Tiến độ tốt vẫn không chủ quan
Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu có tổng chiều dài 77,6km, đi qua địa bàn Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu, được chia làm 3 dự án thành phần.
Trong đó, dự án thành phần 1 và 2 qua địa bàn tỉnh Đồng Nai. Dự án thành phần 3 qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Tại dự án thành phần 3, nhờ mặt bằng được giao sớm nên liên danh 3 nhà thầu đồng loạt triển khai với 15 mũi thi công, với khoảng 225 thiết bị, 415 nhân sự trên tổng chiều dài hơn 19,5km của tuyến. Đến nay, khối lượng công việc đã hoàn thành khoảng 40%, vượt nhiều tháng so với kế hoạch.
Tiến độ tốt là vậy nhưng cả ban quản lý dự án, liên danh các nhà thầu không chủ quan. Trên công trường lúc nào cũng bố trí công nhân làm việc theo ca kíp xuyên ngày đêm và cuối tuần.
Kế hoạch thi công được điều chỉnh linh hoạt, tập trung vào những hạng mục quan trọng. Ban quản lý dự án cũng tăng cường công tác giám sát tại hiện trường để đảm bảo chất lượng và tiến độ công việc.
Ông Nguyễn Công Vinh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: "Dù tiến độ dự án đang vượt so với kế hoạch, nhưng chúng tôi vẫn yêu cầu Ban quản lý dự án Giao thông Khu vực Cái Mép - Thị Vải sát cánh cùng các nhà thầu.
Trong quá trình thi công, nếu gặp vấn đề gì phát sinh phải phối hợp để giải quyết ngay. Mục tiêu là thông xe dịp 30/4 năm tới".
"Không hứa nữa, tháng 9 phải giao xong mặt bằng"
Trong khi đó, tại Đồng Nai, ông Ngô Thế Ân, Giám đốc Ban quản lý dự án xây dựng công trình giao thông Đồng Nai (chủ đầu tư dự án thành phần 1) cho biết, tiến độ hiện rất chậm. Có hai gói thầu xây lắp là XL18 và XL21 chỉ mới đạt 6%.
Tương tự, tại dự án thành phần 2 có hai gói thầu là XL9 mới đạt 21%, gói XL10 chỉ đạt 5%. Nguyên nhân chính là vướng mặt bằng.
Tại dự án thành phần 1, cả TP Biên Hòa và huyện Long Thành chỉ mới bàn giao được 41ha trên tổng số 215ha. Dự án thành phần 2 qua Long Thành có khá hơn nhưng cũng mới bàn giao được 71% trên tổng số 151ha.
"Nói là bàn giao nhưng không liền khoảnh, có đoạn chỉ dài 100m nên xe máy, thiết bị không vào thi công được", ông Ân nói.
Ông Nguyễn Ngọc Hà, Giám đốc Ban quản lý dự án thành phần 2 cho biết nhà thầu đã triển khai 34 mũi thi công nhưng sản lượng chưa cao do mặt bằng xôi đỗ, đoạn có mặt bằng thuận lợi lại thiếu đất đắp. Các nhà thầu loay hoay tìm đất nhưng trữ lượng không đủ, giá thành cao.
"Chúng tôi rất lo lắng, một số vị trí quan trọng cần phải xử lý đất yếu với tổng thời gian thi công, chờ lún khoảng 600 ngày, rất mất thời gian. Nhiều hộ giao đất nhưng chỉ cho phát quang, chưa cho thi công", ông Hà nói.
Về vấn đề mặt bằng, ông Vũ Quốc Thái, Phó chủ tịch UBND TP Biên Hòa thông tin, thời gian qua cán bộ làm ngày làm đêm để giải quyết hồ sơ, thủ tục liên quan. Khó khăn nhất là những khu đất mua bán giấy tay nên hồ sơ xác định mất thời gian. "Hết tháng 8 chúng tôi cố gắng giao tổng cộng khoảng 49ha", ông Thái nói.
Sốt ruột về tiến độ hai dự án thành phần qua địa phương đang bị chậm rất nhiều, trong khi đoạn qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang vượt tiến độ, ông Võ Tấn Đức, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu: "Các địa phương không hứa nữa, hết tháng 9 phải bàn giao toàn bộ mặt bằng. Sẽ có thưởng - phạt rõ ràng cho các cán bộ, địa phương".
Tháng 9 sẽ có cát cho Vành đai 3 TP.HCM
Theo thông tin mới nhất từ Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban Giao thông), các địa phương và nhà thầu đang gấp rút hoàn thiện các thủ tục để trong tháng 8 có những mỏ cát đầu tiên khai thác phục vụ dự án Vành đai 3 TP.HCM.
Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Giao thông cho biết, phần đường hiện đang chậm vì chờ cát, nhưng tổng thể tiến độ chung vẫn đang được kiểm soát.
Hiện, các địa phương cơ bản hoàn tất các thủ tục để cuối tháng 8 sẽ giao những mỏ cát đầu tiên cho nhà thầu. Trong đó, tỉnh Tiền Giang sẽ giao trước các mỏ với tổng hơn 3 triệu khối. Sau đó, các tỉnh Vĩnh Long, Long An cũng tiếp tục giao trong những tháng cuối năm.
Trong lúc chờ cát, các nhà thầu đã huy động thiết bị, nhân lực tập trung thi công các phần cầu, cống, đường trên cao, nút giao. Ở hướng TP Thủ Đức, hàng chục trụ cầu đoạn đường trên cao đã được thi công hoàn thiện, chờ lao lắp dầm.
Đoạn Vành đai 3 qua Long An tiến độ tốt hơn khi đã đạt trên 35% sản lượng thi công. Tại nút giao giữa Vành đai 3 với cao tốc TP.HCM - Trung Lương, nhà thầu đang lao lắp 3 nhịp dầm còn lại của cầu vượt ngang. Dự kiến sang tháng 9 sẽ thi công bản mặt cầu để tháng 10 thông xe kỹ thuật. Cách đó không xa, cầu Tân Bửu cũng đã lao lắp nhiều nhịp dầm Super T.
Ông Trần Thiện Trúc, Phó giám đốc Sở GTVT Long An cho biết, tiến độ đang kiểm soát tốt theo chỉ đạo của Chính phủ, nhưng vẫn thực hiện theo tinh thần "3 ca, 4 kíp", ngày đêm không nghỉ.
Dự án Vành đai 3 TP.HCM có tổng chiều dài 76,3km đi qua 4 địa phương gồm: TP.HCM (47,35km), Đồng Nai (11,26km), Bình Dương (10,76km), Long An (6,81km).
Theo Ban Giao thông, tiến độ đoạn qua Long An được đánh giá tốt với sản lượng đạt trên 35%. Đoạn qua TP.HCM đạt trên 22%; tỉnh Bình Dương đạt trên 13%, tỉnh Đồng Nai mới đạt 4%.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận