Đường bộ

Thênh thang đường về miền Trung

Trước đây, từ TP.HCM đến Ninh Thuận phải mất 7 - 8 giờ, nay thời gian rút ngắn một nửa. Tương tự, từ Hà Nội về Hà Tĩnh chỉ còn khoảng 3,5 tiếng thay vì hơn 6 tiếng như trước.

Hai dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Diễn Châu - Bãi Vọt về đích, đánh dấu hoàn thành toàn bộ 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1. Thời gian từ Hà Nội đến Vinh và từ TP.HCM đến Nha Trang được rút ngắn rất nhiều.

Đi muôn nẻo từ cao tốc

7h30 sáng 30/6/2024, 19km cuối tuyến cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt được đưa vào khai thác. Việc hoàn thành 19km này giúp toàn tuyến được khai thác đồng bộ trên tổng chiều dài 49km.

Thênh thang đường về miền Trung- Ảnh 1.

Với việc Diễn Châu - Bãi Vọt được đưa vào khai thác, từ Hà Nội về Hà Tĩnh chỉ còn khoảng 3,5 tiếng thay vì hơn 6 tiếng như trước.

Đây cũng là mảnh ghép cuối cùng, đánh dấu sự về đích của toàn bộ 11 dự án thành phần cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020, với tổng chiều dài gần 653km.

Cùng với Diễn Châu - Bãi Vọt, cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu cũng đã được thông xe trước đó, thời gian di chuyển từ Hà Nội về Hà Tĩnh chỉ còn khoảng 3,5 tiếng thay vì hơn 6 tiếng như trước. Cả 2 tuyến có quy mô 4 làn xe (sau nâng lên 6 làn xe), cho phép lưu thông với tốc độ tối đa 90km/h.

Trước đây, từ TP.HCM đến Ninh Thuận phải mất 7 - 8 giờ, nay thời gian rút ngắn một nửa. Giao thông thuận lợi nên các nhà đầu tư tìm đến đầu tư rất nhiều.

Đơn cử, năm 2022, trước khi thông xe cao tốc, Khu công nghiệp Du Long mới chỉ có một dự án, năm 2023 có ba dự án, năm 2024 thu hút được thêm 2 dự án. Hiện khu công nghiệp này đã lấp đầy gần 15%.

Ông Sử Đình Vinh, Giám đốc BQL các Khu công nghiệp tỉnh Ninh Thuận

Trên đoạn qua địa bàn 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, 2 dự án cao tốc này có 6 nút giao lên xuống. Theo hướng Hà Nội - Hà Tĩnh, đầu tiên là nút giao với quốc lộ 48D (xã Quỳnh Vinh, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An), kết nối đến trung tâm thị xã Hoàng Mai và sang cảng nước sâu Nghi Sơn (tỉnh Thanh Hóa).

Tiếp đến là nút giao quốc lộ 48B, kết nối trung tâm thị trấn Cầu Giát (huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An), đến cảng Lạch Quèn. Do quốc lộ 48 và 8B cắt nhau tại ngã ba Tuần, đều đi về phía miền Tây Bắc Nghệ An nên hai nút giao này còn kết nối đến trung tâm, cụm công nghiệp của huyện Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong và thị xã Thái Hòa, tỉnh Nghệ An.

Nút giao quốc lộ 7A kết nối với trung tâm huyện Diễn Châu và các huyện phía Tây Nghệ An, tới Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn. Theo hướng Đông, sẽ tới trung tâm huyện Nghi Lộc, các khu công nghiệp WHA, Nam Cấm, cảng nước sâu quốc tế Vissai Nghi Thiết.

Tiếp đến là nút giao quốc lộ 46B (xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên), nằm ngay khu công nghiệp VSIP. Đi theo hướng Đông một đoạn nữa sẽ đến TP Vinh, Nghệ An. Ngoài ra, có thể theo quốc lộ 46A xuống cảng và bãi tắm Cửa Lò.

Nếu đi theo hướng Tây sẽ về quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh (huyện Nam Đàn) và huyện Thanh Chương. Từ đó, đi lên Cửa khẩu Thanh Thủy hoặc có thể theo đường Hồ Chí Minh sang Hà Tĩnh đi vào Nam, lên Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh).

Cuối cùng là nút giao lên xuống quốc lộ 8A (huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh). Nếu rẽ phải sẽ về trung tâm các huyện Đức Thọ, Hương Sơn (Hà Tĩnh) hoặc sang Lào thông qua Cửa khẩu Cầu Treo, rẽ trái về trung tâm thị xã Hồng Lĩnh, các huyện Can Lộc, TP Hà Tĩnh…

Ăn sáng TP.HCM, trưa tắm biển Nha Trang

Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo dài 78,5km đi qua ba tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận và Khánh Hòa cũng được thông xe cuối tháng 4/2024, nối mạch cao tốc từ TP.HCM đến Nha Trang (Khánh Hòa), rút ngắn thời gian chỉ còn khoảng 5 giờ chạy xe thay vì 8 giờ đi quốc lộ như trước.

Thênh thang đường về miền Trung- Ảnh 2.

Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo dài 78,5km đi qua ba tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận và Khánh Hòa, rút ngắn thời gian di chuyển từ TP.HCM đến Nha Trang 3 tiếng so với trước đây.

Từ TP.HCM đi hết cao tốc Phan Thiết - Vĩnh Hảo, tài xế chạy thẳng vào cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo qua nút giao Vĩnh Hảo (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận). Tại đây, lái xe có thể chọn đi các tuyến đường đến các khu du lịch nổi tiếng trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận hoặc chạy thẳng đến Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa).

Tại nút giao Phan Rang (huyện Ninh Sơn, Ninh Thuận) kết nối Quốc lộ 27 với cao tốc, nếu đi từ hướng TP.HCM, nếu rẽ phải sẽ về TP Phan Rang - Tháp Chàm để tới biển Ninh Chữ, vịnh Vĩnh Hy, làng nho nổi tiếng Thái An, tiểu sa mạc Mũi Dinh - Cà Ná. Còn nếu rẽ trái sẽ đi theo quốc lộ 27, lên đèo Ngoạn Mục đi các huyện Đơn Dương, Đức Trọng và TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng).

Tiếp đó là nút giao Du Long qua huyện Thuận Bắc (tỉnh Ninh Thuận), có quy mô lớn nhất trên cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo. Từ đây, phương tiện có thể rút ngắn hành trình đến trung tâm huyện Thuận Bắc, Khu công nghiệp Du Long, đến các khu du lịch ven vịnh Vĩnh Hy.

Nút giao Cam Lâm kết thúc hành trình cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo. Từ đây, lái xe có thể chạy một mạch đi TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) hoặc rẽ ra TP Cam Ranh, đến các điểm du lịch nổi tiếng khu vực huyện Cam Lâm (tỉnh Khánh Hòa) hoặc theo quốc lộ 27C đi lên vùng sầu riêng nổi tiếng của huyện Khánh Sơn.

Vừa có chuyến đi trải nghiệm du lịch Nha Trang trở về, anh Lê Đình Đức, ngụ TP Thủ Đức (TP.HCM) cho biết: "Có đường cao tốc quá thuận lợi và tiết kiệm thời gian. Sáng có thể ăn sáng ở TP.HCM, trưa đã có thể tắm biển ở Nha Trang".

Khách du lịch ùn ùn đổ về

Do cao tốc rút ngắn lộ trình, kết nối đến các khu công nghiệp, cảng biển, địa điểm du lịch nổi tiếng nên từ khi đưa vào khai thác, việc giao thương, phát triển kinh tế của nhiều địa phương dọc tuyến có nhiều khởi sắc.

Ông Nguyễn Đức Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An chia sẻ, cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt không chỉ giúp hình thành tuyến giao thông huyết mạch, trục xương sống kết nối các khu vực kinh tế, khu công nghiệp trọng điểm, sân bay, cảng biển mà còn giảm tải quốc lộ 1, đáp ứng nhu cầu đi lại với tốc độ cao và an toàn.

"Tuyến cao tốc sẽ tạo động lực, mở ra không gian và cơ hội phát triển mới về du lịch, thu hút đầu tư", ông Trung khẳng định.

Chỉ tính riêng lĩnh vực du lịch, một lãnh đạo thị xã Cửa Lò cho hay, 8 tháng đầu năm 2024, Cửa Lò đón hơn 4,6 triệu lượt khách, tăng 31% so với cùng kỳ, đạt 120% kế hoạch năm. Doanh thu từ du lịch ước đạt 4.800 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ.

Tại Ninh Thuận, ông Lê Diệp Thanh Tùng, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh này cho biết, từ ngày thông xe cao tốc từ TP.HCM đến Ninh Thuận, lượng du khách đến hai tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận tăng đột biến.

Tại Bình Thuận, ông Bùi Thế Nhân, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cho rằng, việc thông 3 tuyến cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn tỉnh (Dầu Giây - Phan Thiết, Phan Thiết - Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo - Cam Lâm) đã tạo động lực rất lớn giúp ngành du lịch phát triển mạnh mẽ.

Riêng năm 2023, Bình Thuận đón trên 8,3 triệu lượt khách, tăng gần gấp đôi so với năm 2022, lần đầu tiên đạt doanh thu 22.309 tỷ đồng, tăng 63,08% so với năm 2022. 


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.