Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn đoạn Bắc Giang - Chi Lăng có quy mô lớn, nối liền hai tỉnh Bắc Giang - Lạng Sơn. Đây là tuyến đường có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển KT-XH, đảm bảo an ninh - quốc phòng, rút ngắn thời gian di chuyển, giảm ùn tắc trên QL1 hiện hữu và thúc đẩy giao thương của hai tỉnh Bắc Giang, Lạng Sơn nói riêng và cả nước nói chung.
Cũng theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, quá trình triển khai, dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn gặp rất nhiều khó khăn về nguồn vốn, buộc phải thay đổi nhà đầu tư. Đến nay, sau chưa đầy 2 năm triển khai thi công, dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn đoạn Bắc Giang - Chi Lăng đã cơ bản hoàn thành, đảm bảo các điều kiện để thông xe kỹ thuật, vượt tiến độ 3 tháng.
Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả cho biết, dự án BOT Bắc Giang - Lạng Sơn có tổng chiều dài gần 170km, gồm hai hợp phần: Xây dựng 64km đường cao tốc đoạn Km 45+100 - Km 108+500 và tăng cường mặt đường QL1 đoạn Km 1+800 - Km 106+500 (dài 105km). Công trình có tổng mức đầu tư gần 12.200 tỷ đồng, khởi công vào tháng 7/2015.
Theo ông Hoàng, dù được đặt nhiều kỳ vọng trong việc rút ngắn thời gian lưu thông từ Hà Nội đến Lạng Sơn, đảm bảo ATGT, giảm tải cho tuyến QL1 và tạo động lực phát triển KT-XH cho cả khu vực phía Bắc, nhưng sau hơn hai năm triển khai, đến giữa năm 2017, dự án không có chuyển biến do năng lực nhà đầu tư cũ (đứng đầu là Công ty UDIC) yếu kém, không vay được vốn tín dụng.
“Bế tắc lên tới đỉnh điểm vào tháng 3/2017, khi Bộ GTVT phải tính đến phương án chấm dứt hợp đồng dự án do nhà đầu tư liên tục vi phạm hợp đồng BOT. Trước tình hình trên, cuối tháng 5/2017, Bộ GTVT quyết định thay “máu” nhà đầu tư của dự án bằng việc kêu gọi một số nhà đầu tư tại dự án hầm đường bộ Đèo Cả mua lại cổ phần của Công ty CP Đầu tư UDIC (đơn vị đứng đầu liên danh nhà đầu tư cũ) tham gia vào công trình, đảm bảo dự án vừa có nhà đầu tư mới đáp ứng năng lực tài chính, vừa tuân thủ các quy định và thủ tục pháp lý”, ông Hoàng chia sẻ.
Cũng theo ông Hoàng, đến ngày 1/6/2017, dự án chính thức được khởi động lại, đánh dấu bằng sự kiện Ngân hàng Vietinbank ký hợp đồng tài trợ nguồn vốn tín dụng cho dự án để triển khai thi công với trị giá hơn 10.000 tỷ đồng. Tiếp đó, tháng 5/2018, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã chuyển vai trò cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tại dự án cho UBND tỉnh Lạng Sơn.
Tiếp quản dự án vào đầu tháng 6/2017, liên danh nhà đầu tư cùng doanh nghiệp dự án BOT Bắc Giang - Lạng Sơn đã chỉ đạo các nhà thầu tập trung tăng tốc và đã hoàn thành thi công hợp phần tăng cường 105km QL1 vào tháng 11/2017. Hợp phần này đã được Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng kiểm tra chấp thuận kết quả nghiệm thu hoàn thành, cho phép đưa vào sử dụng từ tháng 12/2017.
“Đối với tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn dài 64km được xây dựng mới hoàn toàn. Tuyến đường có bề rộng 25m, gồm 4 làn xe và 2 làn dừng khẩn cấp, vận tốc thiết kế là 100km/h. Đến nay, tuyến đường đã cơ bản hoàn thành, đảm bảo các điều kiện để thông xe kỹ thuật, vượt tiến độ 3 tháng so với yêu cầu. Sau khi dự án đi vào khai thác sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ Hà Nội đi Lạng Sơn từ 3,5 giờ xuống còn 2 giờ. Tuy nhiên, hiện nay, dự án vẫn còn cách TP Lạng Sơn 30km, cách cửa khẩu Hữu Nghị 43km là trở ngại lớn trong việc đảm bảo tính hiệu quả của dự án”, ông Hoàng nói và đề nghị các bộ, ngành, Ngân hàng Nhà nước quan tâm hỗ trợ trong việc tháo gỡ các vướng mắc về nguồn vốn tín dụng cho đoạn tuyến Chi Lăng - Hữu Nghị.
Phấn đấu đến năm 2030, cả nước có 5.000km đường cao tốc
Tại buổi lễ thông xe, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, theo quy hoạch phát triển hệ thống đường cao tốc đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cả nước sẽ có khoảng 6.411km đường cao tốc. “Mục tiêu đến năm 2020, phấn đấu cả nước có khoảng 2.000km đường cao tốc được đưa vào khai thác. Trong 10 năm tới phấn đấu có thêm 3.000km, để đến năm 2030, cả nước có khoảng 5.000km đường cao tốc được đưa vào sử dụng”, Phó Thủ tướng nói.
Cũng theo Phó Thủ tướng, thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Đảng và Chính phủ, Bộ GTVT và các bộ, ngành địa phương đã có nhiều giải pháp huy động nguồn lực đầu tư và đạt được nhiều thành quả quan trọng trong công tác đầu tư xây dựng hệ thống đường cao tốc.
“Hiện nay, cả nước đã có 1.000km đường cao tốc được đưa vào khai thác và 1.000km đang triển khai đầu tư xây dựng. Đến năm 2021, chúng ta sẽ đạt được mục tiêu đưa 2.000km đường cao tốc vào khai thác sử dụng”, Phó Thủ tướng nói thêm.
Đưa dự án vào khai thác trước 1/1/2020
Ông Hồ Tiến Thiệu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh Lạng Sơn nói riêng và của cả nước nói chung.
“Đến nay, dự án đã đảm bảo các điều kiện để thông xe kỹ thuật. Sắp tới, chúng tôi đề nghị nhà đầu tư tiếp tục rà soát, hoàn thiện các hạng mục đảm bảo ATGT, cảnh quan, lắp đặt hệ thống thu phí tự động không dừng… để đảm bảo đưa dự án vào khai thác trước 1/1/2020. Chúng tôi cũng kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành, Ngân hàng Nhà nước quan tâm hỗ trợ, tháo gỡ các vướng mắc để đầu tư tiếp đoạn tuyến cao tốc Chi Lăng - Hữu Nghị”, ông Thiệu nói.
Đ.Quang
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận