Các cuộc thi truyện ngắn của báo Văn nghệ, Tạp chí Văn nghệ Quân đội từng là cái nôi phát hiện các tác giả, tác phẩm xuất sắc |
Thực trạng yếu kém các cuộc thi
Trong nhiều năm qua, các cuộc thi truyện ngắn không khẳng định được giá trị cũng như chất lượng của mình với đời sống người yêu nghệ thuật. Cuộc thi truyện ngắn của báo Văn nghệ phát động năm 2015, dự tính kết thúc tháng 10/2017, nhưng sang năm 2018 vẫn chưa kết thúc bởi lý do thiếu kinh phí.
Cuộc thi văn học tuổi 20 lần VI (Nhà xuất bản Trẻ) cũng khởi động từ năm 2015, qua hai năm, số lượng tác phẩm nhận được chưa tới 250 - thua nhiều so với lần thứ V trước đó (cùng thời gian đã nhận 328 tác phẩm). Ngày 4/1 vừa qua, một lão làng khác là Tạp chí Văn nghệ Quân đội (VNQĐ) ra mắt cuộc thi truyện ngắn 2018-2019 trong bối cảnh nhiều âu lo bởi “lượng người đọc văn chương đang có chiều hướng ngày càng giảm” (nhà văn Nguyễn Bình Phương).
Thực trạng không mấy vui vẻ trên là có thực và mới chỉ nằm ở những cuộc thi truyện ngắn tiêu biểu nhất. Còn thực tế, nhiều cuộc thi khác đã rơi rụng vì đủ mọi lý do, khiến văn đàn Việt thiếu những sân chơi thi thố quy mô lớn. Cuộc thi sáng tác văn học thiếu nhi (NXB Kim Đồng) ngừng sau lần xuất hiện cuối năm 2015 do nguồn hỗ trợ - dự án hợp tác văn học Việt Nam và Đan Mạch kết thúc.
Cuộc thi đã ít, mà quan trọng hơn, những người trong cuộc thì tầm vóc hiện không còn như trước. Nhà văn Sương Nguyệt Minh lắc đầu thừa nhận: “Không còn thấy những quả bom xuất hiện đột ngột như một niềm kinh dị - theo cách nói của cụ Chế Lan Viên nữa. Hai cuộc thi truyện ngắn của báo Văn nghệ và VNQĐ từng chứng kiến những Có một đêm như thế (Phạm Minh Thư), Thư gửi mẹ Âu Cơ (Y Ban), Hậu thiên đường (Nguyễn Thị Thu Huệ), Kẻ sát nhân lương thiện (Lại Văn Long) đoạt giải Nhất gây chấn động làng văn. Khoảng chục năm trở lại, không thấy hiện tượng nào như vậy nữa”.
Tương tự đó là cuộc thi Văn học tuổi 20: Từng nổi đình đám với những giải Nhất của Ngọn đèn không tắt (Nguyễn Ngọc Tư), Quà muộn (Nguyên Hương)… thì nay thiếu tác phẩm tác động xã hội rõ rệt. Thiếu truyện đỉnh cao, thành thử đã xuất hiện những cuộc thi không có giải Nhất như của VNQĐ 2008-2009 hoặc phải trao theo… chùm truyện ngắn để “tác phẩm nọ hỗ trợ tác phẩm kia” như trường hợp Lê Thanh Kỳ (Nhất báo Văn nghệ 2011-2013), Nguyễn Thị Kim Hòa (Nhất VNQĐ năm 2013-2014).
Theo đó, tính phát hiện tài năng trẻ - yếu tố nòng cốt của các cuộc thi truyện ngắn đã mai một nhiều (bỏ qua cuộc thi Văn học tuổi 20 với đặc thù về tuổi tham dự). Thống kê cho thấy, chỉ trong 1 thập niên 90 đã xuất hiện hàng loạt những cây viết lên ngôi khi chưa tới 30 tuổi như: Y Ban, Thu Huệ, Minh Thư. Trong khi đó 20 năm kế tiếp, trong khoảng 10 cuộc thi truyện ngắn lớn chỉ thấy có 4/17 người đoạt giải… tạm gọi là trẻ như: Đỗ Bích Thuý, Hồ Thị Ngọc Hoài, Nguyễn Thị Kim Hoà, Phạm Duy Nghĩa. Còn lại là những gương mặt vốn đã quen thuộc, già làng lên lão như: Ma Văn Kháng, Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Khải, Bão Vũ…
Cần đổi mới vượt bậc
Nhìn ở góc độ tổng thể, nhà văn Đỗ Bích Thúy cho hay, đây là sự phản ánh thực trạng chung của đời sống văn học: “Nhu cầu của quần chúng với văn học đã giảm sút quá nhiều. Các phương tiện nghe nhìn phát triển mạnh khiến văn học không còn giữ sức hút ghê gớm như trước. Và khi văn chương không còn là món độc tôn trên bàn tiệc nghệ thuật, các cuộc thi hiển nhiên cũng phải giảm sức hút theo”.
Trong bối cảnh như vậy, tác giả Lặng yên dưới vực sâu khẳng định, các cuộc thi muốn có sức hút thì phải đổi mới vượt bậc về cách triển khai. “Trước hết, những người tham gia ít nhất phải cố gắng tiệm cận với bạn đọc, biết bạn đọc cần gì, kì vọng gì ở văn chương. Nếu cứ làm theo lối mòn, không mở rộng chủ đề - biên độ cuộc thi thì chắc chắn bạn đọc sẽ chán”. Tất cả các cuộc thi muốn neo đậu lâu dài phải chấp nhận các khuynh hướng sáng tác, các đề tài miễn sao hay theo tiêu chí của ban tổ chức đề ra.
Đi sâu vào công tác tổ chức, nhà văn Sương Nguyệt Minh cho rằng hình thức mở trại sáng tác để nhận tác phẩm dự thi hiện nay cần cải tiến hơn rất nhiều. “Các biên tập viên, các nhà văn khách mời và tác giả tham dự phải cùng đồng hành, trao đổi, đọc tác phẩm rồi góp ý lẫn nhau. Khi ấy, truyện ra mắt sẽ được cộng hưởng thành trí tuệ tập thể. Cách sinh hoạt theo kiểu tham gia trại mà bó mình một chỗ độc lập như trước đã cũ. Hơn thế, các đơn vị tổ chức cũng phải ý thức được vị thế đi xuống của mình để tự thân vận động”, nhà văn Sương Nguyệt Minh nói.
Tác giả Dị Hương nhận định: “Các cuộc thi truyện ngắn phải chủ động tìm kiếm những tài năng và đặc biệt là tài năng trẻ, cần thiết phải chào mời người đó tham gia. Phải bỏ kiểu tư duy người tổ chức đứng ở vị thế cửa trên, in bài mà như kiểu ban ơn cho tác giả. Chất lượng cuộc thi xét cho cùng đến từ người viết nhiều hơn người chấm giải”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận