộ là hành vi bị nghiêm cấm.
Liên quan đến quy định này, Bộ Tư pháp cho biết, hành vi điều khiển phương tiện giao thông không đảm bảo kỹ thuật lái xe an toàn có thể gồm hành vi dùng tay sử dụng điện thoại hoặc thiết bị điện tử khác khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông; hành vi đặt, để chướng ngại vật trái phép trên đường có thể trùng với hành vi chăng dây, vật cản khác trên đường gây nguy hiểm đến người và phương tiện tham gia giao thông.
Do đó, Bộ này đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát để quy định thống nhất, tránh trùng lặp hành vi. Bên cạnh đó, đề nghị rà soát quy định rõ hành vi vi phạm khác theo quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Giải trình về ý kiến này, Bộ Công an cho rằng, đối với hành vi dùng tay sử dụng điện thoại hoặc thiết bị điện tử khác khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông là hành vi gây mất tập trung, nguy cơ cao gây mất an toàn giao thông, cần phải quy định cụ thể trong hành vi bị nghiêm cấm. Do vậy, Bộ Công an đề nghị giữ nguyên nội dung như dự thảo Luật.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận