Showbiz

Thơ Nguyễn phản cảm với clip “búp bê Kumanthong”: Bị xử phạt ra sao?

10/03/2021, 15:18

Luật sư Trần Anh Dũng đã lên tiếng về đoạn video bị cho là tuyên truyền thông tin mê tín dị đoan của YouTuber Thơ Nguyễn.

img

Thơ Nguyễn lên tiếng giải thích về đoạn video gây tranh cãi

Mới đây, trên tài khoản TikTok của YouTuber Thơ Nguyễn đã đăng tải một clip khiến cư dân mạng phản ứng dữ dội. Cụ thể, trong clip này, Thơ Nguyễn đã cho búp bê uống nước ngọt để xin vía học giỏi cho các bạn nhỏ, đặc biệt là các bậc phụ huynh có con cái thường xuyên theo dõi kênh YouTube của Thơ Nguyễn.

Nhiều ý kiến cho rằng Thơ Nguyễn đang ngầm nhắc đến, thậm chí là truyền bá việc nuôi Kumanthong (1 loại búp bê có nguồn gốc từ Thái Lan, được nuôi như con người). Điều này có thể gây ảnh hưởng, làm lệch lạc suy nghĩ của trẻ nhỏ.

Mặc dù sau đó Thơ Nguyễn đã đăng tải toàn bộ clip và có đính chính rằng đó là búp bê thường, và muốn học giỏi thì phải siêng năng chứ không dựa vào xin vía.

img

YouTuber Thơ Nguyễn

Trao đổi với Báo Giao thông, luật sư Trần Anh Dũng (đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, với đoạn video đăng trên TikTok nói trên, Thơ Nguyễn đã tuyên truyền và cung cấp thông tin mê tín dị đoan cho trẻ em.

"Việc sử dụng mạng xã hội để cung cấp chia sẻ thông tin mê tín sẽ bị phạt 10 đến 20 triệu theo Điều 101 khoản 1 điểm b Nghị định 15/2020/NĐ-CP. Nếu người này đã từng bị xử phạt hành chính mà còn vi phạm thì có khả năng bị truy tố hình sự về tội hành nghề mê tín dị đoan", luật sư Trần Anh Dũng cho hay.

Báo Giao thông cũng đã liên hệ với Phòng Thông tin Điện tử (Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử), người đại diện cho biết: Sẽ kiểm tra, xử lý và có phản hồi sớm nhất.

Sau khi nhận những phản ứng dữ dội từ phía cộng đồng mạng, Thơ Nguyễn đã lên tiếng đính chính trên trang Facebook cá nhân.

"Dành cho những ai chưa xem được toàn bộ nội dung mình truyền tải. Vì TikTok là nội dung 60s nên buộc phải chia thành 2 clip. Trong clip 1 mình đã chú thích rõ là mình không nuôi và phải siêng học mới học giỏi. Clip tiếp theo thì nói rõ ràng luôn. Nếu các bạn xem chưa đầy đủ thì không thể đưa ra kết luận", Thơ Nguyễn viết trên trang cá nhân.

img

Thơ Nguyễn đã ẩn các video trên TikTok

Dù Thơ Nguyễn đã lên tiếng đính chính nhưng nhưng rất đông phụ huynh vẫn không chấp nhận và tiếp tục chỉ trích nội dung mà YouTuber này đã đăng tải. Nhiều người thậm chí cho biết đã cấm con theo dõi những clip của Thơ Nguyễn và kêu gọi cộng đồng mạng ngừng xem video của YouTuber này.

Trong quá khứ, kênh YouTube của Thơ Nguyễn từng vướng vào làn sóng chỉ trích dữ dội từ cộng đồng mạng. Theo đó, vào năm 2017, đoạn clip có tiêu đề "Làm bồn tắm thạch Gelli Baff khổng lồ" do YouTuber Thơ Nguyễn đăng tải nhận rất nhiều phản hồi tiêu cực.

img

Thơ Nguyễn trong đoạn clip "Thí nghiệm đun lon nước ngọt và cái kết"

Cụ thể, trong video hướng dẫn các em nhỏ chế tạo bồn tắm bằng thạch jelly, Thơ Nguyễn hướng dẫn trẻ đổ các loại bột, thạch vào bồn tắm tạo nên màu sắc sặc sỡ, đủ mùi và nhảy vào tắm trong thành phẩm. Không chỉ bị đánh giá là "bày trò quái lạ", cô còn khiến các phụ huynh phản ứng vì trong một đoạn của clip, người phụ nữ này cho biết bị chuột rút, và cất tiếng kêu rên nghe khá nhạy cảm với một clip dành cho trẻ nhỏ.

Sau đó, cô tiếp tục gây tranh cãi khi thực hiện những đoạn video mang tính chất nguy hiểm như: Bỏ đá khô vào chai kín gây nổ tung, hay "Thí nghiệm đun non nước ngọt và cái kết"…

img

Thơ Nguyễn nằm trong bồn tắm thạch, có khả năng gây nguy hiểm nếu trẻ con thử tại nhà.

Dù cảnh báo rằng đây là một thí nghiệm và đề nghị các trẻ không làm theo nhưng nhiều người cho rằng, những video này chỉ được Thơ Nguyễn đưa ra cảnh báo bằng miệng và thông qua câu chữ và được dán trực tiếp trên video cô dàn dựng. Và như vậy, những khuyến cáo của cô chỉ là kiểu "làm màu", vì đối tượng người xem là lứa tuổi thiếu nhi, còn nhỏ chưa đủ khả năng phân biệt.

Vẫn theo luật sư Trần Anh Dũng, trong video hướng dẫn các em nhỏ chế tạo bồn tắm bằng thạch jelly, Thơ Nguyễn với biểu cảm có phần phản cảm và việc làm bồn tắm thạch có khả năng gây nguy hiểm nếu trẻ con thử tại nhà.

Điều 101. Vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau:

a) Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân;

b) Cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc;

c) Cung cấp, chia sẻ thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn;

d) Cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong Nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc;

đ) Cung cấp, chia sẻ các tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm mà không được sự đồng ý của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ hoặc chưa được phép lưu hành hoặc đã có quyết định cấm lưu hành hoặc tịch thu;

e) Quảng cáo, tuyên truyền, chia sẻ thông tin về hàng hóa, dịch vụ bị cấm;

g) Cung cấp, chia sẻ hình ảnh bản đồ Việt Nam nhưng không thể hiện hoặc thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia;

h) Cung cấp, chia sẻ đường dẫn đến thông tin trên mạng có nội dung bị cấm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.