Giá vé máy bay chưa tăng kịch trần
Sáng nay (13/5), tại phiên họp thứ 33, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024.
Phát biểu tại phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu thực tế người dân từ TP.HCM ra Hà Nội phải mua vé qua Thái Lan rồi mua vé máy bay từ Thái Lan về Hà Nội, tình trạng này diễn ra nhiều tháng nay, không phải mới.
"Giá vé máy bay chưa kịch trần theo báo cáo của Cục Hàng không, vậy còn tăng nữa không và nó ảnh hưởng gì đến du lịch?", ông Phương đặt vấn đề.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cũng nhận định du lịch thời gian qua phục hồi ấn tượng nhờ những điều chỉnh về chính sách cũng như các giải pháp phát triển sản phẩm du lịch. Tuy nhiên, ông cũng đề nghị chú ý điều tiết giá dịch vụ hàng không.
"Dịp lễ 30/4 và 1/5 cũng như cuối năm vừa rồi di chuyển rất sôi động. Du lịch nội địa thu hút khách rất đông nhưng với những cơ sở phải di chuyển xa bằng hàng không thì gặp khó khăn hơn", ông Vinh góp ý.
Nhiều yếu tố dẫn đến giá vé máy bay tăng
Phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy đã báo cáo các vấn đề liên quan đến giá vé máy bay.
Thứ nhất là giá vé bình quân, Bộ GTVT đã chỉ đạo Cục Hàng không dân dụng đánh giá toàn bộ giá vé của Việt Nam và thị trường quốc tế.
"Ở Việt Nam lấy giá vé của Vietnam Airlines, trong tháng 4, giá vé bình quân từ 0,08 - 0,12 USD/km. Tại Thái Lan lấy đường bay từ Bangkok Phuket, giá vé từ 0,1- 0,29 USD/km. Tại Trung Quốc lấy giá vé Thường Châu đi Thượng Hải là 0,27 - 0,3 USD/km", ông Huy nói.
Vấn đề thứ hai, Thứ trưởng Bộ GTVT cho hay, mức tăng bình quân của Vietnam Airlines so với cùng kỳ tăng từ 14 - 20% trên các đường bay.
Về nguyên nhân giá vé máy bay tăng, theo Thứ trưởng Bộ GTVT có 4 nguyên nhân chính.
Nguyên nhân thứ nhất, giá nguyên liệu và chênh lệch tỷ giá tăng 8%. Toàn bộ cấu thành chi phí của giá hàng không, nhiên liệu chiếm từ 65 - 70%.
Vấn đề thứ hai, thế giới và Việt Nam đều bị ảnh hưởng bởi việc triệu hồi động cơ của hãng Pratt&Whitney.
"Đối với Việt Nam, đội bay ảnh hưởng đến 33 máy bay, chủ yếu ở nhóm máy bay A321 và A320. Hãng hàng không phải thuê máy bay, thuê phi công, thuê tổ bay. Điều này dẫn đến chi phí tăng cao", ông Huy nói.
Vấn đề thứ ba là nhu cầu đi lại trong tháng 4 rất cao. Theo nghiên cứu của Cục Hàng không và tổng hợp thống kê, vé máy bay nếu mua trước 1 - 2 tháng thì giảm so với giá bình quân, mua càng sát ngày đi thì giá càng cao.
"Vừa qua, do nhu cầu đi du lịch hè và dịp lễ 30/4 nên nhiều người mua sát giờ, giá vé này tăng cao hơn 20%", ông Huy nói.
Vấn đề thứ tư là chính sách vé, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, đối với đường bay Thái Lan như Phó chủ tịch Quốc hội nói là rất đúng.
"Thái Lan có chính sách kích cầu du lịch, giảm triệt để các chi phí đối với hàng không, do đó phí cất hạ cánh, điều hành bay đều giảm mạnh", Thứ trưởng Bộ GTVT nói.
Xu hướng giá vé máy bay trên thế giới tiếp tục tăng cao
Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy cho biết thêm, theo đánh giá của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế cũng như Hiệp hội Vận tải hàng không châu Á, xu hướng giá vé máy bay trên thế giới thời gian tới tiếp tục tăng cao.
Về giải pháp, ông Nguyễn Danh Huy cho biết, Bộ GTVT đã ban hành quy định rà soát toàn bộ chi phí với kê khai giá, yêu cầu tăng chuyến bay, dùng máy bay thân rộng trong điều kiện thiếu máy bay thân hẹp (máy bay thân hẹp A321, A320).
"Tuy nhiên, máy bay thân rộng đáp ứng được nhu cầu đi lại nhưng chi phí tăng cao. Vì máy bay thân rộng chỉ thích hợp với đường bay trên 5.000 dặm trở lên. Chúng tôi yêu cầu tiết giảm tối đa chi phí của hãng hàng không. Đồng thời nghiên cứu đề xuất giảm một số loại phí để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân", ông Huy nói.
Thứ trưởng Bộ GTVT cũng cho biết, việc giá máy bay tăng cũng ảnh hưởng đến du lịch. Về giải pháp, Bộ GTVT đã đưa vào hoạt động một chuyến tàu mới nhằm hỗ trợ tình trạng khan hiếm máy bay cho chặng ngắn.
Ông Huy cũng cho biết, vận tải hành khách cự ly dưới 1.000km thì đường sắt vẫn có chi phí hợp lý nhất. Thị phần trên 1.000km mới là hàng không.
"Hiện nay, Bộ GTVT đang đẩy mạnh khai thác hiệu quả các tuyến đường sắt đang có, đồng thời đầu tư các tuyến, chặng mới. Để về lâu dài, tái cơ cấu thị phần vận tải hành khách hợp lý và bền vững nhất", ông Huy nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận