Nắm kỹ cơ bản, dễ đạt điểm 7-8
Chưa đầy 1 tuần nữa, các sĩ tử Thủ đô sẽ bước vào kỳ thi vào lớp 10. Năm nay, kỳ thi này sẽ diễn ra từ ngày 9-12/6 cho cả hai khối THPT chuyên (thuộc Sở GD&ĐT Hà Nội) và không chuyên.
Kỳ thi vào lớp 10 năm 2023 sẽ diễn ra từ ngày 9-12/6
Nhận định về cấu trúc đề Toán, thầy Nguyễn Mạnh Cường, Hệ thống giáo dục Hocmai cho biết: Khoảng 5 năm trở lại đây, cấu trúc đề thi tuyển sinh vào lớp 10 tại Hà Nội là ổn định với 5 bài. Cụ thể:
Bài 1 về biểu thức chứa căn bậc hai, với ý tính toán, rút gọn rất cơ bản và một ý nâng cao để đạt 8 – 9 điểm.
Hà Nội dự kiến tuyển sinh vào lớp 10 trường THPT công lập khoảng 72.000 học sinh, chiếm tỷ lệ 55,7%.
Trong 4 năm trở lại đây, năm nay, số thí sinh có cơ hội đỗ vào lớp 10 công lập chiếm tỷ lệ thấp nhất. Số còn lại sẽ vào học các trường THPT công lập tự chủ và tư thục, trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên...
Ông Phạm Quốc Toản, Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định Chất lượng, Sở GD&ĐT Hà Nội, cho biết: “Năm nay thành phố đã bố trí tăng thêm 1.000 chỉ tiêu học sinh vào trường THPT công lập so với năm trước”.
Bài 2 gồm giải toán bằng lập phương trình, hệ phương trình và một ý tính toán trong hình học không gian. Đây là một bài cơ bản nhưng đưa đến 2,5 điểm nên rất quan trọng.
Bài 3 về phương trình, hệ phương trình hoặc hàm số. Trong bài này, các ý như giải hệ, giải phương trình, tìm điều kiện để phương trình có nghiệm… là cơ bản, còn ý cuối liên quan tới Định lý Viete sẽ là ý nâng cao cho mức 8 – 9 điểm.
Bài 4 là bài hình học, thường có ba ý, với hai ý đầu khá đơn giản khi các em nắm chắc kiến thức cơ bản. Ý cuối thường gồm 2 câu hỏi nhỏ mang tính phân loại.
Bài 5 thường hỏi về bất đẳng thức, dành cho mức điểm từ 9,5 đến 10.
Với cấu trúc đề như trên, có thể thấy nếu nắm chắc kiến thức và ôn luyện kỹ càng, các em chỉ cần làm trọn vẹn phần cơ bản thì sẽ đạt mức điểm 7,5 đến 8 không khó.
Lưu ý điều gì để đạt điểm tối đa?
Thầy Mạnh Cường chia sẻ, để đạt được sự trọn vẹn, các em cần tập trung trong tính toán cũng như vẽ hình, để không bị lỗi tính sai hoặc vẽ hình sai đáng tiếc.
Việc đặt điều kiện cho các ẩn, đối chiếu điều kiện khi tìm được ẩn cũng là những lỗi đáng tiếc mà các em hay mắc phải, nên hãy làm chắc chắn từng bước. Các em cần nhớ cứ có ẩn số là phải có điều kiện đi kèm ngay.
Ngoài ra việc trình bày cũng rất quan trọng, các em cần trình bày đủ bước, không làm tắt hoặc bỏ qua các chú thích khi dùng định lý, tính chất, và không bỏ qua kết luận, trả lời câu hỏi.
Với mục tiêu trên 8 cho đến 9 điểm để có thể nghĩ tới các trường như Lê Quý Đôn, Yên Hòa, Thăng Long…, các em cần làm tốt phần cơ bản, và còn thời gian để chinh phục ý cuối bài 1, bài 3. Những ý này đòi hỏi các em tích cực tính toán, suy luận và đối chiếu các điều kiện sau khi tìm được biến số hoặc tham số.
Muốn lên mức trên 9 điểm để nghĩ đến các trường như Chu Văn An, Kim Liên…, các em cần giải quyết ý cuối bài 4 và bài 5. Đây là những bài đòi hỏi khả năng tư duy sâu sắc, quá trình ôn luyện phải rất kỹ càng.
Chú ý bài 4 thường đi theo cấu trúc ý trên gợi ý cho ý dưới, nên các em hãy vận dụng những gì đã chứng minh được để suy luận, giải quyết ý cuối của nó.
“Với những lưu ý trên, hy vọng các em sẽ xem lại tổng thể các kiến thức mà các em đã học, và tự tin bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10”, thầy Cường gửi lời chúc tới các sĩ tử năm 2023.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận