Xã hội

Thí điểm dùng 5,2 triệu m3 cát biển đắp nền cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng

18/10/2024, 15:24

Tỉnh Nam Định và tỉnh Thái Bình đồng ý chủ trương cho phép áp dụng thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường dự án tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng.

Ngày 18/10, ông Trần Anh Dũng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nam Định cho biết, UBND tỉnh Nam Định đã đồng ý chủ trương cho phép áp dụng thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu xây dựng thông thường để đắp nền đường Dự án tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn tuyến từ Km 38+300 - Km 46+300 thuộc địa bàn huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Khối lượng đắp dự kiến khoảng 2 triệu m3.

Thí điểm dùng 5,2 triệu m3 cát biển đắp nền cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng- Ảnh 1.

Nam Định áp dụng thí điểm sử dụng 2 triệu m3 cát biển làm vật liệu đắp nền đường.

Trước đó, UBND tỉnh Thái Bình cũng có văn bản đồng ý cho phép áp dụng thí điểm sử dụng vật liệu cát biển để đắp nền đường thuộc Dự án tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Nam Định và Thái Bình theo phương thức đối tác công tư. 

Theo đó, sẽ thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu xây dựng thông thường để đắp nền đường Dự án tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn tuyến từ Km 65+100 - Km 80+240 thuộc địa bàn huyện Thái Thụy. Khối lượng đắp dự kiến khoảng 3,2 triệu m3.

Theo ông Trần Anh Dũng, việc áp dụng thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu để đắp nền đường phải đảm bảo tuân thủ đúng hướng dẫn của Bộ Giao thông vận tải và ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; các nội dung tại Báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án được phê duyệt và các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định khác của pháp luật có liên quan.

Trong đó, khi triển khai thí điểm, nhà đầu tư phải xây dựng phương án phòng, chống sự cố môi trường giai đoạn triển khai thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường.

Đồng thời có các giải pháp để đảm bảo việc sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường không ảnh hưởng đến sản xuất, môi trường xung quanh và đời sống sinh hoạt của người dân khu vực trong thời gian thi công và sau khi hoàn thành dự án.

Cùng với đó, nhà đầu tư cần thực hiện đúng, đầy đủ việc theo dõi, quan trắc, đánh giá chất lượng môi trường trong khu vực dự án thực hiện thí điểm theo Đề cương quan trắc và đánh giá chất lượng môi trường (trong đó phải giám sát về độ mặn và chỉ số các chất có hại cho cây trồng, thủy sản có trong cát biển); gửi kết quả quan trắc, giám sát về Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải và UBND tỉnh Nam Định để theo dõi, giám sát.

Trường hợp phát hiện dấu hiệu nhiễm mặn ảnh hưởng đến môi trường xung quanh hoặc xảy ra sự cố nhiễm mặn ảnh hưởng đến nguồn nước phục vụ sản xuất và nuôi trồng thủy sản..., nhà đầu tư phải dừng ngay thi công tại các vị trí thí điểm; đồng thời đánh giá cụ thể nguyên nhân và thực hiện đền bù, khắc phục sự cố theo quy định của pháp luật. 

UBND tỉnh Nam Định giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông vận tải, UBND huyện Xuân Trường và các đơn vị có liên quan theo dõi, giám sát về tác động, ảnh hưởng của việc thực hiện thí điểm đến hệ sinh thái nông nghiệp, cây trồng, vật nuôi, thủy lợi và các nội dung khác theo lĩnh vực quản lý; thường xuyên theo dõi, giám sát quá trình triển khai thí điểm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.