Một ca đột quỵ đang được điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội. |
Tăng 10-15% bệnh nhân đột quỵ vì biến đổi thời tiết
Bà Nguyễn Thanh Yến (Đội Cấn, Hà Nội) nhập viện Lão khoa T.Ư khi có biểu hiện khá rõ nét của đột quỵ, một nửa khuôn mặt của bà bị kéo lệch sang một bên. Tại viện, bác sĩ cho biết, trường hợp như bà là rất may mắn vì ở mức độ nhẹ nhất, tuy nhiên do nhập viện muộn nên cơ hội chữa khỏi phần liệt cơ mặt do đột quỵ thấp. Theo lời bà Yến, thời tiết thất thường, trở lạnh khiến bà đau đầu như búa bổ suốt ba ngày qua. Vốn mang căn bệnh huyết áp cao, đái tháo đường nhưng rất năng uống thuốc nên bà chủ quan.
Những lúc đau quá không chịu nổi bà lại tự uống một viên giảm đau rồi nằm nghỉ. “Tối hôm trước, khi đánh răng, tôi đưa nước lên xúc miệng thì thấy nước chảy ra từ khóe miệng. Cứ nghĩ người mệt quá nên tôi lên nhà nằm nghỉ. Đến sáng hôm sau tỉnh dậy, tôi cứng hết nửa mặt, soi gương thấy mắt, miệng bị kéo lệch, lúc đó con cháu vội đưa đến viện”, bà Yến cho biết.
Không được may mắn như bà Yến, trường hợp ông Nguyễn Thành Trung (Gia Lâm, Hà Nội) nhập viện ngoài biểu hiện đột quỵ, liệt nửa người, ông Trung còn có dấu hiệu suy hô hấp do viêm phổi. Nguyên nhân là do khi thấy ông ngã quỵ trên sàn, nửa người liệt cứng, các con đã cố cho ông uống thuốc “hỗ trợ đột quỵ”… khiến ông sặc đường hô hấp.
Theo PGS. TS. Mai Duy Tôn, Trưởng phòng Cấp cứu 1, Khoa Cấp cứu, BV Bạch Mai, trời lạnh cũng khiến số lượng bệnh nhân đột quỵ tăng. Hiện, trung bình mỗi ngày có khoảng 30 bệnh nhân vào Khoa Cấp cứu vì căn bệnh này. Chỉ tính riêng Phòng Cấp cứu 1, số bệnh nhân đột quỵ cũng tăng khoảng 10-15% so với ngày thường. “Thông thường, trời lạnh sẽ làm co mạch khiến huyết áp tăng vọt, nguy cơ xảy ra đột quỵ lớn.
Nhất là với người lớn tuổi, đêm hôm khi ra khỏi chăn ấm rất dễ bị nhiễm lạnh, sau đó đi vệ sinh lại thêm một lần mất nhiệt, cơ thể lạnh hơn nữa khiến mạch co, huyết áp tăng đột ngột dễ dẫn đến vỡ mạch máu não, đau thắt ngực”, ông Tôn cho biết. Chính vì vậy, trong mùa đông, để phòng tránh đột quỵ, nhất là ở người già, không nên ra lạnh đột ngột. Buổi sáng khi tỉnh giấc, không nên ra khỏi chăn và xuống giường ngay mà cần nằm lại trên giường, vận động nhẹ nhàng từ 3-5 phút để cơ thể dần thích nghi.
Chậm nhận biết bệnh, giảm cơ hội chữa
Trao đổi với Báo Giao thông, BS. Tôn cho biết: “Với bệnh nhân đột quỵ, chúng tôi thường ví thời gian là não, là vàng, do vậy khi thấy người có dấu hiệu nghi ngờ đột quỵ, bệnh nhân cần được nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế có khả năng điều trị chuyên sâu trong khoảng thời gian tối đa 6 giờ đầu. Thời gian càng sớm, cơ hội phục hồi càng lớn”. Tuy nhiên, thực tế, không ít gia đình do chủ quan, thiếu hiểu biết để bệnh nhân ở nhà tự điều trị bằng thuốc truyền miệng khiến bệnh nhân mất cơ hội điều trị. Thậm chí, có trường hợp bệnh nhân xảy ra đột quỵ nhưng người nhà lại nhét thuốc vào miệng khiến bệnh nhân ho sặc, đến Khoa Cấp cứu thường có tình trạng suy hô hấp do viêm phổi, nhiều trường hợp ngừng tim trước khi đến bệnh viện.
Một phút để nhận biết: Giơ tay không giữ được, khóe miệng xệ (lệch bên miệng), nói với giọng bất thường hoặc không nói được… thì 90% là đột quỵ. Sau đột quỵ, cứ một phút trôi qua sẽ có khoảng 2 triệu tế bào não chết đi, do vậy bệnh nhân cần được điều trị càng sớm càng tốt”.PGS. TS. Mai Duy Tôn, Trưởng phòng Cấp cứu 1, Khoa Cấp cứu, BV Bạch Mai |
Theo BS. Bùi Long, Trưởng khoa Tim mạch can thiệp, BV Hữu nghị Việt Xô, các triệu chứng điển hình của bệnh đột quỵ là đột ngột yếu, liệt, tê bì; Đột ngột nói khó, mất thị lực hoặc bệnh nhân có thể đau đầu dữ dội, hôn mê rối loạn ý thức... Do đây là một cấp cứu nội khoa, nên cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế bằng cách gọi cấp cứu 115.
Trong khi chờ, có thể sơ cứu bằng cách đặt bệnh nhân nằm tư thế đầu cao, nới lỏng quần áo, quan sát thở, màu da, nếu ngừng tim phải cấp cứu tuần hoàn. Nếu bệnh nhân nôn, thì xoay mặt và người sang một bên để tránh gây sặc; Nếu bệnh nhân co giật, thì dùng đũa, thìa quấn vải đặt ngang miệng tránh cắn vào lưỡi. Tuyệt đối không đưa bất kỳ thức ăn, đồ uống hay thuốc vào miệng bệnh nhân để tránh sặc hô hấp.
Bên cạnh đột quỵ ở người lớn tuổi, BS. Tôn cũng khuyến cáo về căn bệnh này đối với người trẻ tuổi. Thông thường, đây là bệnh nhân vốn có bất thường về mạch máu như: Dị dạng động tĩnh mạch, túi phình mạch não, các u thể hang…, theo thời gian âm thầm phát triển, khi cơ thể căng thẳng quá mức dễ dẫn tới đột quỵ.
“Giữ ấm cơ thể trong ngày giá lạnh, kiểm soát tốt huyết áp, béo phì, rối loạn chuyển hóa, thường xuyên vận động phù hợp… cũng là cách phòng tránh đột quỵ hiệu quả”, BS. Tôn cho biết.
Xem thêm video:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận