Đầu tuần này thực sự là ác mộng đối với hàng trăm nghìn khách du lịch trên toàn cầu, đặc biệt là lữ khách Anh khi Thomas Cook - Công ty du lịch có tên tuổi lâu đời nhất thế giới tuyên bố phá sản trong đêm, đẩy hành khách du lịch vào cảnh hỗn loạn, bơ vơ cùng hàng chục nghìn nhân viên mất việc. Vì đâu nên nỗi?
Cuộc hồi hương lớn nhất từ Thế chiến II
Sau khi công ty lữ hành Anh Thomas Cook (thành lập từ năm 1841) đóng cửa ngày 23/9, toàn bộ các chuyến bay đưa đón hành khách bị huỷ, đẩy hơn 600.000 khách hàng ở nước ngoài bao gồm 150.000 công dân Anh vào cảnh bơ vơ, buộc chính phủ và các công ty bảo hiểm phải thực hiện hoạt động đưa người hồi hương trên quy mô lớn, được nhận định là lớn nhất từ Thế chiến II.
Cơ quan Hàng không dân dụng Anh đã tổ chức một loạt máy bay từ nhiều nhà khai thác khác nhau để đưa người dân về nước. Song Bộ trưởng Bộ Giao thông Anh Grant Shapps cảnh báo hoạt động này khó có thể diễn ra êm xuôi vì sự cố này vô cùng lớn.
Tại các sân bay trên khắp châu Âu, trong vài ngày qua, hành khách chờ đợi được giải cứu liên tục gặp tình trạng chậm trễ. Điển hình ở Hy Lạp, khoảng 50.000 khách bị kẹt; Trong khi đó, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ phải cảnh báo các khách sạn từng hợp tác với Thomas Cook không được phép đuổi khách ra ngoài… Các điểm check-in của Thomas Cook tại sân bay trên toàn nước Anh từng nhộn nhịp thì nay im ắng không bóng người.
Đặc biệt, theo BBC, trong khi các hành khách chờ chính phủ và công ty bảo hiểm cứu trợ, được đưa về miễn phí thì một số lữ khách của Thomas Cook tự đặt vé về nước đã phải đối mặt với tình trạng nhiều hãng hàng không tăng giá vé lên gấp 3.
Cô Angela Mills cho biết, một chuyến bay từ Glassgow đến Rhodes, Hy Lạp thường có giá 280 bảng Anh (348 USD) vào ngày cuối tuần nay đã bị đội lên 1.000 bảng. Cô cho biết, rất nhiều hành khách như cô sốc vì bất ngờ bị hỏng cả kỳ nghỉ lại “ngã ngửa” vì giá vé đội lên.
Song, theo nhiều nhà phân tích, xu hướng giá vé này là điều tự nhiên, phản ánh nhu cầu tăng cao. “Nếu nhu cầu bất ngờ tăng ở một số tuyến nổi tiếng thì giá tự động tăng cao”, ông John Strickland, nhà phân tích hàng không tại Công ty tư vấn JSL Consulting cho biết.
Theo ông, tháng 9 thường là khoảng thời gian mọi người đi nghỉ và rất nhiều chuyến bay đã đủ khách. Do đó, các hãng hàng không buộc phải tăng giá theo nhu cầu của thị trường, nhất là khi rất nhiều hành khách bị huỷ chuyến giống như Mills cùng ồ ạt mua vé.
Chuyện gì đã xảy ra với Thomas Cook?
Vậy tại sao một hãng lữ hành lâu đời, uy tín, chuyên kinh doanh về khách sạn, khu nghỉ dưỡng và hãng hàng không, phục vụ 19 triệu người tại 16 quốc gia mỗi năm, đạt doanh thu 12 tỷ USD năm 2018, lại bị sập?
Theo BBC, thị trường nghỉ dưỡng và mô hình kinh doanh hiện đại đã thay đổi rất nhiều và nhanh đến mức chóng mặt so với vài chục năm trước. Số phận của Thomas Cook bị định đoạt vì nhiều yếu tố: Tài chính, xã hội và thậm chí là cả khí tượng như tình trạng nhiệt độ cao trên toàn châu Âu năm 2018 khiến nhiều khách hàng hủy đặt phòng vào phút chót.
Ngoài các vấn đề về thời tiết, thực trạng cạnh tranh gay gắt giữa các công ty như Thomas Cook với những công ty lữ hành trực tuyến cùng hãng bay giá rẻ, còn có nhiều yếu tố gây gián đoạn khác như bất ổn chính trị trên toàn thế giới chẳng hạn như vụ đảo chính năm 2016 ở Thổ Nhĩ Kỳ - một trong những điểm đến hàng đầu của công ty hay việc Anh ra khỏi Liên minh Châu Âu (Brexit).
Chưa kể, hiện tại, ngày càng nhiều khách du lịch có thể tự sắp xếp lịch trình nghỉ dưỡng mà không cần sử dụng dịch vụ lữ hành. “Thomas Cook đã gặp rắc rối từ lâu”, ông John Strickland nhận định.
Công ty của Anh đang gánh khoản nợ 2,1 tỉ USD. Chưa kể nhiều khoản nợ từ 10 năm trước không được giao dịch đúng thời hạn dẫn đến hãng phải bán khoảng 3 triệu kỳ nghỉ/năm để trả lãi.
Những nỗ lực tích cực liên lạc đàm phán với các nhà đầu tư, chủ nợ ở London suốt thời gian qua để tái cơ cấu, là “không đủ và quá muộn”. Ông Tim Jeans, cựu Giám đốc Quản lý của hãng hàng không Monarch ví von cách hoạt động của Thomas Cook như mô hình analogue trong thời đại số.
Đổ lỗi cho Chính phủ Anh
Mặt khác, ngoài yếu tố chủ quan từ Thomas Cook, nhiều người đổ lỗi cho Chính phủ Anh vì đã bỏ mặc số phận của công ty lữ hành 178 tuổi này.
Tờ Guardian dẫn nguồn tin thân cận với các cuộc đàm phán giải cứu cho biết, công ty lữ hành này đã đạt thoả thuận cứu trợ trị giá 200 triệu bảng Anh với sự giúp đỡ từ Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ và một nhóm các khách sạn Tây Ban Nha dưới sự hậu thuẫn của các bộ trưởng nước này.
Họ sẵn sàng đầu tư để hạn chế tối thiểu thiệt hại đối với ngành du lịch. Các nhà đầu tư khách sạn Tây Ban Nha do tỷ phú Miguel Fluxà Rosselló dẫn đầu đã đề nghị đầu tư 95 triệu bảng Anh.
Tuy nhiên, toàn bộ kế hoạch cứu trợ quý giá này lại bị Chính phủ Anh gạt đi vì lý do họ chưa chuẩn bị để bảo đảm tài chính cho gói cứu trợ đó. Vì sự thiếu tự tin của Chính phủ Anh nên “chiếc phao” quý giá từ Tây Ban Nha và Thổ Nhĩ Kỳ bị trôi tuột.
Nhiều công đoàn thương mại và lao động chỉ trích Chính phủ Anh vì không làm hết sức để ngăn chặn xảy ra sự sụp đổ của một trong những tập đoàn lớn nhất trong lịch sử nước Anh.
Về phía chính phủ, văn phòng Thủ tướng khẳng định, họ không thể lấy tiền thuế của người dân để cứu trợ một doanh nghiệp gặp khó khăn. Ngoài ra, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho rằng, việc chính phủ can thiệp để ngăn chặn Thomas Cook sụp đổ sẽ tạo ra tiền lệ nguy hiểm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận