Xã hội

Thời tiết mùa đông năm nay thế nào?

19/10/2017, 06:55

Dự báo, mùa đông năm nay sẽ “ấm”, đợt rét đậm, rét hại sẽ xuất hiện và kéo dài trong khoảng đầu năm 2018...

14

Mùa mưa năm nay kéo dài và kết thúc muộn

Bão và áp thấp nhiệt đới đổ bộ cuối năm

Theo Viện Khoa học khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu, nhiệt độ trong những tháng cuối năm 2017 có khả năng ở mức xấp xỉ đến cao hơn trung bình nhiều năm từ 0-1 độ C.

Trong 3 tháng từ tháng 10-12/2017, sẽ có khoảng 10-11 đợt không khí lạnh ảnh hưởng đến nước ta. Do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với xoáy thuận nhiệt đới, khu vực Trung - Nam Trung bộ có khả năng xuất hiện nhiều đợt mưa lớn diện rộng. Trong khi đó, khu vực miền núi phía Bắc và Nam bộ cần đề phòng khả năng thiếu nước và khô hạn. Cụ thể, lượng mưa tháng 11 và tháng 12/2017 tại hầu hết các khu vực thuộc Bắc bộ sẽ thấp hơn trung bình nhiều năm từ 15-30%. Trong khi đó, trên khu vực Trung bộ, thời điểm nửa cuối tháng 10 và tháng 11/2017 là các tháng chính của mùa mưa nên tiếp tục có khả năng xuất hiện các đợt mưa lớn. Các tháng đầu năm 2018, ở khu vực Tây Nguyên và Nam bộ có khả năng xuất hiện các đợt mưa trái mùa.

Lý giải về hiện tượng trên, trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Trần Quang Tiến, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư cho biết: Do ảnh hưởng của pha trung tính nghiêng về La Nina nên mùa mưa năm nay sẽ là mùa mưa ác liệt hơn, nhiều hơn. “Nếu so với ba năm liên tiếp (2014-2016), thì năm nay sẽ mưa nhiều, đặc biệt mùa mưa kéo dài và kết thúc muộn”, ông Tiến nhận định. Cũng theo vị Phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, từ nửa cuối tháng 10 đến hết năm 2017, sẽ còn khoảng 4 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông, chủ yếu tập trung ở khu vực giữa và Nam biển Đông. Trong số đó có khoảng hai cơn bão và áp thấp nhiệt đới có khả năng ảnh hưởng tới đất liền nước ta và tập trung ở khu vực Trung bộ, Nam bộ. “Áp thấp nhiệt đới đổ bộ nếu gặp không khí lạnh tràn về rất có thể gây hiện tượng thời tiết cực đoan, chẳng hạn như trận mưa lũ lịch sử vừa diễn ra từ ngày 10-13/10”, ông Tiến lưu ý. Ngoài ra, theo cơ quan khí tượng, trong các tháng cuối năm, do hoạt động của rãnh thấp xích đạo, vùng biển giữa và Nam biển Đông, vùng biển phía Tây có thể xuất hiện mưa dông mạnh kèm tố, lốc và gió giật. Nguy cơ nước dâng cao và sóng lớn vẫn tập trung ở ven biển Trung bộ và Nam bộ…

Cẩn trọng với thời tiết rét đậm, rét hại vào mùa xuân

Nhận định về thời tiết mùa đông xuân 2017-2018, ông Trần Quang Tiến cho hay: Nhiệt độ trung bình trên toàn quốc từ tháng 11/2017- 4/2018 phổ biến ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm, riêng tháng 12/2017 ở khu vực Bắc bộ cao hơn từ 0,5-1 độ C. Chính vì thế, rét có xu hướng xuất hiện muộn hơn, các đợt rét đậm, rét hại có khả năng tập trung trong tháng 1 và tháng 2/2018. Nhiều khả năng sẽ xuất hiện các đợt rét đậm, rét hại kéo dài từ 7-10 ngày.

Theo các chuyên gia sức khỏe, mùa xuân về, kèm theo các đợt rét đậm, rét hại chính là nguyên nhân gây ra các chứng cảm lạnh, viêm mũi họng, viêm phổi... và tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều loại vi khuẩn, virus gây các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp phát triển. BS. Nguyễn Trung Anh, Trưởng khoa Khám bệnh (BV Lão khoa T.Ư) cho biết, trong thời gian chuyển mùa, thời tiết có nhiều thay đổi, cơ thể bị nhiễm lạnh, nhất là nhiễm lạnh đột ngột sẽ rất nguy hiểm tới sức khỏe trẻ nhỏ và người già. “Có những khi trời đang rét bỗng trở nên nóng nực tưởng như đã bước sang hè. Có hôm thời tiết oi bức nhưng đột nhiên một đợt gió mùa Đông Bắc tràn về, trời trở lạnh đột ngột, trong khoảng vài giờ, nhiệt độ có thể thay đổi tới 6-7 độ C, thậm chí hơn nữa. Sự thay đổi đột ngột của thời tiết kèm theo chênh lệch nhiệt độ lớn làm cơ thể con người nhiều khi không thích ứng kịp, nhất là người cao tuổi dễ mắc các tai biến tim mạch và bệnh phổi, đặc biệt là viêm phổi”, BS. Trung Anh phân tích.

Để đề phòng bệnh trong suốt mùa đông xuân, người già phải chú ý phòng chống lạnh tốt, không để bị cảm lạnh đột ngột. “Đặc biệt, khi có những biểu hiện như sốt nhẹ, gai rét, mệt, ho thúng thắng... cần phải được thăm khám ngay, không nên để chậm, bệnh đã nặng rất khó chữa”, BS. Trung Anh khuyến cáo.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.