Gắn camera quan sát và định vị phương tiện
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Hoàng Trung Thanh, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng số 1 - CTCP (CC1) cho biết, đến nay, mọi hồ sơ, thủ tục khai thác đã hoàn tất mỏ cát trên sông Tiền. Dự kiến ngày 10/10 tới, đơn vị sẽ tiến hành khai thác đợt đầu tiên với số lượng 5.000m3.
Trước đó, Đồng Tháp là tỉnh miền Tây đầu tiên thực hiện cơ chế đặc thù bàn giao mỏ cát trên cho nhà thầu khai thác, phục vụ dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.
"Từ bữa bàn giao cho đến nay, công ty phối hợp các đơn vị liên quan đăng ký phương tiện, gắn camera giám sát và định vị phương tiện để ngành chức năng tiện theo dõi trong quá trình thực hiện", ông Thanh cho biết thêm.
Thông tin thêm, ông Hồ Thanh Phương, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Tháp cho hay: Hiện tại, tất cả phương tiện khai thác cát đã được phía công ty đưa đến mỏ cát thuộc xã An Nhơn, huyện Châu Thành.
Trong khi đó, phía bên kia sông Hậu, bà Nguyễn Thị Minh Thúy, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang cũng đã ký Quyết định số 1542 phê duyệt 21 khu mỏ cát không đấu giá quyền khai thác để bàn giao, phục vụ các công trình trọng điểm miền Tây gồm Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và Cần Thơ - Cà Mau.
Ngoài ra, vật liệu san lấp được khai thác tại 21 khu mỏ này cũng được cung cấp cho các dự án.
Lần bàn giao các mỏ cát này, hai tỉnh An Giang và Đồng Tháp làm chặt chẽ. Ở An Giang, tỉnh giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện hoàn thành các thủ tục bố trí, phân bổ và cung cấp nguồn cát cho các dự án. Đồng thời, yêu cầu trong quá trình thực hiện phải đảm bảo trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.
Quá trình khai thác, cung cấp vật liệu san lấp phải công khai, minh bạch, không để lãng phí tài nguyên, tránh tiêu cực, lợi ích nhóm.
Còn tỉnh Đồng Tháp yêu cầu nhà thầu khai thác cát phải gắn camera quan sát và định vị phương tiện ra vào mỏ nhằm đảm bảo tài nguyên Quốc gia đến đúng nơi cần đến theo quy định.
Kỳ vọng miền Tây bứt phá
Đồng bằng sông Cửu Long từng được quy hoạch 6 tuyến cao tốc với tổng chiều dài khoảng 1.166 km, quy mô 4-6 làn xe. Thế nhưng, hiện chỉ có 171km cao tốc đã hoàn thành giai đoạn 1.
Còn 8 dự án đang triển khai thi công, dự kiến cơ bản hoàn thành trong giai đoạn 2021 - 2025, đưa vào khai thác toàn bộ các dự án trong năm 2026 với tổng chiều dài 463km.
Như vậy, đến hết nhiệm kỳ này, miền Tây sẽ có khoảng 554km đường cao tốc.
Riêng tại An Giang, 4 gói thầu thuộc dự án thành phần 1 của cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đã được chỉ định thầu.
Cái khó của các đơn vị thi công là nguồn vật liệu cát đắp nền cho dự án vì nhiều mỏ cát trên địa bàn tỉnh tạm ngưng do có sai phạm trong quá trình khai thác.
Ông Nguyễn Văn Du, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp tỉnh An Giang (chủ đầu tư dự án thành phần 1 cao tốc Chấu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng) cho biết, việc tỉnh có quyết định bàn giao 21 mỏ cát phục vụ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng trong thời điểm này có ý nghĩa rất lớn trong việc đảm bảo tiến độ thực hiện dự án.
"Ban cũng đang từng bước phối hợp các đơn vị liên quan hoàn thành hồ sơ, thủ tục theo đúng quy định để bàn giao các mỏ cát cho nhà thầu khai thác.
Khi cát về tới công trường, chúng tôi sẽ thúc nhà thầu tăng tốc thi công bù tiến độ trong thời gian phải chờ cát", ông Du nói.
Có mặt tại buổi bàn giao mỏ cát cho Tổng công ty Xây dựng số 1 - CTCP (CC1) trực tiếp khai thác phục vụ cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp kỳ vọng mỏ cát của tỉnh giao sẽ góp phần để dự án trọng điểm Quốc gia đảm bảo tiến độ thực hiện theo quy định.
Đồng thời giúp miền Tây hoàn thiện hạ tầng giao thông để khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thoát khỏi vùng trũng, bứt phá, vươn lên.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận