Niềm vui từ cung đường mới
5 năm trở lại đây, niềm vui lớn nhất với anh Nguyễn Tiến Tài (36 tuổi) sinh sống ở thị trấn Đu, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) là mỗi ngày làm việc đều được trở về nhà cùng gia đình.
“Trước khi cung đường này được mở ra, di chuyển trên QL3 cũ là nỗi ám ảnh của nhiều người khi mặt đường xuống cấp, phương tiện “đông như mắc cửi”. Thời gian từ Thái Nguyên lên Chợ Mới phải mất đến 2,5 tiếng đồng hồ. Lao động đi làm thuê ở Bắc Kạn thường tá túc luôn ở chỗ làm vài ngày, có khi cả tháng mới về với gia đình.
Thế nhưng, từ ngày tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới được mở ra, thời gian đi lại giữa hai địa phương chỉ còn hơn một tiếng đồng hồ”, anh Tài chia sẻ.
Tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới
Được biết, hiện, Bộ GTVT đã đề xuất đưa dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới vào danh mục dự án gửi Bộ Kế hoạch - Đầu tư trình cấp có thẩm quyền sử dụng vốn ngân sách từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2023 để mua lại dự án. Dự kiến kinh phí hoàn trả cho nhà đầu tư khoảng hơn 3.000 tỷ đồng.
Không chỉ tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân, nỗ lực thông tuyến Thái Nguyên - Chợ Mới còn mở toang cơ hội phát triển cho doanh nghiệp địa phương.
Nhớ lại thời điểm trước tái lập hai tỉnh: Thái Nguyên, Bắc Kạn, ông Nguyễn Mạnh Hà, Tổng Giám đốc Công ty CP Thương mại và Du lịch Hà Lan cho biết, QL3 lúc đó quanh co, khó đi. Xe khách "ế" chỏng trơ vì đi thì mất nhiều thời gian (khoảng 2,5 - 3 tiếng từ Thái Nguyên lên Bắc Kạn), đường xóc khiến hành khách mệt mỏi, say xe. Lái xe lúc nào cũng phải căng mắt để không xảy ra va chạm.
Tuyến Thái Nguyên - Chợ Mới chấm dứt thế độc đạo của QL3 cũ. Dịch vụ vận tải khách từ Thái Nguyên lên đến tận Ba Bể không những được chuộng hơn mà doanh nghiệp còn phát triển được dịch vụ chuyển phát nhanh lên Bắc Kạn, giải quyết nhu cầu gửi hàng, giao thương kinh tế trong vòng 1 tiếng của các cơ sở sản xuất trên địa bàn hai tỉnh.
“Lợi thế rõ rệt nên trong bối cảnh nhiều đơn vị vận tải vẫn đi QL3 cũ để tiết kiệm chi phí BOT thì 100% phương tiện của Công ty Hà Lan thuộc 3 loại hình: xe buýt công cộng từ TP Thái Nguyên đi TP Bắc Kạn, xe vận chuyển khách chặng Hà Nội - Thái Nguyên - Bắc Kạn và dịch vụ chuyển phát nhanh vẫn chấp nhận chịu tiền phí, đi trên tuyến Thái Nguyên - Chợ Mới để đảm bảo an toàn và chất lượng dịch vụ”, ông Hà chia sẻ.
Nhà đầu tư BOT Thái Nguyên - Chợ Mới vẫn đang gặp nhiều khó khăn khi việc thu phí mới được triển khai 1/2 trạm
Lấy cơ chế đặc thù gỡ nút thắt tiến độ
Ít ai biết, để nối từ Thái Nguyên đến Chợ Mới là một quá trình nỗ lực vượt qua nhiều thăng trầm của nhà đầu tư trên con đường “chung tay” cùng Nhà nước, Chính phủ kiến thiết hạ tầng, kết nối các tỉnh miền núi phía Bắc với Hà Nội, phát triển kinh tế.
Đến với dự án Thái Nguyên - Chợ Mới từ vai trò cán bộ ban điều hành, ấn tượng với ông Nguyễn Văn Vinh (hiện là Phó giám đốc Công ty BOT Thái Nguyên - Chợ Mới) khi thực hiện dự án chính là những giải pháp đột phá được Công ty CP Tập đoàn Cienco4 và các đơn vị trong liên danh đề xuất để rút ngắn tiến độ.
“Điển hình là cơ chế giải phóng mặt bằng (GPMB). Theo quy định, việc bàn giao mặt bằng cho dự án chỉ có thể thực hiện khi hoàn thành việc xây dựng khu tái định cư và bàn giao cho người dân đến nơi ở mới ổn định.
Tuy nhiên, thời điểm đó, nhà đầu tư đã mạnh dạn đề xuất các cấp thẩm quyền cho áp dụng cơ chế đặc thù, phối hợp với địa phương vận động người dân bàn giao đất sớm thông qua việc hỗ trợ 6.000 đồng/m2 (chi phí này do nhà đầu tư hỗ trợ).
Đối với những hộ có nhà trên đất ở di chuyển sớm sẽ được hỗ trợ 35 triệu đồng/hộ”, ông Vinh nói và cho biết, cơ chế này lập tức nhận được sự ủng hộ tối đa của 100% hộ dân.
Phạm vi dự án trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên được xác định gặp nhiều khó khăn trong công tác GPMB khi có tới 89 hộ thuộc diện tái định cư cũng nhanh chóng được xử lý dễ dàng.
Riêng với địa bàn tỉnh Bắc Kạn, việc đền bù thực hiện theo hình thức tái định cư phân tán, mỗi người dân được hưởng 100 triệu đồng cũng nhận được sự tán thành cao của dân cư bản địa.
Nhờ đó, dù việc xây dựng khu tái định cư cho người dân tới cuối năm 2016 mới hoàn thành nhưng dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới đã có mặt bằng triển khai ngay từ cuối năm 2015. Cùng với sự vào cuộc không kể ngày đêm của hơn 1.500 kỹ sư, công nhân, dự án đã kịp thông xe kỹ thuật vào đầu năm 2017, rút ngắn 4 tháng tiến độ so với kế hoạch.
Lưu lượng phương tiện di chuyển trên tuyến Thái Nguyên - Chợ Mới vẫn khá thưa thớt do nhiều xe vận tải vẫn lưu thông trên QL3 cũ để "né" phí
Thực hiện dự án có địa hình phức tạp, đơn vị thi công cũng nhanh nhạy chuyển đổi phương pháp, hạng mục thi công để đảm bảo tối đa hiệu quả đầu tư.
“Đó là lúc thi công cầu cạn cách trạm thu phí khoảng 20 km (Km91+600 - Km92+600), với địa hình núi cao, độ dốc đến 9%, ban đầu, phương án được tư vấn, Ban QLDA, nhà thầu đưa ra là đào hầm xuyên núi.
Song, quá trình khảo sát địa chất cho thấy đặc thù khu vực không đảm bảo đủ điều kiện làm hầm, phương án làm cầu cạn dài 1,7 km bám sườn núi bên phải đã được tính đến. Thời gian nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ trình Bộ GTVT phê duyệt chỉ trong 1 tháng”, ông Vinh kể.
Vui mừng trước những giải pháp nhà đầu tư đã triển khai hiệu quả, lãnh đạo Công ty BOT Thái Nguyên cũng không quên những thách thức mà Tập đoàn Cienco4 cùng liên danh đầu tư phải trải qua trong quá trình thi công.
Đó là lúc dự án được khởi công từ tháng 9/2014, song, đến tháng 11/2015, hợp đồng tín dụng với 3 ngân hàng mới được ký kết. Hơn 1 năm ấy, Tập đoàn Cienco4 cùng các nhà đầu tư đã nỗ lực huy động vốn chủ sở hữu (350 tỷ đồng), đáp ứng tài chính huy động lực lượng, chuyển chi phí cho địa phương thực hiện GPMB, không để dự án giậm chân tại chỗ.
Toàn cảnh tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới do Cienco4 tham gia đầu tư thi công
Trăn trở lộ trình hoàn vốn
Có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương, song, hiện tại, nhà đầu tư BOT Thái Nguyên - Chợ Mới vẫn chưa thoát khỏi khó khăn khi phương án thu phí không được như kỳ vọng dù cơ sở pháp lý được thực hiện đúng theo quy định pháp luật và được các cấp có thẩm quyền chấp thuận.
Ông Nguyễn Văn Vinh cho biết, trong điều kiện ngân sách nhà nước hạn hẹp, việc kêu gọi nguồn vốn ODA khó khăn, việc đầu tư xây dựng dự án bằng ngân sách nhà nước không khả thi, Bộ GTVT đã nghiên cứu và lựa chọn đầu tư dự án theo hình thức BOT.
Đánh giá việc đầu tư ngay dự án với quy mô 4 - 6 làn xe sẽ thừa năng lực vận tải nội vùng và chỉ đặt 1 trạm thu phí trên tuyến Thái Nguyên - Chợ Mới là không khả thi về phương án tài chính để thu hồi vốn, phương án đầu tư tuyến đường với quy mô 2 làn xe, đồng thời, nâng cấp QL3 hiện hữu, bố trí đặt hai trạm (1 trạm trên tuyến QL3, 1 trạm trên tuyến Thái Nguyên - Chợ Mới để khuyến khích nhà đầu tư tham gia.
Hiện tại, hạ tầng đã được nhà đầu tư hoàn thành đúng theo cam kết nhưng phương án hồi vốn vẫn rất khó thực hiện do trạm thu phí đặt trên tuyến QL3 chưa thể triển khai. Nếu theo tính toán thời điểm ban đầu, doanh thu của nhà đầu tư BOT trên tuyến Thái Nguyên - Chợ Mới khoảng 600 - 700 triệu/ngày thì hiện nay chỉ đạt 60 - 70 triệu đồng.
Thời điểm thấp nhất, doanh thu chỉ đạt khoảng 25 triệu đồng/ngày. Tính đến hết tháng 12/2021, doanh thu chỉ đạt 8,4% so với kế hoạch.
“Kế hoạch thu phí bị “vỡ”, số tiền thu được hiện nay (khoảng 2 tỷ đồng/tháng) chỉ đủ cho đơn vị duy trì duy trì vận hành tuyến. Khoản lãi ngân hàng 16 tỷ/tháng, nhà đầu tư vẫn phải bù lỗ và nỗ lực đảm phán với ngân hàng kéo giãn thời gian trả nợ trong giai đoạn trước mắt.
Thời gian tới, nếu việc thu phí tại 2 trạm BOT thuộc dự án được thực hiện, nhà đầu tư sẽ tính toán lại phương án trả nợ về lâu dài và đề xuất gia hạn thời gian thu phí cụ thể”, ông Vinh chia sẻ.
Nhằm sớm tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư, ngày mai (29/4), Bộ GTVT đã lên kế hoạch làm việc với UBND tỉnh Thái Nguyên để tiếp tục họp bàn về phương án xử lý vướng mắc tại trạm thu phí QL3 dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận