Quản lý

Thí điểm đi cao tốc phải dán thẻ trả phí tự động

22/11/2021, 06:00

Đến nay, cả nước đã có hơn 2 triệu xe ô tô dán thẻ thu phí không dừng nhưng mới có khoảng 50% số lượng phương tiện sử dụng dịch vụ.

Dự kiến tới đây, tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được chọn triển khai thí điểm chỉ thu phí tự động không dừng, không có thu phí thủ công.

Sau thời gian thí điểm, nếu thành công sẽ nhân rộng ra các tuyến cao tốc trong cả nước, nhất là đối với tuyến cao tốc Bắc - Nam.

img

Hiện có gần 2 triệu phương tiện dán thẻ thu phí không dừng, song chỉ 50% trong số này nạp tiền để sử dụng dịch vụ

Tỷ lệ sử dụng thu phí không dừng vẫn thấp

Tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ và Cầu Giẽ - Ninh Bình hiện đang thu phí liên thông và có lưu lượng phương tiện khoảng 60.000 lượt xe/ngày, thuộc diện cao nhất, nhì cả nước.

Ghi nhận của PV Báo Giao thông những ngày đầu tháng 11/2021, hệ thống thu phí không dừng tại cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình đều cho thấy hoạt động hiệu quả và chính xác cao.

Các phương tiện qua làn lưu thông không dừng đều nhanh chóng, không phải dừng xe, thực hiện các thao tác như lấy thẻ, trả tiền mặt nên không xảy ra ách tắc.

Tổng cục Đường bộ VN cũng sẽ chỉ đạo các nhà cung cấp dịch vụ ETC tập trung tuyên truyền nâng cao ý thức người dân dán thẻ và sử dụng thu phí không dừng. Trong đó, sẽ đẩy mạnh tuyên truyền về xử phạt xe không đủ điều kiện đi vào làn không dừng theo Nghị định 100. Hiện, Tổng cục đang sửa đổi Nghị định 100 để quy định rõ thế nào là xe không đủ điều kiện đi vào làn ETC như: Xe không dán thẻ, tài khoản không có hay không đủ tiền. Việc này sẽ thuận tiện hơn cho công tác xử phạt của lực lượng chức năng.
Ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN


Hiệu quả là vậy, tuy nhiên, sau hơn 1 năm thực hiện thu phí tự động không dừng, lượng phương tiện dán thẻ và sử dụng dịch vụ chỉ chiếm 1/3 tổng số phương tiện lưu thông qua đây.

Ông Vũ Ngọc Oánh, Phó TGĐ Công ty BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ cho hay, tuyến cao tốc này thực hiện thu phí tự động từ tháng 6/2020 ở 40 làn thu phí, nhưng mới chỉ sử dụng có 18 làn.

Đến nay, tỷ lệ phương tiện sử dụng dịch vụ mới chiếm khoảng trên 40% trong tổng số lưu lượng phương tiện qua trạm, chưa tương xứng với số tiền đầu tư.

Tỷ lệ này phải đạt khoảng 80% mới phát huy hiệu quả.

“Khó khăn nhất hiện nay là thu phí không dừng trên tuyến chưa đồng bộ.

Hiện, 100% số làn tại trạm đã lắp thu phí không dừng, nhưng đoạn tuyến Cầu Giẽ - Ninh Bình do Tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc VN (VEC) quản lý mới chỉ có 15/40 làn có ETC.

Hơn nữa, nhiều chủ phương tiện chưa dán thẻ, hoặc đã dán nhưng tài khoản không đủ tiền vẫn đi vào làn ETC, gây ùn tắc”, ông Oánh cho hay.

Tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng cũng trong tình cảnh tương tự.

Theo lãnh đạo Tổng công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính VN (VIDIFI), từ khi dịch vụ thu phí không dừng đưa vào sử dụng, tỷ lệ xe sử dụng dịch vụ thu phí ETC rất thấp, chỉ đạt trung bình khoảng 25% tổng lưu lượng xe trên tuyến.

Tại các trạm thu phí, dù đã mở 2 - 3 làn hỗn hợp nhưng vẫn thường xuyên xảy ra hiện tượng ùn tắc, lượng xe xếp hàng qua trạm kéo dài thường xuyên từ 300 - 500m.

Tỷ lệ người dùng ETC thấp tại trạm thu phí Pháp Vân - Cầu Giẽ và cao tốc Hà Nội - Hải Phòng cũng là tình trạng chung của các trạm thu phí trong cả nước.

Lý giải về thực trạng này, ông Hồ Trọng Vinh, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH thu phí tự động VETC cho hay, các làn thu phí đã vận hành hiện vẫn chưa phải là thuần ETC.

Nhiều phương tiện chưa dán thẻ, thấy làn vắng xe nên đi vào khiến cho các xe đã dán thẻ nhưng không lưu thông được.

Người đã dán thẻ và nạp tiền sử dụng dịch vụ thấy không được ưu tiên nên ức chế, thậm chí bỏ dịch vụ.

“Nhiều người dân vẫn còn giữ thói quen dùng tiền mặt nên chưa dán thẻ.

Bên cạnh đó, do còn xảy ra một số lỗi như: Không đi nhưng vẫn bị trừ tiền… nên nhiều chủ phương tiện chưa tin tưởng vào hệ thống thu phí không dừng”, ông Vinh nói.

Thí điểm cao tốc chỉ thu phí không dừng

img

Làn thu phí tự động tại trạm thu phí cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ

Cũng theo ông Hồ Trọng Vinh, đơn vị cung cấp dịch vụ đã sử dụng nhiều giải pháp truyền thông về lợi ích của ETC nhưng hiệu quả chưa nhiều.

Tuy nhiên, để người dân tin tưởng sử sụng dịch vụ, việc truyền thông về dự án cần có sự tham gia của các cơ quan quản lý Nhà nước.

“Bên cạnh đó, việc xử phạt xe đi không đúng làn đường cũng cần làm quyết liệt, không để xe không đủ điều kiện đi vào làn ETC”, ông Vinh nói.

Ông Tô Nam Toàn, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, Môi trường và Hợp tác quốc tế (Tổng cục Đường bộ VN) cho hay, việc tuyên truyền chưa mang lại hiệu quả như mong muốn nên số lượng phương tiện dán thẻ và sử dụng dịch vụ chưa cao.

Cả nước đã có hơn 2 triệu xe ô tô dán thẻ thu phí không dừng nhưng mới có khoảng 50% số lượng phương tiện sử dụng dịch vụ.

“Dù Nghị định 100 của Chính phủ đã có chế tài xử phạt phương tiện đi sai làn thu phí không dừng gây ùn tắc giao thông tại các trạm thu phí, tuy nhiên việc xử lý chưa được triệt để”, ông Toàn nêu và cho biết, Tổng cục Đường bộ VN đang phối hợp với Cục CSGT nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Nghị định 100.

“Tổng cục Đường bộ VN cũng đề nghị các ngân hàng tiếp tục miễn phí nạp tiền vào tài khoản thu phí không dừng để khuyến khích các chủ phương tiện sử dụng dịch vụ này”, ông Toàn cho hay.

Để thúc đẩy lượng người dùng, theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Tổng cục Đường bộ VN đang chuẩn bị thí điểm thuần ETC trên tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

Tuyến cao tốc này sẽ thu phí hoàn toàn bằng thu phí tự động không dừng, không có thu phí thủ công. Chỉ có phương tiện dán thẻ và nạp tiền sử dụng dịch vụ mới được lưu thông trên tuyến cao tốc này.

Ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho hay, trước khi thực hiện thí điểm, Tổng cục Đường bộ VN sẽ tuyên truyền trong 4 tháng để người dân chuẩn bị, dán thẻ ETC để lưu thông trong thời gian từ nay đến hết quý I/2022.

Sau thời gian này, xe không có đủ điều kiện thu phí không dừng sẽ không được lưu thông trên tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

Nói về tính khả thi của việc thí điểm này khi những vướng mắc về lượng xe dán thẻ chưa nhiều và chưa có chế tài truy thu trả sau khi tài khoản không đủ tiền, ông Thắng cho hay, người dân có quyền lựa chọn, vì hiện cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đã có QL5 chạy song song.

Về tài khoản giao thông đã liên thông với tài khoản của ngân hàng thông qua ví điện tử sẽ giải quyết được tình trạng không có tiền trong tài khoản.

“Mục tiêu khi thí điểm là nâng cao hiệu quả sử dụng dịch vụ thu phí tự động không dừng.

Sau thời gian thí điểm, trường hợp thành công sẽ nhân rộng ra các tuyến cao tốc trong cả nước, nhất là đối với tuyến cao tốc Bắc - Nam.

Đối với cao tốc Bắc - Nam người dân cũng có quyền lựa chọn tuyến QL1 và các tuyến quốc lộ khác”, ông Thắng cho hay.

Hết quý I/2022 sẽ hoàn thiện hạ tầng ETC

Tìm hiểu của PV Báo Giao thông, hiện nay, sau 2 giai đoạn lắp đặt, hiện đã có 112 trạm thu phí trên toàn quốc vận hành hệ thống thu phí điện tử không dừng.

Đến nay, sau khi khắc phục một số bất cập trong việc kết nối liên thông dữ liệu của 2 giai đoạn, chủ phương tiện đã có thể sử dụng một thẻ thu phí điện tử không dừng để lưu thông qua các trạm thu phí.

Theo ông Tô Nam Toàn, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, Môi trường và Hợp tác quốc tế (Tổng cục Đường bộ VN), hiện đã có 63 trạm lắp đủ 100% làn thu phí ETC (4 - 8 làn), có 30 trạm đã lắp hơn 3 làn, còn 19 trạm mới lắp đặt được 2 làn.

Hiện, cả nước vẫn còn hơn 120 làn thu phí chưa được lắp đặt hệ thống thu phí không dừng. Dự kiến, sẽ đóng 62 làn thủ công sau khi vận hành thu phí điện tử không dừng.

“Tổng cục đã yêu cầu các nhà đầu tư BOT thiết kế bổ sung hệ thống, mua sắm trang thiết bị để hoàn thành việc tăng số làn theo quy định vào quý I năm sau.

Đây là trách nhiệm của các nhà đầu tư BOT phải thực hiện. Dự án nào không thực hiện sẽ đóng các làn thu phí thủ công.

Tiến tới tại các trạm thu phí chỉ có 1 làn hỗn hợp ETC và MTC. Tại những làn thuần ETC sẽ không có nhân viên ngồi trong cabin để tránh hiểu lầm cho lái xe”, ông Toàn cho hay.

Còn trên cao tốc, VEC hiện đang quản lý 4 dự án. Tuy nhiên, ngoài 15 làn đã được lắp đặt và vận hành thu phí không dừng trên tuyến Cầu Giẽ - Ninh Bình, các tuyến còn lại đang án binh bất động.

Những tuyến cao tốc của VEC như: Nội Bài - Lào Cai, Đà Nẵng - Quảng Ngãi và TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây là những tuyến cuối cùng trên cả nước chưa triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng. Vướng mắc lớn nhất là do chưa có nguồn vốn dành cho hạng mục này.

Tìm hiểu của PV, hiện VEC đã tính đến phương án thuê một đơn vị lắp đặt và vận hành thu phí không dừng. VEC đã báo cáo cấp có thẩm quyền để được xử lý vướng mắc về nguồn vốn đầu tư cho khoảng 140 làn thu phí, với số vốn dự kiến khoảng 4.000 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Hải Long, Phó giám đốc Trung tâm Giám sát khai thác vận hành của VEC cho hay, dự kiến sẽ chia theo từng giai đoạn, từng tuyến để đầu tư, không đầu tư cùng lúc 4.000 tỷ đồng. Như vậy sẽ dễ bố trí được nguồn ngân sách.

Tổng cục Đường bộ VN cho biết thêm, phương án bố trí vốn ngân sách để VEC tiến hành đầu tư hệ thống thu phí không dừng sẽ được thực hiện sau khi đơn vị này được phê duyệt đề án tái cơ cấu.

Trước mắt, với kế hoạch đi thuê dịch vụ, cơ quan chức năng sẽ đưa ra các khuyến cáo để VEC triển khai kịp tiến độ và liên thông được với hệ thống trên toàn quốc.

Liên quan giải pháp xử lý dứt điểm việc đầu tư hệ thống ETC đối với các tuyến cao tốc do VEC quản lý, ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho hay, Bộ GTVT và Tổng cục Đường bộ VN đang tích cực làm việc với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước để xem xét hình thức đầu tư hệ thống thu phí không dừng các tuyến cao tốc của VEC.

Quá trình tái cơ cấu VEC sẽ mất nhiều thời gian. Trước mắt, phương án vốn sẽ theo hướng lựa chọn một trong hai nhà cung cấp dịch vụ hiện nay và Công ty TNHH thu phí tự động VETC và Công ty cổ phần giao thông số (VDTC).

“Phương án triển khai đầu tư hệ thống thu phí điện tử không dừng cho 4 tuyến (140 làn) do VEC quản lý theo phương án đấu thầu thuê dịch vụ thu phí điện tử không dừng.

Sau khi đấu thầu, nhà cung cấp dịch vụ sẽ lắp đạt hệ thống thu phí ETC tại trạm và vận hành khai thác. Nguồn kinh phí để trả cho nhà cung cấp dịch vụ sẽ được lấy từ kinh phí tổ chức thu phí một dừng (MTC) hàng năm hiện nay của VEC.

Theo tính toán, chi phí trả cho thu phí không dừng sẽ thấp hơn cho phí thu thủ công của VEC”, ông Thắng cho hay.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.