Điểm sàn không phải là điểm chuẩn
Hiện, hầu hết các trường ĐH đã công bố mức điểm sàn năm 2024 theo các phương thức, trong đó có phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Điểm sàn được coi là mức điểm điều kiện tối thiểu để xét tuyển vào trường ĐH. Tuy nhiên, nhiều thí sinh vẫn nhầm lẫn giữa điểm sàn và điểm chuẩn.
Điểm sàn luôn được công bố trước hoặc trong thời gian điều chỉnh nguyện vọng, làm cơ sở tham khảo cho thí sinh trong đăng ký nguyện vọng. Điểm chuẩn được công bố sau thời gian đăng ký nguyện vọng, đây là điểm trúng tuyển chính thức do nhà trường công bố. Điểm chuẩn thường cao hơn so với mức điểm sàn.
Dựa vào phổ điểm thi tốt nghiệp THPT theo từng tổ hợp năm nay, nhiều trường đại học dự báo điểm chuẩn năm 2024 tăng nhẹ. Do vậy thí sinh nên tra soát điểm chuẩn 3 năm gần nhất của khoa ngành trường đại học mà mình dự kiến đăng ký và tham khảo dự báo điểm chuẩn để xếp đặt nguyện vọng xét tuyển đại học chính xác, phù hợp.
Năm nay, mức điểm sàn cao nhất là 24 điểm, thuộc về một số ngành của trường Đại học Y Hà Nội, trường Đại học Ngoại thương; mức điểm sàn thấp nhất là 14 điểm thuộc về trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng.
Nguyện vọng 1 có ưu thế hơn?
Chỉ còn ít ngày nữa để đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học tuy nhiên nhiều thí sinh vẫn chưa hiểu đúng về thứ tự nguyện vọng khi cho rằng "các trường sẽ xét từ các bạn đặt nguyện vọng 1 trước nếu chưa đủ chỉ tiêu mới xét nguyện vọng 2".
Về vấn đề này, tại các cuộc tư vấn tuyển sinh, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT) khẳng định: Việc lọc ảo thực chất là sắp xếp nguyện vọng của thí sinh, để chỉ xác nhận thí sinh trúng tuyển 1 nguyện vọng trong số các nguyện vọng đủ điều kiện trúng tuyển.
Thí sinh cần xếp thứ tự các nguyện vọng của mình theo thứ tự ưu tiên theo mong muốn, yêu thích. Nếu thí sinh đỗ nguyện vọng được thí sinh xếp số 1 trên hệ thống thì hệ thống sẽ không xét tiếp, cho dù thí sinh có đủ điều kiện trúng tuyển các nguyện vọng khác.
Về phía các trường, theo quy định hiện nay không phải các trường ưu tiên nhận hết thí sinh có nguyện vọng 1 rồi mới xét nguyện vọng 2 hay 3… mà sẽ xét công bằng với tất cả các nguyện vọng, thí sinh đủ điều kiện sẽ được xét trúng tuyển. Vì thế thứ tự nguyện vọng chỉ có ý nghĩa với thí sinh.
Bà Thủy cũng lưu ý thí sinh không nhất thiết phải xếp các nguyện vọng đã trúng tuyển sớm lên đầu, mà có thể xếp sau nếu đó chưa phải nguyện vọng mình thích nhất. Hệ thống sẽ xét từ trên xuống, thí sinh đỗ ở nguyện vọng nào sẽ dừng ở nguyện vọng đó, vì vậy ngay cả khi thí sinh để nguyện vọng đã trúng tuyển ở cuối nhưng các nguyện vọng xếp trên trượt hết thì hệ thống vẫn xác định thí sinh đỗ nguyện vọng này.
Khi đăng ký xét tuyển trên hệ thống, thí sinh chỉ cần quan tâm tới ngành đào tạo và trường, không cần chọn phương thức, tổ hợp xét tuyển. Tuy nhiên, thí sinh sẽ phải cập nhật lên hệ thống những dữ liệu mà thí sinh có liên quan tới việc xét tuyển (điểm học bạ, chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ năng lực quốc tế, đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội, đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội...). Phần mềm sẽ tự động lựa chọn phương thức, tổ hợp mà thí sinh có lợi nhất để xét tuyển.
Theo kế hoạch của Bộ G&ĐT, từ ngày 18/7 đến 12h ngày 30/7, thí sinh sẽ đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển không giới hạn số lần. Việc nộp lệ phí xét tuyển trực tuyến sẽ diễn ra từ ngày 31/7 đến 17h ngày 6/8.
Quá trình lọc ảo sẽ diễn ra từ ngày 13/8 đến 17h ngày 17/8. Sau thời gian này, các trường có thể công bố điểm chuẩn và kết quả trúng tuyển tới thí sinh. Chậm nhất đến 17h ngày 19/8, các trường đại học, cao đẳng phải hoàn thành việc công bố điểm chuẩn và kết quả xét tuyển đợt 1.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận