Máy móc sắp hết cảnh "đứng bánh" chờ cát
Đầu tháng 5/2025, công trường gói thầu XL01 (dự án thành phần 3) dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng thuộc phạm vi thi công của Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn trở nên khí thế hơn khi khoảng một tuần gần đây, nguồn cát đắp bắt đầu được khơi thông.
Đại diện Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn cho biết, đảm nhận thi công gần 19km tuyến chính, 12 cầu trên tuyến, qua hơn 10 tháng kể từ ngày khởi công đến nay, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn chủ yếu tập trung thi công các cầu có mặt bằng trên toàn tuyến. Giá trị sản xuất đến hiện tại đạt 9,4% giá trị hợp đồng.
Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 có tổng chiều dài hơn 188km, quy mô phân kỳ 4 làn xe, sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng gần 44.700 tỷ đồng, triển khai đầu tư theo hình thức đầu tư công.
Dự án được chia thành 4 dự án thành phần.
Theo kế hoạch, dự án sẽ cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2026 và hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ năm 2027.
"Mừng nhất là thủ tục để khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên sông Hậu thuộc xã Bình Thủy huyện Châu Phú; Xã Bình Thạnh Đông, xã Tân Hòa huyện Phú Tân đã được hoàn thành, bắt đầu được nhà thầu khai thác từ ngày 27/4/2024 với trữ lượng trên 2,6 triệu m3; Khối lượng khai thác 3.750 m3/ngày", vị này nói và cho biết, cát thông, thời tiết thuận lợi, dịp lễ 30/4-1/5, nhà thầu vẫn duy trì trên công địa 100% các mũi thi công (20 mũi thi công) với tổng số gần 300 nhân lực, hơn 120 đầu máy, thiết bị.
Mỗi tháng, giá trị sản xuất của đơn vị đều đạt trên 120 tỷ đồng, tăng từ 300-400% so với thời điểm đầu.
Cũng theo đại diện nhà thầu, trên cơ sở nguồn vật liệu có được, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn đặt mục tiêu đến hết năm 2024, giá trị sản xuất phải đạt trên 1.100 tỷ đồng.
Trong đó, nhà thầu sẽ thi công hoàn thành 90% các cầu trên toàn tuyến; Thi công đắp nền đường đến sàn cắm bấc thấm, thi công xử lý nền đất yếu trên toàn tuyến; Đắp nền đường và gia tải một giai đoạn đạt 5/15,9km.
"Khó khăn lớn nhất hiện nay là dù mỏ cát đắp đã được cấp phép khai thác nhưng khối lượng khai thác cho phép trên ngày thấp, chỉ đạt 45% khối lượng yêu cầu.
Chúng tôi đang tiếp tục kiến nghị UBND các tỉnh: An Giang, Đồng Tháp cấp phép mở thêm mỏ cát để bổ sung trữ lượng khai thác đáp ứng tiến độ thi công hạng mục đắp gia tải nền đường kết thúc vào tháng 5/2025", đại diện Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn thông tin thêm.
Sau hơn 4 tháng máy móc phải "đứng bánh" nằm chờ vì công trường thiếu cát, ông Nguyễn Văn Nam, Phó tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Thành Huy vui mừng cho biết, dự kiến trước ngày 10/5/2024, mỏ cát được đơn vị đề xuất địa phương cấp phép khai thác sẽ được chính thức khai thác. Hiện, mỏ này đã được UBND tỉnh An Giang đã cấp bản xác nhận.
Phụ trách thi công 5,5km đường và 4 cầu lớn tại dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, theo ông Nam, đến nay, sản lượng thi công của Tập đoàn Thành Huy đạt hơn 30,5% giá trị hợp đồng.
"Tranh thủ thời tiết nắng ráo thuận lợi, ngay cả dịp lễ 30/4-1/5, nhà thầu vẫn bố trí 100% nhân sự, thiết bị thi công các cầu và thi công cọc xi măng đất như ngày thường.
Sản lượng trung bình hàng tháng hiện đạt khoảng 50 tỷ đồng/tháng. Tính toán cho thấy, sản lượng thực hiện của Thành Huy trong 2 tháng quý 2/2024 bằng sản lượng của 3 tháng quý 1/2024", ông Nam nói và cho biết, với nguồn cát có được, Tập đoàn Thành Huy đặt mục tiêu trong năm 2024, sẽ hoàn thành công tác xử lý đất yêu, đắp gia tải.
Riêng hạng mục cầu, đơn vị thi công dự kiến hoàn thành xong 2/4 cầu trước 30/6 năm nay. 2 cầu còn lại sẽ hoàn thành trước tháng 8/2024, vượt 6 tháng so với yêu cầu của hợp đồng.
Hơn 10 triệu m3 cát chưa xác định được nguồn
Thông tin từ Cục Đường cao tốc VN, theo kết quả cập nhật của các địa phương, tổng nhu cầu cát đắp nền cho dự án khoảng 29 triệu m3 (An Giang 9,4 triệu m3; Cần Thơ 7 triệu m3; Hậu Giang 6 triệu m3; Sóc Trăng 6,6 triệu m3).
Tính đến cuối tháng 4/2024, các địa phương đã xác định 13 mỏ cát cung cấp cho dự án với tổng trữ lượng khoảng 18,5 triệu m3.
Đối với khối lượng cát còn lại khoảng 10,5 triệu m3 nhu cầu chưa xác định được nguồn (An Giang 3,4 triệu m3; Cần Thơ 3,7 triệu m3; Hậu Giang 3,4 triệu m3), các địa phương kiến nghị sử dụng cát biển để thay thế.
Theo Cục Đường cao tốc VN, hiện nay, khu vực ĐBSCL đang triển khai nhiều dự án quan trọng, công trình trọng điểm quốc gia như cao tốc đoạn Cần Thơ - Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh, Cao Lãnh - An Hữu...
Chỉ tính riêng các dự án cao tốc đang triển khai trong khu vực, nhu cầu vật liệu cần khoảng gần 56 triệu m3 cát, gần 7 triệu m3 đá, chưa kể các công trình, dự án của địa phương triển khai cùng thời điểm nên nguồn vật liệu cát rất khó khăn.
Đảm bảo cho dự án có đủ cát thi công, TP Cần Thơ đã kiến nghị sau khi được giao mỏ cát Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới, UBND tỉnh An Giang tiếp tục xem xét, hỗ trợ cấp thêm mỏ cát mới trên địa tỉnh An Giang, đảm bảo kịp thời nhu cầu vật liệu thi công các gói thầu.
Tỉnh Sóc Trăng sớm xem xét nguồn vật liệu cát sông trên địa bàn tỉnh, chấp thuận, ưu tiên hỗ trợ bố trí cho TP Cần Thơ.
Tỉnh Hậu Giang đề nghị tỉnh An Giang xem xét rà soát hỗ trợ cho dự án thành phần 3 thêm một mỏ cát hoặc chỉ định cho dự án thành phần 3 được mua cát trực tiếp từ các mỏ đang khai thác trên địa bàn tỉnh An Giang với trữ lượng khoảng 1,5 triệu m3.
Tương tự, tỉnh Đồng Tháp cũng được đề nghị xem xét hỗ trợ cho dự án thành phần 3 thêm một mỏ cát hoặc chỉ định cho dự án thành phần 3 được mua cát trực tiếp từ các mỏ đang khai thác trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp với trữ lượng khoảng 1,5 triệu m3.
Về phía tỉnh Vĩnh Long, tỉnh Hậu Giang đề nghị xem xét cho dự án thành phần 3 được triển khai thủ tục để khai thác mỏ cát theo đề xuất của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Long.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận