Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói ông biết rõ ông nào, DN nào sở hữu 13, 14 "sân sau" |
Chủ trì Hội nghị đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN sáng 21/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đây là hội nghị rất quan trọng, liên quan đến lực lượng doanh nghiệp đang nắm giữ tài sản 3 triệu tỷ đồng; lượng vốn 1,5 triệu tỷ đồng. Đây là số lượng vốn và tài sản rất lớn, bởi GDP của cả nền kinh tế mới đạt hơn 5 triệu tỷ đồng.
Ông cũng khẳng định lực lượng DNNN rất cần thiết cho sự phát triển của đất nước, vì thế không thể “giải tán” vai trò của DNNN.
Ghi nhận những kết quả đạt được trong việc cơ cấu lại DNNN, song người đứng đầu Chính phủ cũng lưu ý, hiệu quả sản xuất kinh doanh và đóng góp của nhiều DNNN còn thấp, chưa tương xứng với nguồn lực; còn nợ xấu, thua lỗ, thất thoát lớn, quản trị còn yếu kém...
Thủ tướng cũng nêu hàng loạt bất cập trong quản trị DNNN như tình trạng không chịu học hỏi, nghiên cứu đổi mới, bổn cũ chép lại, "bình cũ rượu mới", tình trạng sân trước sân sau.
“Không những 1 sân trước mà còn có 4,5 sân sau. Có ông 14 -15 cái sân sau, đừng nói Thủ tướng không biết”, Thủ tướng nói và cảnh báo, tình trạng này không phải cơ quan chức năng không biết. Từ đó, ông đề nghị các DNNN phải nhìn vào các yếu kém của mình để chấn chỉnh.
Nhắc đến nguyên nhân của những yếu kém, Thủ tướng cho rằng do kỷ luật chấp hành chỉ đạo không nghiêm, còn tư tưởng e ngại, nhận thức chưa thông.
Thủ tướng nêu một số vụ việc tham nhũng, tiêu cực, một số vụ án xảy ra tại các DNNN và cho rằng có lỗi buông lỏng quản lý nhà nước trong thời gian dài, đặc biệt có lỗi chủ quan của cán bộ, trong đó có việc tham nhũng lớn.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu công tác thanh tra, kiểm tra phải hết sức chặt chẽ, theo đúng quy định, mỗi năm một lần để bảo đảm hoặt động sản xuất kinh doanh của DN. Bên cạnh đó, cơ quan điều tra, thanh tra, kiểm toán cũng phải chấn chỉnh phần mình, chứ không phải lúc nào cũng thanh tra kiểm tra, không ai dám làm việc cả. "Xử lý vi phạm nhưng không kìm hãm sự phát triển" - Thủ tướng lưu ý.
Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành, tập đoàn, tổng công ty, DNNN nghiêm túc quán triệt sâu sắc các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN.
Trong đó, xác định rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức; có chế tài đủ mạnh, xử lý nghiêm các vi phạm, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu.
Về sắp xếp bộ máy, nhân sự trong các DNNN khi tái cơ cấu, Thủ tướng yêu cầu phải bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đại diện vốn nhà nước đủ phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn, đặc biệt, “bố trí người làm việc chứ không bố trí người nhà”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận