Số thu tăng bằng lần
Thông tin từ tỉnh Bắc Ninh cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay, Chi cục Thuế khu vực Từ Sơn - Yên Phong đã yêu cầu điều chỉnh kê khai 680 hồ sơ chuyển nhượng bất động sản theo đúng giá thực tế.
Trên cơ sở đó, số thu thuế và lệ phí trước bạ sau điều chỉnh tăng thêm 10,3 tỷ đồng.
Riêng tại TP. Từ Sơn có 331 trường hợp phải kê khai điều chỉnh, bổ sung; Số tiền thuế tăng thêm là 6,8 tỷ đồng.
Người nộp thuế đã chủ động khai tăng giá chuyển nhượng ngay từ ban đầu khi làm hợp đồng công chứng. Ảnh minh hoạ
Còn tại huyện Yên Phong cũng có 349 hồ sơ điều chỉnh với số tiền thuế tăng thêm là 3,5 tỷ đồng.
Thu từ chuyển nhượng bất động sản đã góp phần làm số thuế thu nhập cá nhân trên địa bàn tăng vượt dự toán được giao năm 2022.
Tại TP. Từ Sơn, số thu thuế thu nhập cá nhân đến nay đạt 79,2 tỷ đồng, bằng 274% dự toán năm 2022 và bằng 364% so với cùng kỳ 2021.
Tại huyện Yên Phong, số thu đạt 18,5 tỷ đồng, đạt 188% dự toán và bằng 298% so với cùng kỳ 2021.
Còn với toàn tỉnh, chỉ sau 3 tháng quyết liệt chống thất thu thuế qua chuyển nhượng bất động sản, có tới 2.763 hồ sơ nộp thuế chuyển nhượng bất động sản bị điều chỉnh tăng giá so với giá trên hợp đồng công chứng, cao hơn so với Bảng giá đất năm 2020 - 2024 và hệ điều chỉnh giá đất năm 2022 của UBND tỉnh ban hành.
Tổng số thuế mà Cục Thuế Bắc Ninh thu tăng là 111,2 tỷ đồng, bình quân tăng gấp 2,1 lần/hồ sơ so với cùng kỳ 2021.
Không chỉ Bắc Ninh, các tỉnh thành khác cũng tăng mạnh số thu sau khi “mạnh tay” chống thất thu thuế qua chuyển nhượng bất động sản.
Đơn cử tại tỉnh kế bên Bắc Ninh là Bắc Giang, từ đầu năm đến nay, cơ quan thuế các cấp tại Bắc Giang đã xác minh 694 hồ sơ giao dịch bất động sản tập trung ở TP. Bắc Giang và các huyện Yên Dũng, Tân Yên, Việt Yên, tăng thu cho ngân sách gần 5 tỷ đồng.
Hay tại Phú Thọ, Cục Thuế tỉnh này cũng đã rà soát một số hồ sơ và yêu cầu kê khai lại giá giao dịch. Số tiền thuế thu tăng thêm là 5,13 tỷ đồng.
Cơ quan thuế Phú Thọ cũng phối hợp với tổ chức công chứng xác minh một số trường hợp giao dịch, tăng thu thêm hơn 192 triệu đồng tiền thuế.
Một trường hợp khác là Long An, tổng số thu thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản đầu năm đến 30/5 tại tỉnh này đã đạt 563 tỷ đồng, tăng 296 tỷ đồng (tăng 110,8%) so với cùng kỳ 2021.
Lệ phí trước bạ đối với tài sản là bất động sản tại Long An từ đầu năm đến hết tháng 5 cũng đạt 156,8 tỷ đồng, tăng 68,1 tỷ đồng (tăng 76,8%) so với cùng kỳ năm 2021.
Chi cục Thuế TP. Thủ Đức (TP. HHCM) quản lý thuế địa bàn có lượng hồ sơ chuyển nhượng bất động sản lớn, trong 5 tháng cơ quan thuế đã tiếp nhận trên 21.500 hồ sơ.
Cơ quan thuế Thủ Đức cũng đã ra thông báo thuế với 18.040 hồ sơ, trong đó hơn 2.000 hồ sơ bị trả lại do sai, thiếu thông tin, hoặc trùng phiếu chuyển.
Qua công tác tuyên truyền vận động các tổ chức, cá nhân kê khai đúng giá chuyển nhượng, cơ quan thuế đã thu về cho ngân sách trên 120 tỷ đồng.
Trên cả nước, theo số liệu từ Tổng cục Thuế, năm 2021 số thu từ thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản tăng hơn 4,9 nghìn tỷ đồng (tăng 30%) so với 2020. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2022 dự kiến tăng 6,6 nghìn tỷ đồng, tỷ lệ tăng 68,6% so với cùng kỳ năm trước.
Không trả lại hồ sơ
Để tăng cường chống thất thu qua chuyển nhượng bất động sản, mới đây nhất Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế đã có Công điện số 08/CĐ-TCT yêu cầu cục thuế các tỉnh, thành phố nâng cao hiệu quả xử lý hồ sơ khai thuế từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản.
Trong đó, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế yêu cầu tuyên truyền, hướng dẫn người nộp thuế trong việc kê khai theo đúng giá giao dịch chuyển nhượng bất động sản.
Cơ quan thuế không trả lại hồ sơ kê khai, không kéo dài thời hạn giải quyết hồ sơ mà thực hiện tính thuế theo đúng quy định.
Nếu nghi ngờ trường hợp có dấu hiệu kê khai thấp so với giá giao dịch thực tế thì chuyển sang thực hiện thanh tra, kiểm tra sau theo đúng quy định.
Theo kinh nghiệm từ Cục Thuế Bắc Ninh, Cục thuế tỉnh này đã chỉ đạo các phòng chức năng, chi cục thuế tăng cường kiểm tra, giám sát tại trụ sở cơ quan Thuế với các hồ sơ khai thuế, hồ sơ chuyển từ Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai.
Với trường hợp kê khai không đúng giá thực tế chuyển nhượng, đặc biệt các trường hợp kê khai thấp hơn Bảng giá của UBND tỉnh, Cục thuế Bắc Ninh cũng yêu cầu giải trình, bổ sung thông tin và khai điều chỉnh bổ sung.
Hay tại TP.HCM, ngoài chống thất thu theo chỉ đạo từ cấp trên, và sự phối hợp với các sở, ngành liên quan, Cục Thuế TP.HCM còn xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu giá giao dịch bất động sản trên địa bàn dựa trên 4 nguồn.
Đó là: Giá giao dịch thực tế đáng tin cậy trong thời gian gần nhất, hoặc giá giao dịch của bất động sản tương đồng trên ứng dụng quản lý trước bạ - nhà đất; Thông tin từ việc phối hợp với chính quyền các quận, huyện, TP. Thủ Đức để có cơ sở tham vấn giá giao dịch phổ biến trên từng tuyến đường; Giá phê duyệt của chính quyền TP. với các dự án hoặc giá đền bù thực tế của Nhà nước; Giá giao dịch thực tế tại các sàn giao dịch bất động sản, giá bán kinh doanh của chủ đầu tư dự án, giá giao dịch bất động sản tương tự tại sàn giao dịch nơi có sản phẩm của chủ dự án chuyển nhượng.
Đây sẽ là cơ sở để cơ quan thuế tham vấn, đấu tranh, yêu cầu người nộp thuế kê khai đúng giá trị thực tế.
Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Thuế, Cục Thuế các tỉnh tham mưu với UBND tỉnh xây dựng bảng giá đất, hệ số điều chỉnh; Xây dựng dữ liệu giá giao dịch bất động sản để công khai tạo thuận lợi cho người nộp thuế.
Bộ Tài chính cũng có nhiều công văn gửi UBND các tỉnh, TP. trực thuộc trung ương; Bộ Công an; Bộ Tư pháp để phối hợp triển khai đồng bộ các giải pháp chống thất thu trong hoạt động chuyển nhượng bất động sản.
Đáng chú ý, Tổng cục Thuế đã giao Cục Kiểm tra nội bộ bổ sung kế hoạch kiểm tra nội bộ trong đó có nội dung kiểm tra về công tác xử lý hồ sơ khai thuế từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản của cơ quan thuế các cấp.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận