Chiến thuật tối ưu trúng tuyển đại học
Còn 8 ngày nữa để thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học lên hệ thống tuyển sinh của Bộ GD&ĐT, tuy nhiên, nhiều thí sinh vẫn còn băn khoăn về thứ tự nguyện vọng.
Dù đã trúng tuyển sớm ngành Ngôn ngữ Anh của trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, em Nguyễn Vũ An (Hà Nội) cho biết: Với điểm tốt nghiệp khá ổn, em băn khoăn liệu có thể đặt xét tuyển bằng điểm tốt nghiệp cho ngành Sư phạm Anh lên nguyện vọng 1 và đặt nguyện vọng 2 là ngôn ngữ Anh hay không?.
Còn anh Hoàng Thành (Hà Nội) bày tỏ băn khoăn về việc con anh muốn đặt nguyện vọng đầu tiên là ngành học yêu thích nhưng ít cơ hội không trúng tuyển. Nhưng anh thì muốn con đặt nguyện vọng có cơ hội đỗ cao lên số 1 vì lo các trường sẽ ưu tiên tuyển hết nguyện vọng 1, mới tuyển đến các nguyện vọng phía sau.
Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Bộ GD&ĐT, với thí sinh đã có kết quả trúng tuyển sớm vẫn phải đăng ký nguyện vọng lên hệ thống xét tuyển của Bộ GD&ĐT. Với những thí sinh đã đăng ký xét tuyển sớm và được thông báo đỗ, nếu đó là ngành mà em yêu thích nhất thì cần đặt nguyện vọng 1. Nếu thí sinh còn cân nhắc các ngành học yêu thích khác thì có thể đặt lên các nguyện vọng 1, 2, 3.
Bà Thủy cũng cho biết, thứ tự các nguyện vọng chỉ có ý nghĩa với thí sinh. Khi hệ thống sẽ xét từ trên xuống, thí sinh đỗ ở nguyện vọng nào sẽ dừng ở nguyện vọng đó. Vì thế thí sinh để nguyện vọng đã trúng tuyển sớm ở cuối nhưng các nguyện vọng xếp trên trượt hết thì hệ thống vẫn xác định thí sinh đỗ nguyện vọng này.
Chia sẻ thêm về kỹ thuật đặt nguyện vọng, thầy giáo Trần Mạnh Tùng cho rằng: Thí sinh nên chọn ngành trước rồi chọn trường. Thí sinh cần tham khảo điểm chuẩn của các ngành trong 3, 4 năm gần đây và đăng ký theo 3 nhóm: Nhóm 1 dành cho nguyện vọng rất thích, có thể hơn điểm của mình 1-3 điểm; nhóm 2, đúng nguyện vọng và tương đương với điểm của mình; nhóm ba là để dự phòng rủi ro, đúng nguyện vọng của mình nhưng có điểm chuẩn thấp hơn điểm của mình.
Dù thí sinh được đăng ký nguyện vọng không giới hạn song Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học khuyên thí sinh không nên đăng ký quá nhiều nguyện vọng dẫn đến nhầm lẫn, tốn kém chi phí của gia đình. Thí sinh cần có chiến thuật là sắp xếp nguyện vọng hợp lý, có những phương án đề phòng rủi ro trượt tất cả các nguyện vọng.
Thí sinh lưu ý cập nhật đủ dữ liệu xét tuyển
Bà Nguyễn Thu Thủy cũng lưu ý thí sinh phải cập nhật lên hệ thống những dữ liệu mà thí sinh có liên quan tới việc xét tuyển như điểm học bạ, chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ năng lực quốc tế, đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội, đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội... Phần mềm sẽ tự động lựa chọn phương thức, tổ hợp mà thí sinh có lợi nhất để xét tuyển.
Một điều thí sinh cần lưu ý, theo quy định, từ ngày 18/7 đến 17h ngày 30/7, thí sinh đăng ký, điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng xét tuyển đại học không giới hạn số lần. Trước 17h ngày 19/8, các cơ sở đào tạo thông báo thí sinh trúng tuyển đợt 1 và trước 17h ngày 27/8, thí sinh xác nhận nhập học trực tuyến đợt 1 trên hệ thống. Nếu đã được thông báo trúng tuyển, thí sinh không thực hiện thủ tục xác nhận nhập học trực tuyến trong thời gian quy định đồng nghĩa đã từ chối cơ hội trúng tuyển đợt 1.
Lỡ trượt năm nay, năm sau xét tuyển như thế nào?
Trước lo lắng của thí sinh khi lứa thí sinh năm sau sẽ thi theo chương trình giáo dục mới, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cho hay: Thí sinh là học sinh lớp 12 năm nay vẫn có thể sẽ tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 để xét tốt nghiệp hoặc sử dụng kết quả thi để xét tuyển ĐH, CĐ. Về nguyên tắc thí sinh học chương trình nào sẽ thi theo chương trình đó.
Tuy nhiên, thí sinh cố gắng có lựa chọn sáng suốt để đăng ký xét tuyển và trúng tuyển vào năm nay. Vì năm sau, số thí sinh dự thi theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006 sẽ không còn nhiều và có thể các cơ sở đào tạo sẽ không dành nhiều chỉ tiêu cho đối tượng này nên các em có thể sẽ chịu sự cạnh tranh lớn hơn so với năm nay.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận