Cả nước đang có hơn 2.000km đường cao tốc
Hôm nay, 23/7, Văn phòng Chủ tịch nước công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 5 luật được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 7.
Phó chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà đã công bố Lệnh của Chủ tịch nước đối với 5 luật gồm: Luật Đường bộ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; Luật Thủ đô; Luật Bảo hiểm xã hội; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Các tổ chức tín dụng.
Thông tin về Luật Đường bộ, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Danh Huy cho biết, sau 13 năm thực hiện, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã đạt được những kết quả nhất định, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động giao thông vận tải (GTVT) đường bộ; góp phần hình thành ý thức tuân thủ pháp luật của người tham gia giao thông.
Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước nói chung và GTVT nói riêng, tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam chủ động tham gia vào hoạt động GTVT với các nước trong khu vực.
Tuy nhiên, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập cần sửa đổi, bổ sung, đặc biệt là các quy định về cơ chế để huy động các nguồn lực xã hội trong việc xây dựng kết cấu hạ tầng đường bộ; ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành hoạt động đường bộ; cơ cấu lại các loại hình kinh doanh vận tải bằng xe ô tô cho phù hợp với thực tế.
Nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và thể chế hóa đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng; tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho hoạt động đường bộ, góp phần phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ, nâng cao năng lực vận tải đường bộ, việc xây dựng Luật Đường bộ là hết sức cần thiết.
Ngày 27/6, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Đường bộ. Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2025.
Luật Đường bộ gồm 6 chương, 86 điều tập trung vào 3 đột phá chiến lược là thể chế chính sách, kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực. Đồng thời, giải quyết các yêu cầu của thực tiễn với tầm nhìn chiến lược theo hướng thông minh hơn, ứng dụng công nghệ thông tin trong nước.
Trước câu hỏi của báo chí về mục tiêu đến năm 2030, cả nước có 5.000km đường cao tốc, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy nhấn mạnh phải thực hiện được mục tiêu này bằng mọi giá mặc dù có những khó khăn về điều kiện thi công, về vật liệu.
Bởi đây là một đột phá chiến lược đã được xác định tại Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII. Hiện chúng ta đã đưa vào khai thác được 2.021km đường cao tốc, đang đầu tư 1.800km và Chính phủ đang chỉ đạo đầu tư trong trung hạn khoảng 1.200km để hoàn thành mốc năm 2030.
Mở rộng, gia tăng quyền, lợi ích tham gia bảo hiểm xã hội
Giới thiệu về Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH), Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cho biết, mục tiêu đặt ra khi xây dựng Luật là bảo đảm an sinh xã hội theo quy định của Hiến pháp; thể chế hóa quan điểm, đường lối, nội dung cải cách trong Nghị quyết số 28-NQ/TW và các văn kiện, nghị quyết có liên quan; sửa đổi căn bản các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn; mở rộng, gia tăng quyền, lợi ích để thu hút người lao động tham gia BHXH.
Đáng chú ý, Luật BHXH bổ sung quy định nhằm gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn, khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận BHXH một lần.
Cụ thể, người lao động không hưởng BHXH một lần mà bảo lưu thời gian đóng để tiếp tục tham gia thì có cơ hội được thụ hưởng các quyền lợi cao hơn như: Khi tiếp tục tham gia được hưởng các chế độ với mức hưởng cao hơn; Được hưởng lương hưu với điều kiện dễ dàng hơn; Trong thời gian hưởng lương hưu được Quỹ BHXH đóng bảo hiểm y tế; Được hưởng trợ cấp hàng tháng khi không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội; Trong thời gian hưởng trợ cấp hằng tháng thì được ngân sách Nhà nước đóng bảo hiểm y tế.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận