Thị trường du thuyền tăng trưởng mạnh mẽ ngay cả trong đại dịch Covid-19
Theo báo Bưu điện Hoa Nam (SCMP), tỉnh đảo Hải Nam - nơi có nhiều bến du thuyền và thị trường, quy mô ngành công nghiệp du thuyền nội địa lớn nhất Trung Quốc, ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường ngành công nghiệp du thuyền kể cả trong giai đoạn đại dịch Covid-19.
“Doanh số bán du thuyền là thước đo khả năng chi tiêu của xã hội. Khi đời sống người tiêu dùng được nâng cao thì hoạt động kinh doanh trong ngành du thuyền cũng diễn ra thường xuyên hơn. Do đó, toàn bộ chuỗi công nghiệp du thuyền cũng trở nên nhộn nhịp”, ông Zhou Luming - Chủ tịch Hiệp hội Du thuyền và Du lịch tỉnh Hải Nam cho hay.
Du thuyền trưng bày tại Bến Du thuyền Quốc gia Hải Khẩu, Hải Nam, Trung Quốc. Ảnh: Getty
Cũng trong năm 2021, khoảng 169.000 chuyến du thuyền được thực hiện tại tỉnh Hải Nam, phục vụ 1,13 triệu du khách. Cả 2 con số trên đều tăng đáng kể so với số liệu của năm 2019 - thời điểm trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát và đều tăng 50% so với năm 2020.
Theo số liệu chính thức mới nhất, 1.600 du thuyền đã được đăng ký tại Hải Nam tính tới cuối năm 2021, tăng 29% so với năm trước đó. Hơn 5.000 lao động được cấp chứng chỉ đủ điều kiện lái du thuyền tại tỉnh trong năm 2021, tăng 66% so với năm 2020
Trong đại dịch Covid-19, du khách Trung Quốc không thể đi nghỉ tại các điểm đến xa xôi như Địa Trung Hải hay Maldives. Do đó, nhiều du khách lựa chọn đi nghỉ tại đảo Hải Nam, nơi có thành phố biển Tam Á.
Theo số liệu chính thức, 81 triệu du khách đã tới đảo Hải Nam vào năm 2021.
Hoặc mới đây, vào giữa tháng 4, cùng thời điểm diễn ra Triển lãm Sản phẩm Tiêu dùng Quốc tế Trung Quốc lần thứ 3 tại Hải Nam, phóng viên SCMP ghi nhận 225 du thuyền do các nhà máy đóng tàu nội địa và nước ngoài chế tạo, đã cập bến tại Bến Du thuyền Quốc gia Hải Khẩu.
Không ít thách thức
Theo hãng tin SCMP, thị trường du thuyền tại tỉnh Hải Nam có thể đối mặt với một số thách thức trong thời gian ngắn khi nhiều du khách trong nước có nhu cầu đi du lịch nước ngoài sau 3 năm Trung Quốc đóng cửa biên giới phòng dịch Covid-19.
Cụ thể, thị trường du lịch xa xỉ, thị trường du thuyền của Trung Quốc nói chung và tỉnh Hải Nam nói riêng có thể đối mặt với tình trạng du khách trong nước chuyển hướng tăng cường đi nghỉ, chi tiêu tại các quốc gia láng giềng, như các nước Đông Nam Á.
Tuy nhiên, ông Zhou Luming - Chủ tịch Hiệp hội Du thuyền và Du lịch tỉnh Hải Nam, cho rằng du khách Trung Quốc sẽ có xu hướng quay trở lại các điểm đến trong nước sau 1-2 năm tới khi “cơn sốt” du lịch nước ngoài nguội dần.
Ngoài ra, tỉnh Hải Nam vẫn đang tiếp tục chuyển đổi thành cảng thương mại tự do với cơ sở hạ tầng du lịch hiện đại và sẵn sàng gặt hái “quả ngọt” khi du khách Trung Quốc quay lại các điểm đến trong nước.
Bên cạnh khó khăn trên, ngành công nghiệp du thuyền nội địa của Trung Quốc và của tỉnh Hải Nam cũng đang đối mặt với nhiều thách thức khác.
Tầng lớp thượng lưu - đối tượng mua du thuyền chính - có yêu cầu rất cao về trải nghiệm cá nhân hóa và độc nhất. Đây cũng là yếu tố quan trọng cần xét đến trong quá trình phát triển ngành công nghiệp du thuyền.
Thế nhưng, theo ông Zhou, thị trường du thuyền nội địa tại Trung Quốc hiện chỉ mang tính công nghiệp hóa để hoàn vốn nhanh.
Một thách thức khác mà các hãng chế tạo du thuyền tại Hải Nam đang phải đối mặt là thiếu lao động.
Theo SCMP, các bộ phận nhập khẩu như động cơ, hộp số chiếm khoảng 60-70% chi phí chế tạo du thuyền, do đó, chính sách miễn thuế của tỉnh Hải Nam được cho là sẽ thu hút nhiều công ty thành lập nhà máy đóng du thuyền tại đây.
Mặc dù vậy, ông Zhou chỉ ra thực tế tỉnh Hải Nam vẫn khó thu hút đầu tư với nguyên nhân không phải do thiếu tiền, thiếu đất, mà do thiếu lao động có tay nghề đáp ứng yêu cầu của các công ty chế tạo du thuyền như thợ sơn, thợ điện, thợ mộc…
Để giải quyết tình trạng trên, ông Zhou cho biết, Hiệp hội Du thuyền và Du lịch tỉnh Hải Nam đang hợp tác cùng chính quyền địa phương thành lập trường kỹ thuật công nghiệp du thuyền quốc tế Hải Nam và sinh viên có thể bắt đầu làm việc từ trước khi tốt nghiệp.
Trong những năm tới, tỉnh Hải Nam vẫn đặt mục tiêu phát triển ngành công nghiệp du thuyền như một trong số các ngành công nghiệp chiến lược.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận