Xã hội

Thí điểm cơ quan quản lý liên ngành ngăn ngộ độc thực phẩm

Để ngăn tình trạng ngộ độc thực phẩm, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, cần xem xét, rà soát lại các quy định của pháp luật, thể chế, trong đó đang thí điểm cơ quan quản lý liên ngành về an toàn vệ sinh thực phẩm, giao cho Bộ Y tế chủ trì.

Nếu làm chặt chẽ, tăng cường thanh kiểm tra sẽ ngăn được ngộ độc thực phẩm 

Sáng 6/6, sau khi kết thúc phần chất vấn và trả lời chất vấn liên quan đến 4 nhóm lĩnh vực, Quốc hội dành thời gian để Phó thủ tướng Trần Hồng Hà thay mặt Chính phủ trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.

Có 24 ý kiến chất vấn, tranh luận đối với Phó thủ tướng Trần Hồng Hà.

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (đoàn tỉnh Nam Định) chất vấn Phó thủ tướng liên quan đến lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP).

Nêu tình hình ATVSTP còn phức tạp, tình trạng ngộ độc thực phẩm liên tiếp xảy ra với số lượng người ngộ độc lớn, đại biểu Hoa đề nghị Phó thủ tướng cho biết những giải pháp căn cơ nào để giải quyết vấn đề ATVSTP, góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân?

Thí điểm cơ quan quản lý liên ngành ngăn ngộ độc thực phẩm- Ảnh 1.

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (đoàn tỉnh Nam Định).

Trả lời chất vấn, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, cần xem xét, rà soát lại các quy định của pháp luật, thể chế, trong đó đang thí điểm cơ quan quản lý liên ngành về ATVSTP, giao cho Bộ Y tế chủ trì.

Phó thủ tướng cho biết, sắp tới chúng ta tổng kết, xem xét để có những quy định, chế tài và pháp lý hóa đối với chuỗi cung cấp thực phẩm từ khâu sản xuất, khâu chế biến, vận chuyển và nơi tiêu thụ.

"Nếu chúng ta làm chặt chẽ như vậy và tập trung công tác thanh, kiểm tra; tăng cường trang thiết bị để kiểm soát nhanh các tiêu chí an toàn thực phẩm; hệ thống tổ chức đồng bộ… thì hoàn toàn giải quyết được vấn đề an toàn thực phẩm trong thời gian tới", Phó thủ tướng khẳng định.

Thí điểm cơ quan quản lý liên ngành ngăn ngộ độc thực phẩm- Ảnh 2.

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà trả lời chất vấn.

Trong báo cáo giải trình đầu phiên chất vấn, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cũng cho biết, cần tăng cường phối hợp liên ngành trong công tác đảm bảo ATVSTP, thực hiện đầy đủ, có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa, truy xuất nguồn gốc, ngăn chặn thực phẩm không an toàn.

Bên cạnh đó cần đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về nguy cơ và cách phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, nhất là tại các điểm, khu du lịch, thức ăn đường phố, nhà ăn tập thể của trường học, khu công nghiệp... 

Tổng kết mô hình thí điểm Ban Quản lý an toàn thực phẩm và đề xuất mô hình cơ quan quản lý ATVSTP ở địa phương.

Thần tốc xây dựng đường dây 500kV để giải quyết thiếu điện

Chất vấn Thủ tướng, đại biểu Trần Nhật Minh (Nghệ An) đặt hỏi về tình trạng nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam nhưng quan ngại việc cung ứng điện. Đại biểu mong muốn Chính phủ nêu rõ giải pháp để cung ứng điện không ảnh hưởng tới thu hút đầu tư. 

Trả lời đại biểu, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định: "Đây là vấn đề Chính phủ, Thủ tướng rất quan tâm, đặc biệt khi năm 2023 có giai đoạn thiếu điện cục bộ ở một số địa phương miền Bắc đã gây nhiều tác động".

Nêu giải pháp, ông cho biết trước hết cần quan tâm triển khai các công trình dự án điện, tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách để đầu tư. 

Bên cạnh đó, chúng ta đã giải quyết khâu phân phối điện bằng việc xây dựng đường dây 500kV mạch 3 với thời gian thần tốc, dự kiến hoàn thành cuối tháng 6, do đó theo Thủ tướng việc điều tiết điện giữa các vùng miền sẽ được giải quyết.

Ngoài ra, ông đề cập giải pháp đa dạng các nguồn điện, cạnh tranh các nguồn điện, thông qua  xây dựng nghị định liên quan mua bán điện trực tiếp nhất là năng lượng tái tạo. 

"Chúng ta cũng đang chuẩn bị xây dựng và ban hành nghị định để mọi người dân có điện mái nhà có thể có nguồn điện tự sản, tự sinh để tiêu dùng", ông Hà nói. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.