Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mới đây đã đề ra mục tiêu vận tải đường sắt đến năm 2030.
Theo đó, đến 2030, khối lượng vận chuyển hàng hóa đạt 11,8 triệu tấn, chiếm thị phần khoảng 0,27%; Khối lượng luân chuyển hàng hóa đạt 7,35 tỉ tấn.km, chiếm thị phần khoảng 1,38%.
Khối lượng vận chuyển hành khách đạt 460 triệu khách, chiếm thị phần khoảng 4,4%, trong đó đường sắt quốc gia 21,5 triệu khách, chiếm thị phần khoảng 1,87%. Khối lượng luân chuyển hành khách 13,8 tỉ khách.km, chiếm thị phần khoảng 3,55%, trong đó đường sắt quốc gia 8,54 tỉ khách.km, chiếm thị phần khoảng 2,22%.
Đến năm 2030, dự kiến đường sắt chiếm thị phần khoảng 0,27% vận chuyển hàng hóa, 4,4% vận chuyển hành khách. Ảnh: minh họa
Về mục tiêu này, tư vấn lập quy hoạch cho biết, được xác định căn cứ vào kết quả dự báo tổng nhu cầu vận tải cả nước và 5 chuyên ngành đến năm 2030. Về hàng hóa, tổng nhu cầu toàn ngành GTVT là 4,40 tỉ tấn vận chuyển và 533,9 tỉ tấn.km luân chuyển nội địa. Riêng lĩnh vực đường sắt đạt 11,77 triệu tấn/năm, chiếm 0,27% thị phần, tăng trưởng 7,9%/năm; Khối lượng hàng hóa luân chuyển liên tỉnh đạt 7,34 tỉ tấn.km, thị phần vận chuyển hàng hóa liên tỉnh chiếm 0,45% về tấn vận chuyển và 1,64% về tấn luân chuyển.
Về khối lượng vận chuyển dự báo trên các tuyến đường sắt năm 2030, tuyến đường sắt thường Hà Nội - TP.HCM có khối lượng vận chuyển là 12,65 - 13 triệu khách/năm (tăng trưởng 6,6% đến 6,8%/năm). Nếu tính thêm đoạn đường sắt tốc độ cao thì tổng khối lượng có thể lên đến 32,5 - 34,8 triệu hành khách/năm. Khối lượng hàng hóa dự báo từ 4,7 - 5 triệu tấn/năm (tăng trưởng 7,1% đến 7,7%/năm).
Trong đó, các tuyến Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân ở mức 1 - 3 triệu khách/năm (tăng trưởng hàng năm từ 5,6% đến 22%), 1 - 3 triệu tấn/năm (tăng trưởng hàng năm từ 2,7% đến 11,5%). Tuyến TP.HCM - Biên Hòa - Vũng Tàu đạt 2,35 - 3,5 triệu khách/năm; 1,3 - 1,8 triệu tấn/năm.
Về hành khách, tổng nhu cầu toàn ngành GTVT là 10,46 tỉ khách vận chuyển và 389,41 tỉ khách.km luân chuyển nội địa. Trong đó, lĩnh vực đường sắt đạt 460 triệu khách, chiếm 4,4% thị phần, tăng trưởng 44,38%/năm (9,58%/năm đối với khách liên tỉnh). Khách liên tỉnh đạt 21,5 triệu về lượng vận chuyển, 8,54 tỉ khách.km về lượng luân chuyển; Thị phần vận chuyển hành khách liên tỉnh chiếm 1,87% về khách vận chuyển và 4,61% về khách luân chuyển.
Tư vấn lập quy hoạch cũng cho biết nhu cầu vận chuyển dự báo các tuyến đường sắt đến năm 2030 trên 10 hành lang. Cụ thể, mật độ vận chuyển trung bình của đường sắt trên hành lang Bắc - Nam từ 2,3 - 3,0 triệu tấn/năm (0,8% - 1,2% thị phần); 4,5 - 4,6 triệu khách/năm (3,4% - 3,8% thị phần) tùy theo đoạn.
Các hành lang từ Hà Nội đi các hướng phía Bắc (tuyến đường sắt hiện tại) từ 1 - 3,3 triệu tấn/năm (0,9% đến 7,0% thị phần) tùy theo hành lang; 1 - 2,5 triệu khách/năm (0,5% đến 6,1% thị phần). Riêng đoạn Hà Nội - Thái Nguyên rất thấp, chưa tới 200.000 tấn/năm và 100.000 khách/năm.
Với các hành lang có kịch bản đường sắt mới như: Vũng Áng - Cha Lo - Thà Khẹcmật độ vận chuyển trung bình khoảng 2,2 triệu tấn và 1,7 triệu khách và có thể tăng 5 - 6 triệu tấn than nhiệt điện Lào. Tuyến TP.HCM - Biên Hòa - Vũng Tàu khoảng từ 1,8 - 2 triệu tấn/năm (1,8% thị phần) và từ 1,6 - 3 triệu khách/năm (1,6% đến 2,4% thị phần).
“Với kết quả dự báo đến năm 2030, thị phần trên hành lang của đường sắt đều ở mức trên dưới 2% (cá biệt có đoạn 3%-4%). Nếu xét về thị phần nói chung thì đường sắt sẽ chưa chiếm thế chủ đạo trên bất cứ hành lang nào. Tuy nhiên, nếu đạt được thị phần 2-4% như dự báo, sẽ là động lực để đường sắt tiếp tục tăng trưởng, có bước đột phá ở giai đoạn sau 2030, khi quá trình đầu tư hạ tầng tuyến đường sắt đã vào giai đoạn hình thành, khai thác.”, tư vấn lập quy hoạch nêu rõ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận