Quản lý

Thi lấy giấy phép lái xe sẽ khó hơn

03/07/2019, 06:26

Tổng cục Đường bộ VN dự kiến tăng bộ câu hỏi thi sát hạch lý thuyết lái xe từ 450 lên 600 câu vào quý III năm nay.

img
Người dự sát hạch trả lời đúng tất cả các câu trong bộ đề sát hạch, nhưng chỉ làm sai 1 câu hỏi “liệt” sẽ không đạt yêu cầu (Trong ảnh: Thi lý thuyết tại Trung tâm Sát hạch lái xe Xuân Mai). Ảnh: Khánh Linh

Đáng lưu ý, trong số này sẽ có 100 câu hỏi điểm “liệt”. Nếu đề thi có 30 câu mà học viên làm đúng 29 câu, nhưng sai 1 câu thuộc câu điểm “liệt” sẽ bị đánh trượt ngay.

Sai câu hỏi “liệt” sẽ bị đánh trượt

Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết, bộ 600 câu hỏi sẽ được xây dựng trên cơ sở bộ 450 câu hỏi hiện nay và được nghiên cứu từ nhiều nước phát triển.

“Chúng tôi nghiên cứu loại bỏ một số câu hỏi dễ học vẹt, học tủ và một số câu hỏi không liên quan trực tiếp đến người học lái xe. Cùng đó, bộ câu hỏi cũng bổ sung một số tình huống giao thông tiềm ẩn nguy cơ gây mất ATGT nghiêm trọng. Các câu hỏi được biên soạn lại ngắn gọn, dễ hiểu, điều chỉnh phương án trả lời đúng của từng câu hỏi từ 2 phương án xuống còn 1 phương án”, bà Hiền thông tin.

Cũng theo bà Hiền, số lượng câu hỏi trong một đề sát hạch cũng sẽ được tăng thêm. So với trước đây, đề sát hạch tới đây sẽ có nhiều điểm mới. Ngoài hạng B1 vẫn giữ nguyên số lượng câu hỏi, số lượng câu hỏi sát hạch hạng B2 tăng từ 30 câu lên 36 câu. Số lượng câu hỏi sát hạch hạng C tăng từ 30 lên 40 câu. Số lượng câu hỏi sát hạch hạng D, E, F tăng từ 30 lên 45 câu.

Bên cạnh đó, thời gian sát hạch lý thuyết cũng sẽ được rút ngắn. Theo đó, thời gian làm bài hạng B1giảm từ 20 phút xuống còn 17 phút (giảm 6s/câu), hạng B2 vẫn giữ nguyên (do tăng câu hỏi nên giảm thời gian 7s/câu). Tương tự, hạng C, D, E, F cũng giảm 7s/câu.

Lý giải về việc đưa ra câu hỏi “liệt” để đánh giá kết quả sát hạch, bà Hiền cho biết, Tổng cục Đường bộ VN đã lựa chọn 100 câu hỏi trong bộ 600 câu hỏi mang tính chất cơ bản, cốt lõi mà người lái xe phải hiểu, nhớ và luôn thực hiện đúng trong suốt quá trình hành nghề lái xe để tham gia giao thông an toàn.

Trong đó, có 58 câu liên quan đến những hành vi bị nghiêm cấm trong quy tắc giao thông, những hành vi gây mất ATGT nghiêm trọng trên đường cao tốc, trên đoạn đường giao nhau đồng mức với đường sắt và quy tắc nhường đường cho xe ưu tiên. Có 12 câu hỏi liên quan đến kỹ thuật lái xe khi xuống dốc cao và dài, khi qua đoạn đường khuất tầm nhìn, khi qua đường sắt, khi tầm nhìn bị hạn chế, khi ra vào đường cao tốc. 30 câu hỏi giải các thế sa hình và kỹ năng xử lý tình huống giao thông khi qua ngã tư, qua đường sắt, qua đoạn đường khuất tầm nhìn, khi ra vào đường cao tốc.

“Đề sát hạch được máy tính lấy ngẫu nhiên trong 7 chương của bộ câu hỏi (500 câu) và có 1 câu hỏi “liệt” lấy từ 100 câu hỏi “liệt” nêu trên. Người dự sát hạch trả lời đúng mỗi câu hỏi được 1 điểm, điểm đạt yêu cầu đối với từng hạng giấy phép lái xe (trừ câu hỏi “liệt”): Hạng B1 và B1 số tự động là 26/30, hạng B2 là 32/36, hạng C là 37/40, hạng D, E và các hạng F là 42/45. Người dự sát hạch trả lời đúng tất cả các câu trong bộ đề sát hạch, nhưng chỉ làm sai 1 câu hỏi “liệt” sẽ không đạt yêu cầu”, bà Hiền nói.

Đề cập vấn đề này, ông Hoàng Thế Tùng, Phó vụ trưởng Vụ ATGT (Bộ GTVT) cho rằng, câu hỏi liệt ngoài việc mang tính chất là những tình huống nguy hiểm cũng cần mang tính đơn giản vì những kiến thức sơ đẳng mà học viên không biết thì bị liệt là đúng. Những câu bắt buộc phải suy luận, nghiên cứu như sa hình không thể gọi là câu “liệt”.

Đồng tình với việc đưa vào bộ câu hỏi một số tình huống nếu trả lời sai sẽ trượt ngay, nhưng Phó chủ tịch chuyên trách Uỷ ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng cho rằng, số lượng câu hỏi này nên chiếm tỷ lệ thấp. 100/600 câu là tỷ lệ khá cao, tỷ lệ này chiếm khoảng 5% là hợp lý.

Nhiều nước coi các câu hỏi là tương đương, vi phạm tỷ lệ như nhau, câu nào cũng là nghiêm trọng. Trong một câu hỏi, nhiều nước cơ cấu không bao giờ có 2 hay 3 đáp án mà mỗi câu hỏi phải có 4 đáp án, trong đó có một đáp án gây nhiễu để học viên phải suy nghĩ và phải học để nhớ.

Siết chặt để nâng cao chất lượng đào tạo

Từ ngày 1/6/2019, Tổng cục Đường bộ VN và Cục CSGT (Bộ Công an) đã hoàn thành việc kết nối chia sẻ dữ liệu phục vụ việc phát hiện, xử lý triệt để tài xế gian dối xin cấp nhiều GPLX. Nếu phát hiện tài xế khai báo gian dối việc mất bằng lái để cấp lại bằng khác sẽ thu tất cả GPLX lái xe đó có, sau 5 năm mới được học và cấp lại bằng lái xe như trường hợp cấp bằng lái lần đầu. Nếu trường hợp bị thu bằng hạng D, hạng E vẫn phải học lại bằng lái từ hạng B.


Liên quan đến việc tăng câu hỏi và áp dụng điểm “liệt” có đánh đố học viên và việc đào tạo của các trung tâm, cũng như giáo trình có phải thay đổi theo, ông Lương Duyên Thống, Vụ trưởng Vụ Phương tiện và người lái (Tổng cục Đường bộ VN) cho biết, giáo trình đào tạo sẽ có sự thay đổi khi tăng câu hỏi thi. Tuy nhiên, cách thức đào tạo vẫn giữ nguyên như hiện nay vì học viên chỉ việc học thêm câu hỏi và thi.

Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng cho rằng, vấn đề lớn nhất hiện nay là quản lý chất lượng của người dạy, có không ít trường hợp 5 - 7 học viên và thày dạy lái chiều cuối tuần đi tập, sau đó đi nhậu và lái xe về. Đây là vấn đề không thể chấp nhận vì liên quan đến đạo đức người dạy. Bên cạnh đó, tôi rất ít khi thấy thày dạy lái nhắc học viên thắt dây an toàn trong quá trình học, ngay bản thân thày dạy lái cũng không thắt.

Điều này thể hiện ý thức đạo đức của người làm thày là không ổn. Tôi biết nhiều trường hợp thày dạy lái mua xe sau đó gửi vào trung tâm, có tỷ lệ nhất định xe của các trung tâm đào tạo và sát hạch là của thày giáo. Vì vậy, cần siết vấn đề chất lượng của giáo viên dạy lái, nếu thày tốt thì học viên mới tốt. Nên chăng phải tái sát hạch cấp chứng chỉ giáo viên dạy lái xe.

“Ngay cả khi không có câu liệt, nhưng nếu chúng ta làm tốt công tác quản lý chất lượng đào tạo, sát hạch cũng đã rất tốt. Hiện, chúng ta chưa giám sát được quá trình học thực hành của học viên. Nếu làm đúng được chương trình hiện nay, người lái xe sẽ có kỹ năng tốt. Nhật Bản là nước dạy thực hành có 40 giờ trong khi Việt Nam dạy 84 giờ và hơn 1.000km. Chúng ta có thể giảm giờ thực hành nhưng phải có quy định chặt chẽ học viên phải thực hành ở môi trường giao thông nào và phải giám sát được việc này. Bên cạnh đó, hiện chúng ta mới chỉ sát hạch 2km đường trường trong khi Hàn Quốc họ sát hạch 5km và phải qua khu đông dân cư, đường phố, đèn xanh, đèn đỏ”, ông Hùng nói.

Trăn trở về chất lượng giáo viên, ông Trần Văn Trường, Phó chánh Thanh tra Bộ GTVT cho rằng, đối với giáo viên dù đã được quan tâm nhưng vẫn cần tiếp tục nâng cao chất lượng. Giáo viên phải gắn với chất lượng đào tạo, thậm chí một số nước gắn với chất lượng từng học viên, thương hiệu của học viên gắn với người lái xe, có học viên nào đó bị tai nạn thì giáo viên dạy mất việc.

Hiện, có một lượng không nhỏ giáo viên từ lái xe vận tải chuyển sang nên kỹ năng giảng dạy, cách ứng xử cần tiếp tục sàng lọc, chấn chỉnh. Nếu giáo viên truyền đạt kỹ năng, kỹ thuật tốt, ứng xử, nhận thức tốt pháp luật sẽ đào tạo được học viên chất lượng tương xứng. Trong sát hạch, nếu học viên thi trượt lần đầu, lần thi sau phải thu lũy tiến phí sát hạch, thi lần đầu có thể phí rẻ nhưng thi lại lần 2, lần 3 phải thu rất cao.

Liên quan đến chất lượng đào tạo, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết, đã đề xuất lắp thiết bị giám sát hành trình trên xe và camera tại các trung tâm đào tạo sát hạch gần 2 năm nay. Tới đây, khi Thông tư 12/2017 của Bộ GTVT được sửa đổi và ban hành sẽ quy định đến 1/7/2020, tất cả các trung tâm đào tạo phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Khi đó sẽ kiểm soát được số km học thực hành của học viên. Khi kiểm soát bằng thiết bị này dữ liệu về quá trình học của học viên sẽ được lưu lại, qua đó sẽ phát hiện gian dối số km dạy, học viên không học đủ 1.000km sẽ thu hồi bằng lái. Đa số giáo viên hiện nay đều dạy đúng theo giáo trình. Đội ngũ giáo viên hiện được quản lý chặt chẽ, cứ mỗi 3 năm giáo phải sát hạch lại về kỹ năng, trình độ.

Về giám sát học viên, ông Huyện cho biết, tổng cục đã yêu cầu các trung tâm lắp camera trên sa hình và phòng học lý thuyết, dữ liệu sẽ được lưu tại trung tâm để phục vụ thanh, kiểm tra. tổng cục cũng đang thí điểm truyền dữ liệu trực tiếp về tổng cục tại 3 trung tâm. Đến 1/1/2020, tất cả dữ liệu tại các trung tâm trong cả nước phải truyền về tổng cục.

Về đào tạo cabin tập lái, ông Huyện cho biết, hiện tổng cục đang thí điểm, trong đó tích hợp nhiều tình huống thực tế. “Chúng tôi đang xây dựng quy chuẩn tương đồng với thế giới để nhà cung cấp trong nước hay nước ngoài căn cứ vào quy chuẩn cung cấp thiết bị này. Lộ trình để các trung tâm phải áp dụng là từ 1/5/2021. Ngoài ra, tổng cục cũng đang tích cực chia sẻ kết nối dữ liệu với Bộ Công an để phục vụ công tác xử phạt”, ông Huyện nói.

Nghiêm cấm “linh động” cho học viên trượt thi lại ngay

Phát biểu tại cuộc họp gần đây về xem xét bộ câu hỏi GPLX, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng, đối với chất lượng giáo viên, phải rà soát lại các điều khoản quy định hiện nay về trình độ năng lực, phẩm chất đạo đức đối với đối tượng này. Hành vi thày a dua cùng học sinh bỏ tập, ăn nhậu cùng học viên, nếu phát hiện qua hệ thống phải xử lý nghiêm.

“Thày phải ra thày, trò ra trò, phải ghi âm, ghi hình quá trình dạy để phát hiện ứng xử của giáo viên với học sinh và chống ăn gian giờ học, trên xe phải có camera giám sát quá trình dạy học của giáo viên, lưu trữ lại dữ liệu để xử lý. Tương tự, những buổi học lý thuyết và sa hình phải giám sát toàn bộ, thậm chí phải nghe được giờ dạy lý thuyết của giáo viên. Phải có chuyên đề sâu về giáo viên để xử lý nghiêm. Thày không tốt không thể có trò tốt”, Bộ trưởng chỉ đạo.

Bộ trưởng cũng cho rằng, cần xem xét bộ câu hỏi nâng lên 600 câu là nhiều hay ít. Theo Bộ trưởng, hệ thống đường bộ một số nước cũng có điều kiện địa hình, dòng xe, điều kiện thời tiết không khác nhiều chúng ta. Trong khi họ có bộ đề 800-1.000 câu, chúng ta cũng nên đi theo hướng này, mỗi một câu thể hiện góc nhìn công tác đào tạo lái xe. Nếu nhiều câu hỏi học sẽ rõ hơn, sát hạch sát với thực tiễn hơn. Vì vậy, cần nghiên cứu câu hỏi phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam.

“Khi học viên thi trượt, nghiêm cấm “linh động” cho thi lại ngay. Phải có giải pháp thi riêng đối với những người thi lại theo hướng khó hơn lần 1. Bên cạnh đó, cần nâng cao trách nhiệm của trung tâm đào tạo, hội đồng thi, giáo viên. Trung tâm vi phạm phải đóng cửa thời gian dài. Đối với cá nhân phải xử lý phạt hành chính đến cấm hành nghề. Hội đồng sát hạch phải đảm bảo các quy định, nếu vi phạm phải xử lý cả hội đồng”, Bộ trưởng chỉ đạo.

Hải Nam

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.