Chiều nay (12/4), trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, Q. Tổng giám đốc Tổng công ty hàng hải VN cho biết, quý 1/2019 vừa qua là khoảng thời gian khó khăn của các chủ tàu. Ngay từ đầu năm, thị trường đã có những dấu hiệu thiếu tích cực khi số lượng các đơn hàng giảm đáng kể. Chỉ số BDI (Chỉ số thuê tàu hàng khô Baltic) xuống thấp nhất, khi chỉ còn 595 điểm vào ngày 11/2, bằng khoảng 40% so với cùng kỳ năm 2018.
“Khối vận tải biển của Vinalines dù tiếp tục giảm lỗ trong quý 1/2019, song trước thực trạng trên, các chỉ tiêu về sản lượng, doanh thu toàn khối vận tải biển của của Tổng công ty đều thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng toàn khối ước đạt 5,21 triệu tấn (đạt 26% kế hoạch), trong đó sản lượng container ước đạt 74.000 Teus (27,7% kế hoạch), doanh thu đạt hơn 1.200 tỷ đồng (17,5% so với kế hoạch)”, ông Tĩnh nói.
Đánh giá về thị trường vận tải biển những tháng tiếp theo của năm 2019, ông Tĩnh cho biết, hầu hết báo cáo và dự đoán của các hãng tư vấn đều cho rằng do kinh tế thế giới, đặc biệt là kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng chậm trong giai đoạn 2019 - 2020 nên khối lượng container vận chuyển trên tuyến Nội Á sẽ bị ảnh hưởng. Trong khi đó, hầu hết các hãng vận chuyển container lớn lại thi nhau mở thêm tuyến trên tuyến Nội Á. Điển hình là hai hãng CMA CGM và Zim đã mở tuyến Đông Nam Á đi Úc; APL/CNC và RLC hợp tác mở tuyến từ Đông Bắc Á đi Trung Đông; Hãng Yang Ming cũng vừa công bố mở tuyến Đông Nam Á/ Đông Bắc Á.
“Điều đó dẫn đến thực trạng lượng hàng không tăng nhưng số lượng tàu lớn tăng đột biến. Khi các tàu lớn đưa vào khai thác trên tuyến Nội Á sẽ khiến các hãng tàu feeder nhỏ đối mặt nguy cơ bị thôn tính hoặc sáp nhập”, ông Tĩnh nói và cho biết, thị trường tàu hàng khô dù được kỳ vọng sẽ khởi sắc trong quý 2/2019 song đến nay vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là nhóm tàu cỡ nhỏ, thị trường rất khan hiếm sau chiến dịch gạo và ngô đi Philippines kết thúc. Hiện chỉ còn lượng nhỏ nhu cầu gạo bao xuất khẩu đi Philippines.
Dù vậy, theo các chuyên gia vận tải biển, thị trường vận tải dầu trong quý 2 dự kiến sẽ khá hơn 3 tháng đầu năm. Các giao dịch trong tháng 4/2019 tại khu vực Đông Nam Á đang có xu hướng tăng dần lên, góp phần giải phóng một lượng lớn các tàu bị dồn ứ tại khu vực từ nửa cuối tháng 3 vừa qua.
Cùng đó, thị trường vận tải container nội địa Việt Nam chặng Hải Phòng - TP Hồ Chí Minh dự kiến nhu cầu vận chuyển có khả năng tăng vào giữa tháng 4/2019 do nhu cầu vận chuyển mặt hàng phân bón vào khu vực phía Nam sẽ tăng theo thông lệ. Chặng ngược lại, thị trường dự kiến không có nhiều biến động, giữ ổn định về nhu cầu vận chuyển đối với nhóm mặt hàng chủ lực như: nông sản, nước giải khát,...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận