Thời sự Quốc tế

Thử nghiệm không chiến UAV: Phi công nhân tạo đánh bại con người

07/03/2023, 06:30

Trí tuệ nhân tạo đã thể hiện khả năng chiến đấu vượt trội ở cự ly gần, áp đảo đối thủ là phi công thật trong cuộc không chiến mô phỏng.

Phi công AI lấn át đối thủ là con người

Mới đây, nhóm nghiên cứu quân sự do Giáo sư Huang Juntao, công tác tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Khí động học Trung Quốc (CARDC), dẫn đầu đã tiến hành thử nghiệm tác chiến “một đối một” mang tính bước ngoặt giữa các máy bay không người lái do trí tuệ nhân tạo (AI) và con người điều khiển trong điều kiện thực tế.

CARDC cũng là viện nghiên cứu chuyên phát triển và thử nghiệm công nghệ vũ khí tương lai của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đặt tại tỉnh Tứ Xuyên.

Báo cáo thử nghiệm được đăng tải trên tạp chí Acta Aeronautica et Astronautica Sinica của Trung Quốc vào cuối tháng 2.

Theo đó, cuộc không chiến có sự tham gia của UAV do phi công AI điều khiển và UAV còn lại do phi công thật ở dưới mặt đất điều khiển từ xa.

img

UAV do phi công AI điều khiển đánh bại máy bay do con người điều khiển từ xa trong cuộc không chiến cự ly gần. Ảnh - CARDC

Mở đầu trận chiến, phi công đã ra tay trước nhằm giành lợi thế. Tuy nhiên, AI đã đoán được ý đồ này và thực hiện phản công. Kế tiếp, phi công điều khiển UAV nhào xuống nhằm lừa UAV do AI điều khiển đuổi theo nhưng AI không bị mắc lừa.

Phi công cũng thử một số chiến thuật khác nhưng cuối cùng, nhóm nghiên cứu đã dừng cuộc không chiến mô phỏng sau 90 giây khi phi công không thể giành ưu thế trước AI.

Theo nội dung báo cáo, nhóm nghiên cứu đánh giá AI đã thể hiện khả năng chiến đấu ở cự ly gần vượt trội, áp đảo đối thủ là phi công con người. Từ đó, nhóm nghiên cứu cho rằng kỷ nguyên AI thống trị các cuộc tác chiến trên không đã gần ngay trước mắt.

Giáo sư Huang Juntao, công tác tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Khí động học Trung Quốc (CARDC) và các đồng nghiệp cho rằng:

Máy bay tự lái có khả năng tự ra quyết định có thể đánh bại con người về tốc độ phản ứng. Khi thực hiện những cú bẻ lái gấp, phi công AI cũng không gặp phải những khó khăn như phi công con người chẳng hạn như vấn đề lưu thông máu do ảnh hưởng của lực hút từ Trái Đất.

Nhóm nghiên cứu cũng cho rằng với khả năng tính toán vượt trội, AI có thể dự đoán chính xác hơn diễn biến của trận đấu và giành lợi thế trong cuộc đối đầu.

“Nhờ sự phát triển của công nghệ tàng hình và điện tử, 25-40% các cuộc không chiến trong tương lai sẽ được thực hiện ở cự ly gần. Do đó, nghiên cứu về tác chiến cự ly gần có giá trị thực tiễn quan trọng”, theo nội dung báo cáo.

Thách thức trong quá trình phát triển thế hệ phi công AI tương lai

Theo nhóm nghiên cứu quân sự Trung Quốc, Mỹ đã nghiên cứu về công nghệ phi công AI đã bắt đầu tại Mỹ từ 60 năm trước, nhưng Trung Quốc đã bắt kịp nhanh chóng.

Nếu như ở năm 2020, hệ thống AI do công ty Heron Systems có trụ sở tại bang Maryland, Mỹ phát triển đã đánh bại nhóm phi công lão luyện điều khiển tiêm kích F-16 trong cả 5 cuộc không chiến thực hiện theo hình thức giả lập trên mặt đất.

Thì tại Trung Quốc, trong chưa đầy một năm, nhóm nghiên cứu của ông Huang đã đạt được những thành tựu tương tự, hơn nữa, hệ thống AI do nhóm phát triển chỉ sử dụng một phần nhỏ nguồn lực máy tính so với hệ thống của Mỹ.

Dù vậy, nhóm nghiên cứu cho rằng vẫn còn nhiều thách thức cần khắc phục dù cuộc không chiến đã chứng minh tính khả thi của công nghệ phi công AI.

Chẳng hạn như việc đưa AI lên bầu trời sẽ khó khăn hơn thử nghiệm trên mặt đất do những nguồn lực máy tính trên máy bay hạn chế có thể ảnh hưởng tới năng lực của phi công AI.

Ngoài ra, môi trường tác chiến trong thực tế cũng phức tạp và khó đoán hơn môi trường mô phỏng trên mặt đất do thuật toán toán học lập ra.

Nhóm nghiên cứu Trung Quốc dự báo thế hệ phi công AI tiếp theo có thể học hỏi từ chuyến bay trong thực tế mà không cần hoặc cần rất ít sự hỗ trợ dưới mặt đất.

Nhóm nghiên cứu cho biết mục đích phát triển phi công AI nhằm phục vụ cho hoạt động của quân đội Trung Quốc. Quá trình AI ra quyết định không liên quan tới thiết bị phần cứng của một dòng máy bay cụ thể nào nên công nghệ này có thể áp dụng trên hầu như tất cả các loại tiêm kích của quân đội Trung Quốc.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.