San đồi, bạt núi làm đường nối cảng nước sâu Vũng Áng
Những ngày đầu tháng 10, sau những trận mưa lớn kéo dài hơn 1 tuần, việc thi công trên các tuyến đường thuộc dự án Đường trục chính trung tâm nối quốc lộ (QL) 1A đoạn tránh thị xã Kỳ Anh đến cụm cảng nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương vốn đã khó nay lại khó khăn hơn.
Ông Trần Kiên, Trưởng phòng Giám sát - Điều hành dự án, thuộc Ban quản lý dự án khu vực kinh tế tỉnh Hà Tĩnh cho biết, thời tiết mưa lớn trong những ngày vừa qua khiến anh em trong ban, từ giám đốc đến các kỹ sư phụ trách tuyến đường mất ăn, mất ngủ vì lo "lụt" tiến độ dự án.
Ông Kiên thông tin, dự án Đường trục chính trung tâm nối QL1 đoạn tránh thị xã Kỳ Anh đến cụm cảng nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương có tổng chiều dài tuyến 18,45km. Trong đó được phân thành 2 tuyến: Tuyến trục chính nối QL1 đoạn tránh thị xã Kỳ Anh xuống cảng Sơn Dương và tuyến đường ngang kết nối QL12C đi Khu liên hợp gang thép Formosa Hà Tĩnh. Tổng mức đầu tư 2 đoạn tuyến xấp xỉ 2.098 tỷ đồng.
Các liên doanh nhà thầu thi công gồm: Liên doanh Công ty Cổ phần Phát triển công nghiệp - xây lắp và thương mại Hà Tĩnh; Công ty TNHH XD và TM Hoàng Ngọc; Công ty CP Sản xuất CN xây lắp 3; Công ty TNHH Đại Hiệp; Công ty Cổ phần Đầu tư và XD nền móng Phú Sỹ; Công ty CP Tập đoàn Phú Tài Miền Trung.
Chỉ tay về phía ngọn đồi Cựa Chùa (thôn Hải Thanh, xã Kỳ Lợi) nơi có hàng chục xe máy đang hạ thấp ngọn đồi để tận dụng đất, đá đắp nền đường, ông Kiên thông tin, những ngày mưa lớn vừa qua, đơn vị thi công chủ yếu cắt cử người đảm bảo ATGT trên tuyến. Một phần diện tích chân đồi sẽ được "cắt gọt" để mở rộng tuyến đường.
"Tranh thủ những ngày hửng nắng ít ỏi này, chúng tôi đang thúc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công các hạng mục đắp nền đường, thi công các hạng mục cầu, cống để đối phó với mùa mưa lũ dài ngày sắp tới", ông Kiên nói.
Ông Lê Anh Sơn - Chỉ huy trưởng công trường (Công ty Hoàng Ngọc) cho biết, ngọn đồi Cựa Chùa có cao độ 35m, hiện chúng tôi đang huy động 5 máy đào, 2 máy ủi cùng với 30 xe vận tải để hạ đồi lấy vật liệu đắp nền đường.
"Để mở rộng tuyến đường hiện hữu thành 60m, tại Km 1+600 đến Km 1+700 bắt buộc phải đào hạ độ cao quả đồi cùng đó là "cắt gọt" từ tim tuyến vào khoảng 7m…" ông Sơn thông tin.
Tại gói 18.Xl do liên doanh công ty CP Phú Tài miền Trung và Tổng công ty 36 thi công. Do thi công phần lớn ở khu vực đồng trũng nên phần lớn thời gian đơn vị thi công phải làm hệ thống đường công vụ, đào đất ngăn nước từ sông Quyền… nên khá khó khăn.
Ông Nguyễn Xuân Thủy (kỹ sư công ty Phú Tài) thông tin, liên doanh 2 công ty đảm nhiệm thi công phần nền đường, mặt đường tại Km 4+100 đến Km 8+7.99.
Thời điểm này chủ yếu thi công xử lý nền đất yếu, các hạng mục cầu, cống bắc qua sông Quyền…
"Trên công địa bố trí 7 máy đóng giếng cát, 1 máy xử lý nền bấc thấm, 13 chiếc xe lu, 20 máy ủi cùng hàng chục xe vận tải chở đất, cát. Vị trí thi công có nền đất yếu nên đơn vị chủ yếu xử lý bằng công nghệ khoan giếng cát, trung bình mỗi giếng cát có chiều sâu 15m…", kỹ sư Thủy cho biết.
Tại gói thầu số 12. XL xây dựng nền mặt đường và công trình trên tuyến từ QL12C đi Nhà máy thép Formosa. Ông Nguyễn Thành Lộc (Công ty Phú Sỹ) cho biết, do nền yếu đơn vị thi công bằng công nghệ khoan cọc xi măng đất.
Trên công trường đơn vị bố trí 6 máy khoan để xử lý nền đất yếu. Trên toàn tuyến gần 4km trong đó có khoảng 1,2km phải khoan để xử lý nền đất yếu. Sau khi xử lý sẽ đổ cát nền đường, bọc lưới địa, vải địa rồi đổ đất đắp nền.
Vật liệu tăng giá, mặt bằng "xôi đỗ" cản tiến độ dự án
Theo kỹ sư Nguyễn Xuân Thủy, đơn vị thi công chủ yếu đắp nền đường nên cần khối lượng đất, cát rất lớn. Để thi công đoạn tuyến cần khoảng 300 nghìn khối cát đắp nền, 600 nghìn khối đất. Tuy nhiên, giá dự toán so với giá thực tế về đến chân công trình chênh lệch rất lớn.
Cụ thể, theo giá dự toán, nguồn cát đen 125 nghìn đồng khối, cát vàng để đóng giếng cát 228 nghìn đồng khối. Tuy nhiên, khi vận chuyển về đến công trình giá cát đen đội lên 250 nghìn đồng khối, cát vàng 290 nghìn đồng khối.
Đối với đất K95 theo giá dự toán là 108 nghìn đồng khối về đến chân công trình nhưng thực tế cộng cả tiền vận tải đội lên 150 nghìn đồng khối.
"Thời điểm này, biết là làm sẽ phát sinh nhiều chi phí. Tuy nhiên, vì uy tín của công ty cũng như hợp đồng giữa các bên đã được ký kết nên đơn vị vẫn phải dốc toàn lực theo tiến độ mà chủ đầu tư yêu cầu…", ông Thủy nói.
Theo lãnh đạo Ban Quản lý dự án, tính đến thời điểm ngày 6/9, Hội đồng Bồi thường GPMB thị xã Kỳ Anh bàn giao 11,2/18,4km toàn tuyến, đạt 60,8%. Ngoài ra, trên phạm vi mặt bằng bàn giao vẫn còn vướng các công trình hạ tầng kỹ thuật như điện, nước ngầm chưa được di dời; Một số ngôi mộ chưa cất bốc, một số hộ dân chưa nhận tiền và cản trở không cho triển khai thi công.
Trên tuyến số 1 có 420m hệ thống đường điện 35kV; đường điện 0.4kV; 800m đường ống nước sạch D200 và 1.700m đường cáp viễn thông; tuyến số 2 có 3,3km hệ thống đường điện 35kV; 3,3km đường nước sạch D300; 1.600m đường cáp viễn thông.
Ngoài ra, để phục vụ dự án, có 265 hộ dân tại phường Kỳ Thịnh phải di dời đến các khu tái định cư.
Theo lãnh đạo UBND thị xã Kỳ Anh, hiện đã hoàn thiện đồ án Quy hoạch chi tiết 1/500 và đang trình các cơ quan chuyên môn thẩm định.
Một số hình ảnh PV ghi nhận trên công trường thi công các đoạn tuyến đường trục chính KKT Vũng Áng ngày 3/10:
Khu kinh tế Vũng Áng nằm trên trục giao thông quốc gia, QL1A chạy qua trục trung tâm khu kinh tế với chiều dài 30km, QL12C nối cảng Vũng Áng đến biên giới Việt - Lào ngắn nhất so với các tuyến đường bộ khác.
Với vị thế đắc địa của cụm cảng biển nước sâu nhất Việt Nam được hình thành trên hành lang của tuyến hàng hải quốc tế với luồng hàng hải ngắn (cách phao số 0 khoảng 1,7 hải lý), cửa ngõ ra biển gần nhất của Lào và Đông Bắc Thái Lan.
Hệ thống cảng biển Vũng Áng - Sơn Dương được Thủ tướng Chính phủ quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là cảng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội liên vùng, tiếp chuyển một phần hàng quá cảnh cho Lào và Đông Bắc Thái Lan, gồm bến cảng tổng hợp, container, hàng rời, hàng lỏng, có khả năng tiếp nhận tàu hàng rời trọng tải đến 300 nghìn tấn, tàu hàng lỏng/khí trọng tải đến 150 nghìn tấn, tàu tổng hợp và container trọng tải nghìn tấn hoặc lớn hơn khi đủ điều kiện.
Theo định hướng phát triển, Khu kinh tế Vũng Áng sẽ được trở thành trung tâm logistics hạng I cấp quốc gia và quốc tế.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận