Hỏi:
Bố tôi đi khám và được chẩn đoán thoát vị bẹn, cần can thiệp. Vậy, thoát vị bẹn có nguy hiểm đến tính mạng không, thưa bác sĩ?
Trần Thu Hằng (Hà Nội)
TS. BS Trần Quế Sơn, Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Bạch Mai trả lời:
Thoát vị bẹn là hiện tượng các tạng trong ổ bụng chui qua ống bẹn hay điểm yếu của thành bụng vùng bẹn trên dây chằng bẹn ra dưới da hay xuống bìu. Tỷ lệ xuất hiện thoát vị bẹn là 27-43% ở nam giới và 3-6% ở nữ giới. Trẻ nhỏ và người trên 50 tuổi là những nhóm tuổi mắc thoát vị bẹn cao nhất.
Biến chứng nguy hiểm và phổ biến nhất là thoát vị nghẹt gây hoại tử ruột đặc biệt là ruột non có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Bên cạnh đó, nhiều trường hợp còn gặp biến chứng thoát vị kẹt do tạng thoát vị chui vào túi thoát vị, dính với nhau mà không thể đẩy lên ổ bụng được. Thoát vị kẹt thường gây ra cảm giác vướng, đau và khó chịu cho người bệnh.
Những người có nguy cơ mắc thoát vị bẹn là người cao tuổi có các cơ thành ổ bụng yếu, những người hay làm việc nặng nhọc, người táo bón kéo dài, bí đái hoặc đái khó do u phì đại tiền liệt tuyến do áp lực thường xuyên tại ổ bụng tăng cao... Ngoài ra, những người mắc các bệnh như nang thừng tinh, cổ chướng... có nguy cơ mắc thoát vị bẹn cao hơn những người bình thường.
Khi có những dấu hiệu lâm sàng của bệnh thoát vị bẹn như: Khối phồng ở một hoặc hai bên bẹn, tăng nhiều khi ho, hoặc đứng lên và biến mất khi nằm. Ở nam giới có thể thấy bìu bị sưng to, đau; Cảm giác khó chịu hoặc đau, đặc biệt là khi mang vác vật nặng, tập thể dục. Triệu chứng đau có thể giảm hoặc hết khi nghỉ ngơi…
Người bệnh cần đến bệnh viện thăm khám càng sớm càng tốt. Nếu đúng là mắc thoát vị bẹn thì việc phát hiện và điều trị sớm sẽ mang lại hiệu quả cao hơn nhiều. Bệnh nhân sẽ phẫu thuật mổ nội soi ít xâm lấn đặt tấm lưới trước phúc mạc (TEP hoặc TAPP) để tránh được biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận