Nhạc sĩ Đức Trí. Ảnh Theo Cát Vũ |
Đau đáu với đĩa than trong thời công nghệ số
Ở thời đại công nghệ số, Đức Trí vẫn kiên trì với dự án sản xuất đĩa than. Với anh, đây là một trong những cách bảo vệ giá trị âm nhạc thực thụ.
Tiếp nối thành công của ba đĩa than Lặng lẽ tiếng dương cầm (2013), Ngàn thu áo tím (2014), Một thời đã xa (2015), Công ty Music Faces và Gia Định Audio vừa phát hành đĩa than thứ tư mang tên Chuyện hẹn hò của hai giọng hát vàng vượt thời gian là nghệ sĩ Thái Châu và Hương Lan.
Sau nhiều năm “im hơi lặng tiếng”, trầy trật với số lượng dưới 1.000 bản, thì thị trường tiêu thụ đĩa than đã có dấu hiệu hồi sinh trở lại với trên 2.500 đĩa. Nhạc sĩ Đức Trí nhìn nhận, có nhiều lý do cho sự hồi sinh và phát triển này bởi đĩa than thường có khách hàng trung thành nhất định, họ là những khách hàng rất khó tính trong lựa chọn thưởng thức âm nhạc. Anh khẳng định thêm: Sự vượt trội về số lượng của sản phẩm lần này phần lớn dòng nhạc bolero quyết định.
Cạnh đó, sự phát triển của thị trường đĩa than chứng tỏ khán giả đã nhìn thấy giá trị thật của việc ghi âm. Tính ra, đĩa than cũng có gần 100 năm rồi. Sau bao nhiêu điều đã bị lãng quên mà đĩa than vẫn tồn tại, thì có nghĩa nó sẽ không bao giờ chết đi. Đĩa than không chạy theo và không bị tác động của công nghệ, cứ thế mà phát ra những âm thanh giản dị, trung thực. Nhiều người nghe đĩa, họ nghe rồi giữ lại mấy chục năm. Đến bây giờ người khác nghe, họ lại mang ra nghe lại. Và đó là điều mà vị nhạc sĩ này đau đáu suốt bao nhiêu năm sự nghiệp âm nhạc của mình.
Sản xuất đĩa than vô cùng kỳ công và tốn kém. Ở Việt Nam hiện nay còn rất ít phòng thực hiện chuyên dụng cho công đoạn hậu kỳ của đĩa than. Do đó, sau khi thu âm, công đoạn sản xuất, làm hậu kỳ đều phải thực hiện ở Mỹ. Không tiết lộ chi phí cụ thể nhưng nhạc sĩ Đức Trí cho hay, giá cả sản xuất mỗi đĩa ít nhất cũng hơn 10 lần một đĩa CD thông thường. Không chỉ vậy, nếu thời gian chờ sản xuất xong một đĩa CD bình thường là 30 ngày thì đĩa than ít nhất phải 90 ngày. Có lẽ vì nhiều khó khăn và kỳ công như vậy nên giá thành của một đĩa than khá cao (500 - 1 triệu đồng/đĩa). Bởi vậy, giới chơi đĩa than hầu hết đều thuộc hàng “chịu chơi”.
Thị trường tiêu thụ không rộng rãi, nhưng may mắn những đĩa than do Đức Trí và Gia Định Audio thực hiện đều chưa bao giờ bị lỗ. “Tiền lời của các đĩa cũng không nhiều nhưng vẫn hòa vốn, đủ để làm một đĩa khác”, anh tiết lộ. Vậy nên, Đức Trí vẫn tiếp tục cuộc “dạo chơi” với những chiếc đĩa than. Không ngoa khi nói anh là một trong những người hiếm hoi còn sót lại rừng cười trong giới âm nhạc hiện nay có niềm đam mê mãnh liệt với loại đĩa này. Anh nói: “Chúng tôi không đặt mục tiêu thương mại lên hàng đầu. Tôi làm vì nhu cầu của cộng đồng, cốt yếu là làm sao có thể hoàn vốn để làm đĩa khác thôi. Tất nhiên, vẫn phải cố gắng để không bị lỗ”.
Xúc cảm chân thật được đề cao
Ở Việt Nam, Đức Trí là một trong những nhạc sĩ hiếm hoi theo đuổi việc sản xuất đĩa than. Bởi lẽ, anh luôn luôn hy vọng có ngày thể loại nhạc trữ tình được vang lên, bỏ qua kỹ xảo, tuyệt đối không lạm dụng công nghệ và âm thanh điện tử.
Chuyện hẹn hò là một trong những minh chứng cho điều mà người nhạc sĩ này theo đuổi. Cách hòa âm phối khí đơn giản mà tinh tế, cùng giọng hát ngọt ngào, đầy cảm xúc của Thái Châu và Hương Lan, khán giả như được gặp lại một Sài Gòn xa xưa, đầy hoài niệm khắc khoải. Đức Trí khẳng định: “Tôi không nghĩ mình là người mix nhạc giỏi. Điều tôi quan tâm nhất chỉ là cảm xúc khi nghệ sĩ thu âm. Hiện nay, người ta hay thu bằng công nghệ, còn tôi lại dùng cách thu âm thật để giữ cảm xúc”.
Dẫu đang ở thời kỳ công nghệ số, thị trường đĩa than cũng là một thị trường nghe nhạc rất nhỏ, nhưng người nhạc sĩ này chưa bao giờ lo lắng mà trái lại, anh rất tự tin. Anh tin làm việc bằng đam mê thì sẽ mang lại những sản phẩm chỉn chu, tuyệt vời cho những khách hàng của mình. Tuy rằng, việc thực hiện một đĩa than cũng có nhiều rủi ro về thương mại. Thế nhưng, điều mà vị nhạc sĩ này quan tâm nhất vẫn là vừa đảm bảo được tính nghệ thuật của sản phẩm, vừa thỏa mãn nhu cầu của công chúng nghe nhạc.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận