Hầu hết siêu thị, cửa hàng điện máy giảm giá sâu để xả hàng tồn kho
Dù được dự báo là năm có hiện tượng thời tiết cực đoan, xảy ra nhiều đợt rét đậm, rét hại, song thị trường thiết bị sưởi ấm vẫn “đóng băng” dù phần lớn các siêu thị đang giảm giá “kịch sàn” để xả hàng tồn.
Xả tồn kho, thận trọng nhập mới
Mặc dù miền Bắc và Hà Nội đang trải qua những ngày rét đậm, rét hại, song theo khảo sát của PV Báo Giao thông, phần lớn các doanh nghiệp điện máy rất thận trọng nhập hàng mới do sức mua giảm mạnh.
Tại các cửa hàng điện máy trên phố Giảng Võ (Ba Đình, Hà Nội) đa số trưng bày các loại thiết bị sưởi ấm quen thuộc đã có từ các năm trước như: Máy sưởi gốm (sưởi nhiệt ceramic), sưởi dầu và đèn sưởi, quạt sưởi.
Ông Lê Quang Hạnh, chủ cửa hàng điện máy Quang Hạnh cho biết, năm nay, các cửa hàng và các nhà phân phối đều đẩy hàng tồn kho và không có mặt hàng nào nổi bật để chạy chiến dịch như các năm trước đó.
“Việc quảng cáo bán hàng cũng không còn rầm rộ do người tiêu dùng đã siết hầu bao sau dịch bệnh. Trái ngược với trước đây, mỗi khi vào mùa nào cũng phải băng rôn, khẩu hiệu, loa đài thông báo rình rang…”, ông Hạnh nói.
Theo ông Hạnh, sở dĩ thị trường ảm đảm là do người mua cân nhắc, còn người bán thì thận trọng nhập hàng, không muốn bỏ vốn khi thị trường chưa có gì chắc chắn.
“Lượng khách mua giảm hơn 30% và họ đều lựa chọn những dòng sưởi gốm hoặc sưởi dầu có giá vừa phải, từ 1 - 1,7 triệu đồng - phân khúc giữa của dòng sản phẩm này. Dòng đèn sưởi hay quạt sưởi halogen có giá rẻ hơn, từ 300 - 696 nghìn đồng, song có thể gây bỏng khi sờ vào bề mặt đèn”, ông Hạnh cho biết.
Ghi nhận tại siêu thị Pico trên đường Xuân Thủy (Cầu Giấy, Hà Nội), những thiết bị sưởi ấm được trưng bày tại vị trí trung tâm của siêu thị, song chỉ sử dụng những biển nhỏ dán lên bề mặt hoặc để dưới chân sản phẩm.
Anh Hoàn, nhân viên phụ trách gian hàng thiết bị sưởi ấm chia sẻ với PV Báo Giao thông: “Đây hầu hết là những mẫu mã cũ, đã có mặt trên thị trường từ mấy năm trước.
Những mẫu mã thông dụng như dòng đèn sưởi halogen, dòng sưởi dầu và dòng sưởi sứ của những thương hiệu quen thuộc như: Sunhouse, Kangaroo, Media, Korihome, Fujie… với mức giá phổ biến từ 149 nghìn đồng - 2,2 triệu đồng sau khi đã được giảm giá sâu để đẩy hàng tồn kho nhưng lượng khách không nhiều…
Cũng tại siêu thị này, chỉ có dòng sản phẩm được sản xuất năm 2020 là máy sưởi dầu Fuji OFR4613, có nhiều tính năng mới, song cũng ngay lập tức giảm hơn 600 nghìn đồng xuống còn 2,299 triệu đồng.
“Khách vẫn chỉ chọn loại vừa tiền ngưỡng 500 - 969 nghìn đồng mà không quan tâm nhiều đến tiện ích mới”, anh Hoàn thông tin.
Giá giảm về “đáy” vẫn ế
Theo anh Hoàn, dù thời tiết miền Bắc và Hà Nội đang rất lạnh, song các sản phẩm, thiết bị sưởi ấm tại siêu thị đều giảm giá từ 10 - 20% so với năm trước. Thậm chí, có sản phẩm còn giảm tới 49%.
Mặc dù vậy trung bình mỗi ngày chỉ bán được 3 - 4 sản phẩm, ngày cao điểm cuối tuần thì bán được khoảng 10 sản phẩm. “Đèn sưởi nhà tắm năm nào cũng được quan tâm nhiều nhất nhưng năm nay cũng chỉ bán được 5 - 6 sản phẩm mỗi ngày, giảm đến 50% lượng khách”, vị này nói.
Anh Hoàn cũng cho biết, mức giảm giá năm nay đã “kịch đáy” song đâu đâu cũng thấy hàng tồn kho, các hãng đua nhau khuyến mãi sâu.
“Giờ chỉ cần tra cứu trên Google là hiển thị đủ thông tin, giá cả sản phẩm nên chính sách bán hàng phải làm sao hấp dẫn người mua”, anh Hoàn phân tích.
Chỉ tay về phía sản phẩm giảm sâu nhất, anh Hoàn dẫn chứng, dòng quạt sưởi hồng ngoại Happy Time HTD7012 800W tại Pico chỉ còn 149 nghìn đồng sau khi liên tiếp giảm từ 400 nghìn đồng mùa trước và mức 299 nghìn đồng hồi đầu năm. Tuy nhiên, cũng sản phẩm này tại trang web của MediaMart có giá 329 nghìn đồng.
Tương tự, tại siêu thị MediaMart trên đường Hoàng Quốc Việt (Cầu Giấy, Hà Nội), giá các thiết bị sưởi ấm cũng giảm 20 - 37%. Mặc dù vậy, một nhân viên bán hàng cho biết, mỗi ngày chỉ lác đác vài khách hỏi mua dòng đèn sưởi phòng tắm có mức giá từ 599 - 699 nghìn đồng…
Trong khi đó, chủ chuỗi điện máy Quang Hạnh cho hay, mỗi năm vào mùa này, chuỗi tiêu thụ trung bình hơn 50 máy/ngày nhưng giờ xuống mức 10 - 20 máy/ngày.
Tuy nhiên, bên cạnh nguyên nhân sức mua giảm do tác động của dịch Covid-19 thì cũng phải nhìn nhận thị trường đã bão hòa.
Đơn cử như đèn sưởi halogen đã có mặt trên thị trường 5 năm nay, lại có nhược điểm gây chói mắt, khô da, thậm chí có thể gây bỏng khi đứng gần hoặc chạm vào. Ngoài ra, số gia đình lựa chọn điều hòa 2 chiều cũng tăng lên nhiều.
Tuy nhiên, ông Hạnh cũng cho rằng, dịch Covid-19 đã tạo cho cả người bán và người mua một thói quen mới đó là mua sắm trực tuyến.
“Gần 40% đơn hàng đến từ ứng dụng trực tuyến, trong khi, trước đây chúng tôi chỉ dựng lên để quảng bá sản phẩm là chính. Thực tế cho thấy, nếu không dùng ứng dụng, đẩy mạnh kênh trực tuyến thì doanh nghiệp sẽ còn khó khăn hơn nữa”, ông Hạnh bày tỏ.
Theo Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11/2020 tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 tăng 12,6%). Trong đó, ngành hàng đồ dùng, dụng cụ, thiết bị gia đình được đánh giá tăng mạnh mức 15,5%.
Tính chung 11 tháng năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 4.590,7 nghìn tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 tăng 9,1%).
Như vậy, dù nhu cầu mua sắm của người dân đã tăng nhẹ so với những tháng trước song còn chậm và giảm mạnh so với mức độ tăng hàng năm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận