Đây là chính sách quan trọng, được kỳ vọng sẽ tạo cú hích trong cơ chế thu hút, trọng dụng nhân tài, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, giúp Thủ đô phát triển mạnh mẽ, đột phá.
Tuy nhiên, hiện quy định tại dự thảo luật (Điều 17) còn chưa rõ, khá chung chung, chưa định hình được tiêu chí áp dụng trong thực tiễn; Chưa quy định rõ cách thức tổ chức, sử dụng nhân tài sau khi thu hút, tuyển dụng hay bổ nhiệm. Nếu không cụ thể, việc triển khai sẽ khó khả thi.
Trong giai đoạn 2013-2023, Hà Nội chỉ thu hút được 55 nhân tài là thủ khoa các trường đại học. Trong khi đó, tại TP.HCM, nơi có nhiều chính sách cũng chỉ thu hút được 5 nhân tài giai đoạn 2018-2022.
Rõ ràng, cơ chế thu hút, trọng dụng, đãi ngộ, phần nào đó là cả môi trường, điều kiện làm việc thời gian qua chưa thực sự hấp dẫn đối với nhân tài.
Mấu chốt của việc chưa thành công là do chúng ta chưa đưa ra được khái niệm về nhân tài, tiêu chí xác định nhân tài. Dường như bằng cấp, học vị vẫn được lấy làm tiêu chí gần như duy nhất để xác định nhân tài.
Trong khi đó, bằng cấp chỉ là tiêu chí phân biệt trình độ đào tạo về một ngành, một lĩnh vực, chứ chưa phải là nhân tài. "Bằng cấp, học vị" và "tài năng" là hai thuật ngữ có liên quan với nhau, chứ không có nghĩa đồng nhất. Trong nhóm người có bằng cấp, học vị cao thì tần suất là nhân tài sẽ cao hơn ở các nhóm người khác.
Đặc điểm quan trọng của nhân tài khác với người bình thường là khả năng sáng tạo và mức độ đóng góp mang lại một kết quả, hiệu quả có ích cho ngành, cho lĩnh vực, cho cộng đồng, cho xã hội. Tiêu chuẩn của nhân tài luôn phải là đức và tài.
Đến nay, Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Mục tiêu tổng quát là xây dựng và thực hiện có hiệu quả các chính sách, giải pháp mạnh, đột phá để thu hút và trọng dụng nhân tài (cả trong và ngoài nước), đặc biệt trong các ngành, lĩnh vực mũi nhọn như: Khoa học và công nghệ; Giáo dục và đào tạo; Khoa học xã hội; Y tế; Chuyển đổi số...
Chiến lược đã đề cập khá cụ thể việc nhận diện nhân tài, thay vì chỉ căn cứ vào bằng cấp như trước đây. Đó là người có phẩm chất đạo đức, lối sống chuẩn mực; Có trình độ, năng lực sáng tạo vượt trội; Có công trình, sản phẩm, thành tích, công trạng hoặc cống hiến đặc biệt tạo nên sự tiến bộ, phát triển của một lĩnh vực, một ngành, của địa phương hoặc đất nước…
Vấn đề còn lại hiện nay đối với các bộ, ngành, địa phương là căn cứ vào nhu cầu thực tế, để có những cơ chế, chính sách vượt trội, hấp dẫn, hợp lý, cụ thể, trên cơ sở nhận diện các nhu cầu, mong muốn thực sự của nhân tài.
Người tài chưa chắc đã đặt vật chất lên hàng đầu, song nếu việc đãi ngộ không cho thấy sự trọng thị với họ, có lẽ họ cũng sẽ không mặn mà.
Vì vậy, nên chăng trong Luật Thủ đô sửa đổi lần này, cần có một chương riêng về nội dung nhân tài, thay vì chỉ quy định chung chung trong một điều luật.
Việc đẩy mạnh phân quyền cho Hà Nội quyết định một số nội dung thuộc tổ chức bộ máy, biên chế sẽ là một bước đột phá, tạo tiền đề cho Thủ đô thực hiện các cơ chế chính sách đặc thù với hiệu quả cao nhất.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận