Bổ sung thiết bị, tín hiệu an toàn đường sắt
Ghi nhận của PV Báo Giao thông tại đường ngang Km 54+670 tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM, lối từ khu dân cư Lam Hạ (TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam) ra quốc lộ 1A, lượng xe ô tô, xe tải qua lại khá nhiều.
Trong nhà gác đường ngang bỗng có tiếng chuông inh ỏi, anh Lê Đại Vũ, nhân viên gác chắn nói "Sắp có tàu" và giải thích, cách đường ngang khoảng 2km có cảm biến lắp trên đường ray, khi tàu qua, cảm biến sẽ truyền tín hiệu về tủ điều khiển, tự động phát chuông báo có tàu.
"Chuông kêu to như thế, anh em gác chắn buộc phải chú ý, tắt chuông và tiếp tục thực hiện các tác nghiệp phát tín hiệu cảnh báo phía đường bộ, đón tàu qua đường ngang theo quy định", anh Vũ nói.
Anh Vũ cho biết, đây là một trong nhiều thiết bị, tín hiệu được lắp đặt trong thời gian gần đây. Ngoài ra còn có tín hiệu ngăn đường: Nếu có sự cố trên đường ngang, nhân viên gác chắn sẽ báo về trực ban ga để trực ban nhấn nút bật đèn đỏ trên cột tín hiệu ngăn đường, lái tàu từ xa quan sát được sẽ cho dừng tàu kịp thời, tránh tai nạn. Tất cả thiết bị, tín hiệu này vừa giúp cho nhân viên gác chắn giảm áp lực lao động, tập trung cho tác nghiệp, vừa tăng cảnh báo, giảm yếu tố rủi ro do chủ quan.
Thông tin với Báo Giao thông, ông Trần Anh Nguyên, Phó giám đốc Công ty CP Đường sắt Hà Ninh, các thiết bị, tín hiệu được lắp đặt mới này thuộc dự án sửa chữa đường ngang, nguồn vốn Kế hoạch lập lại trật tự hành lang ATGT đường bộ, đường sắt giai đoạn 2014-2020, được ban hành kèm theo Quyết định số 994/2014 của Thủ tướng Chính phủ (Kế hoạch 994).
Trong phạm vi đơn vị quản lý trên tuyến Hà Nội - TP.HCM, thời gian qua đã được đầu tư sửa chữa, nâng cấp và bổ sung tín hiệu tại 67 đường ngang, đảm bảo an toàn.
Gần 1.000 đường ngang được sửa chữa, nâng cấp
Báo cáo Bộ GTVT về kết quả triển khai Kế hoạch 994 do Tổng công ty Đường sắt VN thực hiện 10 năm qua, Phó TGĐ Trần Anh Tuấn cho biết, từ năm 2015 đến năm 2023 Nhà nước đã bố trí 1.624 tỷ đồng nguồn vốn hoạt động kinh tế đường sắt để thực hiện nâng cấp, cải tạo, sửa chữa 993 đường ngang.
Trong đó, đã triển khai thi công và đưa vào khai thác sử dụng 226 đường ngang thuộc dự án nâng cấp, sửa chữa đường ngang hợp pháp nhưng vi phạm điều lệ đường ngang; 402 đường ngang thuộc dự án nâng cấp, cải tạo đường ngang biển báo thành đường ngang cảnh báo tự động lắp cần chắn tự động và đường ngang có người gác; 365 đường ngang thuộc dự án sửa chữa, bổ sung đầy đủ hệ thống thông tin tín hiệu đối với 566 đường ngang có gác (Dự án 566 đường ngang).
Ngoài ra, từ năm 2014 - 2020, tổng công ty được bố trí hơn 23,9 tỷ đồng thực hiện hoàn thành 2 đường ngang và 11 đoạn đường gom - hàng rào cách ly dài hơn 5,1km, xóa bỏ được 151 đường dân sinh.
Ông Tuấn cũng cho biết, tổng công ty đã xin ý kiến của 33 tỉnh, thành phố liên quan đánh giá toàn diện hiệu quả đầu tư đối với việc sửa chữa, nâng cấp, cải tạo 923 đường ngang này. Các địa phương đều nhận xét, các đường ngang sau khi được đầu tư đều đảm bảo êm thuận, thanh thoát, cảnh báo và cung cấp đầy đủ các tín hiệu báo hiệu cho người và phương tiện tham gia giao thông.
Đặc biệt là tại các đường ngang biển báo được nâng cấp thành đường ngang cảnh báo có cần chắn tự động và đường ngang có người gác. Theo thống kê từ năm 2015 đến năm 2018, tại các đường ngang này đã xảy ra 96 vụ tai nạn giao thông, làm chết 46 người, bị thương 88 người.
Một số đường ngang điển hình đã từng xảy ra 2 vụ tai nạn trở lên, như: Km26+500, Km62+500 tuyến Gia Lâm - Hải Phòng; Km13+714, Km20+675, Km22+150, Km44+907, Km72+279, Km48+725, Km96+994, Km117+887, Km122+550, Km150+050 tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM…
Sau khi hoàn thành đầu tư nâng cấp, cải tạo, đưa vào khai thác sử dụng, đến nay các đường ngang luôn đảm bảo ATGT, phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư của Nhà nước.
Không có vốn, nhiều công trình chưa được triển khai
Tuy nhiên, theo ông Tuấn, từ năm 2014 đến nay Nhà nước chỉ bố trí nguồn vốn hoạt động kinh tế đường sắt để triển khai thực hiện nâng cấp, cải tạo, sửa chữa các đường ngang.
Các dự án, công trình ATGT khác theo Kế hoạch 994 không được bố trí vốn. Vì vậy hầu hết các mục tiêu, nội dung thực hiện đối với lĩnh vực đường sắt chưa được thực hiện, hoàn thành như: Giải tỏa, đề bù hành lang ATGT đường sắt; Cắm mốc hành lang ATGT đường sắt trên tất cả các tuyến; Xây dựng, hệ thống đường gom và hàng rào cách ly; Dự án xây dựng cầu đường bộ tách khỏi cầu chung đường sắt…
Do đó, vẫn còn tồn tại nhiều vị trí, hạng mục công trình đang khai thác sử dụng tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông như: 3.279 lối đi dân tự mở, các vị trí đường ngang có mật độ phương tiện giao thông đông đúc...
Cùng đó, việc bố trí nguồn vốn hoạt động kinh tế đường sắt để thực hiện việc nâng cấp, cải tạo, sửa chữa đường ngang cũng chưa đáp ứng nhu cầu, dẫn đến nhiều công trình chậm tiến độ, kéo dài thời gian hoàn thành để đưa vào khai thác sử dụng.
Trao đổi với Báo Giao thông, đại diện Cục Đường sắt VN cho biết, trước tình hình các hạng mục công trình đường sắt theo Kế hoạch 994 chưa được thực hiện, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung các nội dung này vào Đề án đảm bảo trật tự hành lang ATGT và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt theo Quyết định số 358/2020 (Đề án 358). Trong đó, mục tiêu đến 2025 xóa bỏ hoàn toàn lối đi tự mở. Tuy nhiên, hiện công tác triển khai đề án rất chậm.
"Bộ GTVT đang cho rà soát lại việc triển khai thực hiện Kế hoạch 994, cũng như theo dõi, cập nhật việc triển khai Đề án 358 để đề xuất các giải pháp tiếp theo. Trong đó kiến nghị bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách trung ương để hỗ trợ cho các địa phương theo từng dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhằm xóa bỏ các lối đi tự mở qua đường sắt theo quy định", đại diện Cục Đường sắt VN cho hay.
Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, đến nay chỉ có 12/34 địa phương triển khai thực hiện việc xây dựng hàng rào, đường gom ngăn cách giữa đường sắt và đường bộ theo Đề án 358. Trong đó: Đường gom được 22,634km, hàng rào 15,089km.
Tương tự, mới xây dựng được 4 đường/297 đường ngang (đạt 1,34%); Xây dựng 2 hầm/149 hầm chui (đạt 1,34%).
Tổng công ty Đường sắt VN kiến nghị cấp có thẩm quyền ưu tiên bố trí vốn thực hiện các công trình đã đề ra trong Đề án 358, theo đó: xây dựng 627,585km đường gom, hàng rào; xây dựng 293 đường ngang; xây dựng 147 hầm chui. Mục tiêu hoàn thành việc đóng 3.279 lối đi tự mở đảm bảo ATGT theo đúng tiến độ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận