Giao thông

Thi công cao tốc Bắc - Nam tại Hậu Giang: Khổ vì mặt bằng da beo

24/02/2023, 18:02

Dù tỷ lệ bàn giao mặt bằng khá cao, nhưng một số hộ dân nằm ở vị trí xung yếu chưa trả mặt bằng khiến nhà thầu khổ sở.

Thi công cầm chừng vì mặt bằng

Mới khoảng 7h30 sáng 24/2, hàng chục công nhân đã tập trung bên những chiếc cọc lớn, có cọc đang được đóng. Tiếng động cơ xe xé toang sự tĩnh lặng vốn có của vùng quê xã Vĩnh Tường, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang...

img

Đóng cọc tại công trình cao tốc Bắc - Nam vào sáng 24/2.

Đó là những công nhân đang thi công dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau thuộc Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025...

img

Các công nhân tại công trường.

Đây là dự án được thi công bởi nhà thầu Liên danh Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn; Tổng Công ty 36- CTCP; Tổng Công ty xây dựng số 1-CTCP; Công ty CP Đầu tư xây dựng và kỹ thuật VNCN E&C; Công ty CP Xây dựng Tân Nam.

Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết hiện đã bàn giao mặt bằng diện tích là 335,58/361,53ha, bằng 92,82% tổng diện tích đất phải thu hồi của dự án.

Trong đó dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang là 203,72/220,96ha, bằng 92,2%; dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau là 131,85/140,57ha, bằng 93,8%.

“Hơn 10 ngày trước, xe vào ủi một đoạn dài sau ruộng nhà tôi, be bờ hai bên. Ước chừng con đường cao tốc này rộng lắm”, anh Hai Vũ, nhà ở xã Vĩnh Tường nói.

Theo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận - chủ đầu tư, sau gần 2 tháng thi công, về tổng thể, lũy kế sản lượng đạt 7,71/7.555 tỷ đồng, đạt 0,1% so với hợp đồng. Chủ yếu là sản lượng do Trường Sơn và Tân Nam thực hiện. Các đơn vị còn lại là CC1, Tổng 36 và VNCN E&C sản lượng đạt được rất ít.

Hiện tại, đơn vị chủ lực là Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn triển khai đến 5 mũi thi công. Các đơn vị còn lại trong liên danh cũng triển khai từ 1-2 mũi thi công, cố gắng đẩy nhanh tiến độ.

Các đơn vị đang tập trung vào các phần việc như dọn dẹp mặt bằng, phát quang, đào đất không thích hợp, đóng cọc, đắp cát nền đường. Nhân lực thường xuyên có mặt tại công trường đã là 177 người, gồm kỹ sư, cán bộ trắc đạc, kỹ thuật, công nhân…

Có 35 máy đào đã được huy động đến công trường. Ngoài ra còn có 5 máy ủi, 3 máy đóng cọc và một số máy lu, máy cẩu...

Tuy nhiên, theo đánh giá của chủ đầu tư, sản lượng thi công của các đơn vị đều không đạt. Nguyên nhân chính do mặt bằng và thiếu cát san lấp.

Khổ vì mặt bằng “da beo”

Theo phía chủ đầu tư và nhà thầu thi công, khó khăn hiện tại là dù tỷ lệ giao mặt bằng của tỉnh Hậu Giang đạt khá cao, nhưng lại vướng tình trạng “da beo”.

img

Việc tập kết máy móc, vật tư hiện gặp nhiều khó khăn.

Đó là, nhiều nơi mặt bằng bên trong đã “sạch”, nhưng hộ ở phía ngoài chưa giao mặt bằng. Do đó, nhà thầu không thể đưa phương tiện, máy móc vào thi công được. “Chúng tôi phải chờ dân đồng ý, mới đưa phương tiện, máy móc vào được. Không thì phải chờ”, một cán bộ ở công trường cho biết.

Theo UBND tỉnh Hậu Giang, 2 dự án thành phần này, hiện đã lập xong phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho 2.030 hộ với diện tích là 361,53ha, đạt 100% với kinh phí bồi thường là 1.283 tỷ đồng.

Đã phê duyệt xong phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho 2.029/2.030 hộ dân, bằng 99,95% số hộ; diện tích là 360,14/361,53ha, bằng 99,61% diện tích.

Khó khăn khác là tập quán người dân hay xây cất nhà ven đường, ven sông. Do đó, khi họ chưa giao mặt bằng thì nhà thầu cũng không thể vận chuyển vật liệu xây dựng đến tập kết được, do bị cản trở nhà cửa.

“Không phải dân không đồng thuận giao mặt bằng. Chỉ có điều, các khu tái định cư chưa xong, nếu di dời thì họ đi đâu?”, một cán bộ Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận nói.

Về việc xây dựng khu tái định cư, ông Nguyễn Văn Hòa, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, tổng diện tích đất thu hồi trên địa bàn tỉnh Hậu Giang 361,53ha; trong đó, có 4 nút giao tại vị trí các trục đường Quốc lộ, Tỉnh lộ với số hộ phải di dời, tái định cư rất lớn.

Do đó, tỉnh Hậu Giang đã thống nhất chủ trương quy hoạch và đầu tư xây dựng 4 khu tái định cư tại 4 huyện có dự án đi qua với tổng diện tích là 13,1ha, kinh phí đầu tư khoảng 264,789 tỷ đồng.

Đó là khu tái định cư tại thị trấn Ngã Sáu, huyện Châu Thành, diện tích khoảng 2,1ha; tổng kinh phí đầu tư là 55 tỷ đồng. Khu tái định cư tại xã Bình Thành, huyện Phụng Hiệp, diện tích khoảng 5ha; tổng kinh phí đầu tư là 102 tỷ đồng.

Tiếp đó là khu tái định cư tại thị trấn Nàng Mau, huyện Vị Thủy, với diện tích khoảng 3,6ha; tổng kinh phí đầu tư là 61,563 tỷ đồng. Cuối cùng là khu tái định cư tại thị trấn Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ với diện tích khoảng 2,4ha; tổng kinh phí đầu tư là 46,226 tỷ đồng.

img

Một số nơi chỉ có thể thi công trước các khâu như đào đất...

Hiện nay, mới tổ chức khởi công được 2 khu tái định cư (thị trấn Ngã Sáu và xã Bình Thành), đang tổ chức đấu thầu 2 khu (thị trấn Nàng Mau; thị trấn Vĩnh Viễn). Giá trị giải ngân mới đạt khoảng 55 tỷ/264 tỷ (đạt 20,84% kế hoạch).

Do đó, việc di dời các hộ dân để chấm dứt tình trạng mặt bằng “da beo” không phải là ngày một, ngày hai - khi họ chưa có nền tái định cư.

Dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau thuộc Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, với chiều dài đi qua địa bàn tỉnh Hậu Giang 63,6km (gồm 4 huyện: Châu Thành, huyện Phụng Hiệp, huyện Vị Thủy, huyện Long Mỹ; có 16 xã, thị trấn bị ảnh hưởng). Tổng diện tích thu hồi đất: 361,53ha.

Dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang có tổng mức đầu tư: 10.370,74 tỷ đồng, chiều dài trên địa bàn tỉnh Hậu Giang là 37,06km, đi qua địa bàn huyện Châu Thành, Phụng Hiệp và xã Vĩnh Tường, một phần xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy.

Dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau có tổng mức đầu tư 17.152,65 tỷ đồng, chiều dài trên địa bàn tỉnh Hậu Giang là 26,54km đi qua 2 huyện: Vị Thủy, Long Mỹ.

Đã giải ngân số tiền 1.219,72 tỷ đồng. Trong đó, dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang đã giải ngân 831,38 tỷ đồng (năm 2022 giải ngân 784,70/784,70 tỷ đồng, đạt 100%; năm 2023 giải ngân 46,68/372,3 tỷ đồng, đạt 12,5%).

Còn dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau đã giải ngân 388,34 tỷ đồng (năm 2022 giải ngân 344,23/344,23 tỷ đồng, đạt 100%; năm 2023 giải ngân 44,11/206,12 tỷ đồng, đạt 21,4%).

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.