Bộ trưởng kiểm tra hệ thống cân kiểm soát tải trọng tải bằng cảm biến thạch anh tích hợp |
Tiết kiệm chi phí, tạo điều kiện cho chủ phương tiện
Hôm nay, Công ty Cổ phần Tasco chính thức vận hành thử nghiệm hệ thống thu phí đường bộ theo hình thức mới: Thu phí không dừng ETC - tích hợp cân kiểm soát tải trọng. Theo tính toán, công nghệ thu phí mới này không chỉ giúp đơn vị thu phí giảm nhân lực, chi phí; giúp lái, chủ xe giảm thời gian lưu chuyển; mà còn giúp cơ quan quản lý Nhà nước phát hiện hiệu quả vi phạm của xe quá tải, tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng vận hành hệ thống thu phí mỗi năm. |
Trạm thu phí tự động không dừng của Tasco được đặt tại Km 604+700 QL1 đoạn qua xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) là một trong ba trạm thu phí đầu tiên của cả nước sử dụng công nghệ thu phí tiên tiến này. Theo đó, người tham gia giao thông thay vì phải mua vé, trả tiền vé trực tiếp cho nhân viên thu phí thì số tiền trả phí đường bộ sẽ được thanh toán hoàn toàn tự động tại các trạm thu phí không dừng.
Ông Hoàng Hà Phương, Giám đốc Công ty TNHH MTV Tasco Quảng Bình cho biết: Trạm thu phí tự động không dừng sử dụng công nghệ ETC - Nhận dạng tần số sóng vô tuyến (RFID) do Mỹ phát triển, hiện đang được áp dụng rộng rãi, được ưa chuộng trên thế giới. Chủ phương tiện sẽ được phát miễn phí một thẻ định danh (E-Tag) để dán lên kính trước xe và kèm theo một tài khoản thu phí để giao dịch. Tài khoản này có thể dễ dàng nạp tiền bằng nhiều kênh khác nhau như: Nạp tiền trực tiếp, nạp qua mạng internet, qua ngân hàng, gửi tin nhắn SMS, hoặc thậm chí bằng thẻ cào điện thoại.
Khi xe đã dán thẻ chạy vào làn thu phí, hệ thống tự động nhận diện bằng công nghệ laser sẽ kích hoạt camera chụp biển số và hệ thống ăng-ten phát tín hiệu để đọc thẻ E-Tag. Hình ảnh và thông tin được chuyển về trung tâm dữ liệu để xử lý và kiểm tra số dư tài khoản, nếu đủ điều kiện, các thanh chắn barie sẽ được mở tự động để xe đi qua. Đồng thời tin nhắn SMS được gửi về số điện thoại của chủ phương tiện để thông báo… Tổng thời gian xe qua trạm chỉ còn 3 – 5 giây. Điều này tránh được ùn tắc giao thông, đồng thời hạn chế gây lãng phí nguồn lực xã hội do phải huy động nhiều nhân công và chi phí in vé…
Nhà thầu điều xe quá tải đi qua trạm để Bộ trưởng kiểm nghiệm hệ thống cân tải trọng |
Theo ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty Tasco, chủ đầu tư trạm thu phí không dừng cho biết, việc áp dụng công nghệ ETC tại các trạm thu phí trong toàn quốc sẽ tiết kiệm được khoảng 70 tỷ đồng/năm tiền in vé. Ngoài ra, hệ thống này sẽ tiết kiệm chi phí nhiên liệu 233 tỷ đồng/năm, tiết kiệm tiền lương chi phí cho nhân viên thu phí, lương lái xe và thời gian chờ đợi cho người tham gia giao thông khoảng 2.800 tỷ đồng/năm. Tổng cộng lợi ích kinh tế - xã hội hàng năm có thể ước lượng được bằng tiền khi áp dụng hệ thống thu phí không dừng trên toàn quốc là 3.400 tỷ đồng/năm.
1 lần dừng mua vé bằng 3 lần xe qua
Được biết, trước khi đưa hệ thống này vào hoạt động thử nghiệm, Tasco đã nhiều lần tổ chức thực nghiệm kiểm tra tính năng của hệ thống. Gần đây nhất, ngày 10/3, Tasco đã làm nhiều phép thử thông qua nhiều tình huống giả định, tất cả các trường hợp phát sinh trong thực tế đều được nhà đầu tư tính tới và hoàn thiện.
Ông Phạm Văn Luyện, chuyên viên công nghệ của Tasco cho biết: Chúng tôi đưa ra cùng lúc 6 tình huống giả thiết độc lập, trong đó có ba tình huống quan trọng gồm: Xe không có thẻ E-Tag đi nhầm vào làn thu phí tự động, nhiều xe cùng qua trạm (trường hợp lưu lượng xe lớn gồm cả xe có thẻ E-Tag và không có), xe có thẻ E-Tag nhưng tài khoản hết hoặc không đủ tiền.
Ở cả ba tình huống, hệ thống thu phí tự động đều có thể dễ dàng phân loại các xe, với tình huống xe đi nhầm làn, barie không mở, người lái xe buộc phải mua vé như các trạm thu phí thông thường để nhân viên trực trong cabin ấn nút mở barie. Tại tình huống xe hỗn hợp, barie đóng mở nhịp nhàng; xe có thẻ E-Tag được đi thẳng, xe không có thẻ E-Tag hoặc tài khoản hết tiền sẽ bị barie chặn lại cho đến khi trả xong phí.
Quan sát bằng mắt thường, bất cứ ai cũng có thể thấy rất rõ tính ưu việt của hệ thống này, nhất là thời gian qua trạm của phương tiện giữa hai làn tự động và một dừng thủ công. Nếu như ở làn một dừng thủ công, thời gian tính từ khi phương tiện đi vào làn, dừng mua vé, trả tiền, lấy vé, chờ barie mở… phải mất đến 10 giây mới qua trạm, thì ở làn thu phí tự động không dừng, mỗi xe qua trạm chỉ mất chưa đến 3 giây mà vẫn có thể hoàn thành từng đó công đoạn kể trên. Tức là, cứ 3 xe sử dụng công nghệ thu phí tự động qua trạm thì mới có một xe trả phí thủ công qua, nhanh hơn gấp ba lần. Đáng lưu ý, với công nghệ này, tốc độ xe lưu thông trung bình qua trạm thu phí ở làn không dừng là 30 – 40 km/h, khoảng cách tối thiểu hai xe là 5 m.
Tuy nhiên, để người dân dần quen với hệ thống mới, ông Hoàng Hà Phương cho biết trong thời gian đầu, Tasco sẽ duy trì song song các hình thức thu phí: Tự động không dừng và một dừng thủ công. Theo đó, mỗi chiều đường sẽ được chia làm ba làn gồm: Một làn thu phí tự động ETC (sát dải phân cách giữa), một làn thu phí hỗn hợp, một làn thu phí một dừng: Dùng cho trường hợp đặc biệt như xe quá khổ, đoàn xe ưu tiên… “Sau thời gian vận hành thành công, người dân quen với việc trả phí tự động qua tài khoản thì chúng tôi sẽ bỏ việc thu phí một dừng ở làn thứ ba”, ông Hoàng Hà Phương cho biết.
Xe quá tải không còn đất diễn
Cùng với công nghệ thu phí tự động không dừng, hiện Trạm thu phí này đã được lắp đặt thêm hệ thống cân kiểm soát tải trọng xe. Ông Phương cho biết: “Theo yêu cầu của Bộ GTVT, mỗi trạm thu phí tự động không dừng sẽ được tích hợp thêm hệ thống cân tải trọng bằng công nghệ cảm biến thạch anh của Thụy Sỹ, qua các thử nghiệm thực tế, có thể khẳng định hệ thống cân cảm biến hoạt động rất tốt và ổn định, chịu được các điều kiện thời tiết bất thường. Một vấn đề đáng quan tâm là kết quả cân động khi xe qua trạm, về điều này, ông Hoàng Hà Phương khẳng định, kết quả cân luôn đạt đến độ chính xác gần như tuyệt đối so với kết quả cân tại trạm cân cố định, sai số 2-3%, tới đây Tasco sẽ mời Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Việt Nam vào kiểm định hệ thống này”.
Được biết ở Việt Nam, công nghệ thu phí không dừng cũng đã từng được nghiên cứu và triển khai thử nghiệm ở một số trạm thu phí. Tuy nhiên, công nghệ thu phí không dừng trước đây là dạng công nghệ phức tạp, người tham gia giao thông muốn sử dụng công nghệ này buộc phải mua và lắp đặt một thiết bị thu phát OPU trên xe với giá 40 – 50 USD. Còn với công nghệ thu phí không dừng RFID được triển khai thử nghiệm trong đợt này, chỉ mất 5 phút dừng phương tiện tại nhà điều hành trạm thu phí, cung cấp sổ đăng kiểm, khai báo số CMTND, số điện thoại là người dân đã có thể được sử dụng dịch vụ, mọi phần việc còn lại do nhân viên kỹ thuật đảm nhiệm. |
Trước đó, ngày 6/3, trong chuyến đi kiểm tra tiến độ dự án QL1, đích thân Bộ trưởng Đinh La Thăng đã “thử” tính năng thu phí không dừng và kiểm tra hệ thống kiểm soát xe quá tải tại trạm thu phí này. Sau khi thử nghiệm, Bộ trưởng đã đánh giá rất cao tính năng mới được tích hợp trong trạm thu phí. Riêng về kết quả cân kiểm tra tải trọng, Bộ trưởng cho rằng, đây là cơ sở để tiến hành phạt nguội đối với lái xe, chủ xe vi phạm nên đã yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam nghiên cứu việc sử dụng kết quả này để phạt nguội xe quá tải.
Sau giai đoạn thử nghiệm, nếu thành công mô hình thu phí tự động không dừng kết hợp kiểm soát xe quá tải sẽ được đưa vào vận hành tại 35 trạm thu phí trên QL1 và QL14.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận