Bảo quản thịt lợn trong tủ lạnh thế nào?
Thông thường có hai loại thịt lợn có thể mua ngoài chợ và siêu thị: Một là thịt đã được cấp đông và hai là thịt tươi mới được giết mổ.
Với loại thịt đã được cấp đông, nếu trải qua nhiều đợt xử lý, khử trùng khi mua về tiếp tục bảo quản trong ngăn đông lạnh từ hai đến ba tháng vẫn có thể tiếp tục ăn.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - Nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, ĐH Bách khoa Hà Nội, hiện nay việc mua thịt lợn sạch rồi để ngăn đá tủ lạnh ăn dần là thói quen của rất nhiều gia đình, nhất là những gia đình ở thành phố, muốn tiêu thụ thực phẩm quê.
Có điều, nếu không bảo quản thực phẩm đúng cách sẽ gây hại nghiêm trọng cho sức khỏe của mọi người.
TS Nguyễn Duy Thịnh cho biết: “Thịt để trong tủ đá càng lâu sẽ càng hao hụt dinh dưỡng. Do đó, thói quen để thịt quá lâu và bảo quản không đúng cách thì không chỉ hao hụt giá trị dinh dưỡng mà còn dễ phát sinh nhiều bệnh tật khi ăn”.
Vấn đề đặt ra là nếu không biết cách bảo quản thịt đúng cách, những chất dinh dưỡng có trong thịt không những bị mất đi mà còn khiến thịt vô tình trở thành "thuốc độc" đối với sức khỏe con người.
Nhưng với thịt mới được giết mổ và không qua xử lý, khử trùng vẫn có thể chứa rất nhiều vi khuẩn gây hại cho sức khoẻ. Chúng có thể phát triển ngay cả khi ở trong điều kiện nhiệt độ thấp.
Chính vì vậy, với thịt lợn tươi mới được giết mổ, chỉ có thể bảo quản trong ngăn đá tủ lạnh khoảng một tháng sau khi mua về.
Trong nhiệt độ bảo quản từ 3 - 5 độ, nhiều nhất chỉ có thể bảo quản thịt trong 5 ngày. Nếu để lâu hơn, thịt có thể bị hỏng và gây hại cho sức khoẻ.
Nếu thịt lợn đã để trong tủ lạnh hơn nửa năm thì không nên sử dụng bởi khi đó thịt sẽ chuyển sang màu nâu và còn có thể sinh ra các chất độc hại cho sức khoẻ.
Ngoài ra, không nên rã đông thịt lợn bằng cách ngâm vào nước nóng bởi chúng không chỉ khiến thịt lợn mất đi chất dinh dưỡng vốn có mà còn tạo thành các chất mới tạo gánh nặng cho tiêu hoá, thay đổi hương vị vốn có của thịt.
Cùng với đó, cũng không nên ninh nấu thịt lợn trong thời gian quá dài bởi cách làm này sẽ khiến các dưỡng chất bị hao hụt.
Những sai lầm gây bệnh khi dùng tủ lạnh
1. Không đặt thực phẩm ở vị trí thích hợp
Hầu hết mọi người khi đặt thức ăn vào tủ lạnh sẽ để vào bất cứ chỗ nào còn trống. Tuy nhiên, việc làm này sẽ vô tình tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn gây bệnh sinh sôi và lây nhiễm chéo giữa các loại thực phẩm.
Trên thực tế, việc phân chia ngăn tủ lạnh không chỉ để phân biệt không gian nhiệt độ khác nhau mà còn đảm bảo hiệu quả bảo quản thực phẩm.
Kệ cửa tủ lạnh thích hợp đựng các loại thực phẩm có đặc tính kháng khuẩn mạnh như dưa chua, các loại đồ chua, mứt...
Do cửa tủ lạnh thường xuyên mở nên vị trí này thường phải chịu ảnh hưởng của không khí bên ngoài, không thích hợp để bảo quản thwucj phẩm dễ hỏng như thịt đã nấu chín hay sữa đã mở nắp.
Ngăn đông lạnh thích hợp bảo quản những loại thịt đã nấu chín, thịt xông khói, sữa chua, phô mai.
Ngăn mát nên lưu trữ các thực phẩm có thể được hâm nóng dễ dàng như thức ăn thừa, trứng đã luộc, các loại rau và trái cây...
2. Không chú ý thời gian bảo quản
Tủ lạnh chỉ đóng vai trò trì hoãn sự hư hỏng của thực phẩm chứ không thể tiêu diệt toàn bộ vi khuẩn và giữ thực phẩm tươi ngon mãi mãi.
Vì vậy, thực phẩm sau khi cho vào tủ lạnh cũng có thời gian lưu trữ nhất định, không nên sử dụng thực phẩm đã bảo quản quá lâu.
Ví dụ: Trứng gà tươi có thể bảo quản từ 30 - 60 ngày, trứng gà đã luộc có thể giữ trong 6 - 7 ngày.
Cà chua chín giữ được trong 12 ngày. Cá giữ trong ngăn đông lạnh từ 90 - 180 ngày, trong ngăn mát là từ 1 - 2 ngày.
Các loại thịt gia súc, gia cầm có thể giữ trong ngăn mát tủ lạnh từ 2 - 3 ngày và khoảng 90 ngày trong ngăn đông lạnh.
3. Lấy đồ trong tủ ra ăn ngay
Dù thời tiết nóng đến đâu cũng không nên lấy thức ăn trong tủ và trực tiếp sử dụng ngay. Đồng thời cũng không nên ăn quá no khi đang tiết nhiều mồ hôi.
Nên hâm nóng hoàn toàn trước khi ăn để đảm bảo an toàn, tránh sự xâm nhập của các loại vi khuẩn nguy hiểm.
4. Không thường xuyên vệ sinh tủ lạnh
Khi mở tủ lạnh, nếu ngửi thấy mùi khó chịu rất có thể là dấu hiệu cảnh báo vi khuẩn đang "xâm chiếm".
Những vi khuẩn sống được trong môi trường đông lạnh sẽ không ngừng sản sinh và tạo ra những chất khí có mùi hôi khó chịu như trimethylamine, hydro sulfide, methyl mercaptan, methylamine...
Hỗn hợp của nhiều khí độc hại trong tủ sẽ làm tăng tốc độ hư hỏng của các nguyên liệu tươi trong tủ lạnh.
Mẹo khử mùi hôi tủ lạnh đơn giản
- Lau sạch bên trong tủ bằng miếng vải nhúng giấm. Không chỉ có tác dụng khử mùi mà còn có thể khử trùng.
- Đặt một miếng dứa hoặc gừng nhỏ vào góc tủ lạnh để khử mùi hôi.
Lưu ý:
Không sử dụng nước khử trùng hoặc các loại chất tẩy rửa để vệ sinh tủ lạnh. Những chất chất khử trùng này sẽ gián tiếp ảnh hưởng đến vệ sinh thực phẩm, gây nguy hiểm cho người dùng.
Cùng với đó, nhiệt độ tủ lạnh nên đảm bảo nhiệt độ tủ lạnh ở ngăn mát vào khoảng 4 độ C và ngăn đông đá vào khoảng âm 18 độ C.
Nguồn: Abolouwang
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận