Đường bộ

Thủ tướng cắt băng khánh thành 2 cao tốc qua Khánh Hòa, Bình Thuận

18/06/2023, 13:00

Lễ khánh thành dự án cao tốc Bắc - Nam các đoạn Nha Trang - Cam Lâm, Vĩnh Hảo - Phan Thiết được tổ chức vào lúc 15h chiều nay (18/6).

xem toàn bộ ảnh của bài
Mới nhất Sắp xếp diễn biến mới trước img Cũ nhất Sắp xếp diễn biễn cũ trước

Chiều nay (18/6), Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Khánh Hòa và Bình Thuận tổ chức khánh thành 2 dự án thành phần đầu tư xây dựng (ĐTXD) đoạn Nha Trang - Cam Lâm và Vĩnh Hảo - Phan Thiết thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.

Lễ khánh thành được tổ chức trực tuyến tại 2 điểm cầu.

Trong đó, điểm cầu tại tỉnh Khánh Hòa được đặt tại Km33+800 dự án Nha Trang - Cam Lâm thuộc địa bàn xã Cam Hiệp Nam, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa.

Điểm cầu kết nối tại tỉnh Bình Thuận được đặt ở vị trí Km 1604+700 dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết (giao với QL1) thuộc xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.

Báo Giao thông tường thuật trực tiếp sự kiện quan trọng này.

Thủ tướng cắt băng khánh thành cao tốc Nha Trang - Cam Lâm, Vĩnh Hảo - Phan Thiết

Thủ tướng tuyên bố và cắt băng khánh thành cao tốc Nha Trang - Cam Lâm, Vĩnh Hảo - Phan Thiết.

img

Thủ tướng nêu 6 bài học kinh nghiệm làm cao tốc

Mở đầu phần phát biểu, Thủ tướng Phạm Minh Chính giành thời gian bày tỏ cảm xúc trước những công trình, dự án mới được khánh thành.

"Chúng ta được đi trên tuyến cao tốc đã hoàn thành sẽ có nhiều cảm xúc, nhiều niềm tin để quyết tâm hoàn thành toàn tuyến cao tốc còn lại theo đúng các mục tiêu được Đảng, Nhà nước, Quốc hội đề ra", Thủ tướng nói và nhấn mạnh: Cao tốc Nha Trang - Cam Lâm, Vĩnh Hảo - Phan Thiết rút ngắn tối đa thời gian thi công để đưa vào thông xe đúng dịp kỷ niệm ngày sinh nhật Bác Hồ (19/5). Việc đưa vào khai thác hai cao tốc này đã cơ bản kết nối cao tốc đi từ TP.HCM ra Khánh Hoà, rút ngắn thời gian di chuyển, kết nối 2 trung tâm kinh tế lớn là TP.HCM và Khánh Hoà.

Cá nhân Thủ tướng hiểu được những trăn trở của các thể hệ lãnh đạo địa phương về cao tốc Nha Trang, Bình Thuận... nên khi dự án triển khai, có dịp công tác trên địa bàn, Thủ tướng đều vào kiểm tra, đôn đốc.

img

Thủ tướng đánh giá cao, biểu dương các đơn vị thi công dự án - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Theo Thủ tướng, dự án triển khai trong điều kiện cả nước bị ảnh hưởng Covid-19, chắc hẳn nhiều người còn chưa quên. Giá cả nguyên vật liệu tăng cao do biến động thế giới. Cách quản lý của cơ quan chức năng, địa phương còn sơ hở, yếu kém, các chủ mỏ tư nhân còn có tâm lý, hành vi găm hàng, đội giá. Bên cạnh đó các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật chưa hợp lý, chưa điều chỉnh kịp thời gây khó khăn cho nhà thầu, nhà đầu tư. Chính phủ lắng nghe, kịp thời có các giải pháp để tháo gỡ bằng cơ chế chính sách kịp thời.

Thậm chí, các Dự án Nha Trang - Cam Lâm, Vĩnh Hảo - Phan Thiết gần đến ngày hoàn thành vẫn còn khó khăn, vướng mắc và Chính phủ, các cấp ngành vẫn vào cuộc xử lý.

Nắm bắt và chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc đó, Chính phủ, Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT đã tập trung thời gian để chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, toàn diện với tinh thần "Khó khăn đến đâu thì tháo gỡ đến đó, khó khăn ở đâu thì tháo gỡ ở đó; vướng mắc ở cấp nào thì cấp đó giải quyết", "không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm". Chính phủ đã kịp thời ban hành các nghị quyết để giải quyết thiếu hụt vật liệu cho các dự án; quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành thực hiện nhiều giải pháp để sớm bình ổn giá vật liệu xây dựng, bảo đảm nguồn cung ứng xăng dầu…

Về cao tốc Nha Trang - Cam Lâm, Thủ tướng cho hay: Dự án được đầu tư theo phương thức PPP, triển khai trong bối cảnh pháp luật về đầu tư PPP chưa hoàn thiện. Dự án được lựa chọn nhà đầu tư trước khi Luật đầu tư PPP được ban hành, "làn sóng" phản ứng các dự án BOT giao thông xuất hiện tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước ảnh hưởng tâm lý của các nhà đầu tư và e ngại của tổ chức tín dụng tài trợ vốn. Đã có 5/8 dự án thành phần Quốc lộ 45- Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Mai Sơn – Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây đã phải chuyển đổi phương thức PPP sang đầu tư công.

Việc kêu gọi đầu tư PPP tại dự án cao tốc Bắc - Nam có lúc tưởng chừng khó thực hiện. Nhưng với sự đồng hành tháo gỡ vướng mắc trong cơ chế, chính sách của Quốc hội, Chính phủ, Bộ GTVT và các bộ, ngành liên quan, các dự án thành phần: Nha Trang - Cam Lâm, Diễn Châu - Bãi Vọt, Cam Lâm - Vĩnh Hảo lần lượt lựa chọn được các nhà đầu tư uy tín.

Hợp đồng PPP dự án Nha Trang - Cam Lâm được ký kết ngày 6/5/2021, đánh dấu sự thành công đầu tiên của mục tiêu cụ thể hóa cơ chế "Nhà nước và nhân dân cùng làm" tại dự án cao tốc huyết mạch đầu tiên của cả nước.

6 bài học kinh nghiệm

Phát biểu tại Lễ khánh thành, Thủ tướng đúc kết 6 bài học kinh nghiệm từ cao tốc Nha Trang - Cam Lâm, Phan Thiết - Vĩnh Hảo.

Thứ nhất phải có cách làm, tư duy, hành động quyết liệt.

Thứ hai đề cao trách nhiệm người đứng đầu phải bám sát tình hình, nâng cao tính dự báo, xử lý các vướng mắc ngay trên công trường. Các bộ ngành địa phương đã quyết liệt rồi phải quyết liệt hơn.

Thứ 3 chủ động xử lý công việc trên thẩm quyền, xác định cao tốc là tài sản quốc gia, linh hoạt xử lý các vấn đề GPMB, nguyên vật liệu, bãi thải. Bộ TNMT khi phân cấp phân quyền cho địa phương phải phân định rõ cái gì là khoáng sản, cái gì là vật liệu.

Thứ 4 làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu, đồng thuận, chú trọng các khu TĐC, đảm bảo cuộc sống người dân TĐC phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Từ đó người dân tin tưởng, đồng thuận nhanh hơn.

Thứ 5 là không chia nhỏ các gói thầu. Chúng ta đã rút kinh nghiệm về vấn đề này, vừa khởi công mấy trăm km cao tốc cho các nhà thầu lớn. Đảm bảo đúng tiến độ, không đội vốn, đảm bảo an toàn cho người lao động, người dân. Việc lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu đúng quy định pháp luật, hiệu quả. Đảm bảo các yếu tố kỹ mỹ thuật, chi phí, không để tăng vốn bất hợp lý, trường hợp tăng vốn phải hợp lý.

Thứ 6, kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án, kiên quyết chống tham nhũng, tiêu cực trong quá trình triển khai dự án, thể hiện tinh thần yêu nước trong nhiệm vụ, chức năng, quyền hạn của mình vì lợi ích quốc gia dù là việc nhỏ nhất.

Cập nhật quy hoạch, khai thác tốt nhất quỹ đất dọc hai bên cao tốc

img

Ông Đoàn Anh Dũng

Theo ông Đoàn Anh Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, cùng với tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đã được thông xe, hôm nay tuyến cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Nha Trang - Cam Lâm được khánh thành là niềm vui lớn với tỉnh Bình Thuận và các tỉnh, thành lân cận.

Hai cao tốc được khánh thành đã giúp rút ngắn thời gian lưu thông, vận chuyển hàng hóa trong khu vực, thúc đây phát triển kinh tế - xã hội phát triển.

Thời gian qua tỉnh cũng đã rà soát, bố trí nguồn lực để đầu tư hoàn chỉnh các tuyến đường trục ngang, đường kết nối các tuyến cao tốc với hệ thống đường tỉnh để tạo thuận lợi cho người dân đi lại thuận lợi hơn.

Tỉnh cũng đã cập nhật quy hoạch, nhất là các khu công nghiệp để khai thác tốt nhất quỹ đất dọc hai bên cao tốc. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư kêu gọi các doanh nghiệp lớn đầu tư vào Bình Thuận để phát triển 3 trụ cột kinh tế công nghiệp, du lịch và nông nghiệp công nghệ cao.

Cao tốc kết nối liên vùng, mở rộng không gian phát triển cho Khánh Hoà

Phát biểu tại Lễ khánh thành cao tốc Nha Trang - Cam Lâm, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà Nguyễn Tấn Tuân nhấn mạnh, đây là dự án trọng điểm Quốc gia qua địa bàn tỉnh Khánh Hòa, có tổng chiều dài dự án gần 50km, được triển khai theo hình thức PPP với tổng vốn đầu tư: 5.524 tỷ đồng (trong đó vốn Nhà đầu tư: 2.557 tỷ đồng; vốn Nhà nước tham gia: 2.967 tỷ đồng).

Dự án bắt đầu triển khai công tác GPMB từ năm 2019 và khởi công vào tháng 9/2021. Thời điểm này, các đơn vị triển khai cao tốc gặp không ít khó khăn do giai đoạn đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, vừa triển khai nhiệm vụ vừa đảm bảo yêu cầu chống dịch; giá cả nhiên, vật liệu xây dựng có những thời điểm biến động mạnh...

Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT, cùng với sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND Khánh Hoà, với tinh thần làm việc khẩn trương, tập trung, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan, Nhà đầu tư, nhà thầu xây lắp, đơn vị tư vấn, cùng với sự đồng tình, ủng hộ của Nhân dân; sau gần 21 tháng tích cực triển khai thi công, đến ngày 19/5/2023 vừa qua (đúng vào dịp lễ kỷ niệm 133 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại), Dự án thành phần đoạn Nha Trang - Cam Lâm đủ điều kiện đưa vào thông xe, vượt hơn 3 tháng so với tiến độ yêu cầu, góp phần vào thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của Dự án nói riêng và toàn ngành GTVT nói chung.

“Cao tốc Nha Trang - Cam Lâm là dự án cao tốc đầu tiên trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa được hoàn thành đưa vào khai thác; có ý nghĩa rất quan trọng không chỉ đối với tỉnh Khánh Hòa và các địa phương lân cận, mà còn đối với cả quốc gia và khu vực”, ông Tuấn nhấn mạnh.

img

Ông Nguyễn Tấn Tuân - Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà

Người đứng đầu chính quyền UBND tỉnh Khánh Hoà cho hay, cùng với các dự án thành phần còn lại đang được tiếp tục khẩn trương triển khai, sau khi hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông sẽ kết nối hoàn chỉnh hệ thống các trung tâm kinh tế xã hội, trung tâm tài chính, du lịch, khu kinh tế, công nghiệp, đầu mối cảng biển, hàng không,... của tỉnh Khánh Hòa và các tỉnh thành địa phương ven biển dọc theo trục Bắc - Nam của đất nước... và tới đây nữa sẽ tiếp tục kết hợp đồng bộ với trục kinh tế Đông – Tây khi tuyến đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột được tiếp tục hoàn thành đưa vào khai thác.

Mạng lưới đường bộ cao tốc qua địa phương tỉnh Khánh Hòa được Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư đưa vào khai thác tạo động lực phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội tỉnh Khánh Hòa và các khu vực lân cận, tăng sức hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước, phát huy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương nhằm thu hút nhiều dự án đầu tư lớn vào 03 vùng động lực kinh tế của tỉnh là Khu kinh tế Vân Phong, thành phố Nha Trang và khu vực vịnh Cam Ranh.

"Để hoàn thiện đồng bộ dự án, UBND tỉnh Khánh Hoà đề nghị Nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án, đơn vị thi công và các đơn vị liên quan cần tiếp tục tập trung, huy động toàn bộ nhân lực, vật lực... để quyết tâm hoàn thành các hạng mục còn lại, đảm bảo về chất lượng công trình, đảm bảo an toàn khi đưa vào vận hành, thực hiện tốt công tác quản lý, bảo trì sử dụng, bảo hành công trình theo quy định của pháp luật.

Về phía UBND các tỉnh Khánh Hòa sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng và các đơn vị khác có liên quan tại địa phương tăng cường lực lượng triển khai điều phối, hướng dẫn, nhắc nhở người tham gia giao thông thực hiện theo phương án tổ chức giao thông, xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm gây mất an toàn giao thông trên tuyến; chỉ đạo các địa phương, sở ngành liên quan hoàn thành các nhiệm vụ còn lại thuộc trách nhiệm của địa phương liên quan đến dự án để dự án đảm bảo hoàn thành đồng bộ theo kế hoạch đề ra", ông Tuân chia sẻ.

Tư vấn giám sát nỗ lực không kể ngày đêm

img

Ông Đặng Văn Bình

Tại điểm cầu Bình Thuận, ông Đặng Văn Bình - Phó TGĐ Công ty CP Tư vấn giám sát chất lượng công trình Thăng Long, đại diện cho các nhà thầu tư vấn giám sát dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết cho biết: Trong suốt quá trình thực hiện, tư vấn giám sát đã không kể ngày đêm, khắc phục mọi khó khăn cùng các nhà thầu thực hiện tốt và đầy đủ các trách nhiệm được chủ đầu tư tin cậy, giao phó.
Dự án đã được kiểm soát chất lượng chặt chẽ, đáp ứng các yêu cầu của Nghị định 06/2021/NĐ-CP về quản lý chất lượng, thi công và bảo trì công trình xây dựng, cũng như hồ sơ thiết kế, chỉ dẫn kỹ thuật và hợp đồng tư vấn giám sát đã ký.
Qua công tác giám sát dự án cao tốc là dự án trọng điểm quốc gia, chúng tôi thấy rằng ngoài nhiệm vụ trọng tâm là công tác quản lý chất lượng và an toàn lao động trên công trường, tư vấn cần tiếp tục nâng cao hơn nữa về chất lượng chuyên môn, kinh nghiệm.
Tập trung nghiên cứu và hiểu rõ, hiểu sâu về đồ án thiết kế, qui định kỹ thuật, địa chất, địa hình, thủy văn, mỏ vật liệu xây dựng, bãi đổ thải và đặc biệt là đặc điểm khí hậu vùng xây dựng công trình để kịp thời chỉ dẫn đến nhà thầu các giải pháp kỹ thuật và thời điểm cần thiết đẩy nhanh tiến độ thi công. Kịp thời tham mưu đề xuất đến chủ đầu tư các vấn đề kỹ thuật trọng yếu để có những quyết định phù hợp.

Đại diện nhà thầu, ông Đào Ngọc Thanh, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty xuất nhập khẩu Vinaconex cho biết, trong quá trình thi công dự án đã gặp rất nhiều khó khăn như ảnh hưởng dịch bệnh Covid - 19, biến động giá vật liệu, thời tiết, nguồn đất đắp….

Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc có trách nhiệm của các bộ ban ngành, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Thuận với tinh thần “vượt nắng, thắng mưa, quyết tâm đưa dự án về đích đúng hạn”, Vinaconex cùng các nhà thầu đã xây dựng kế hoạch thi công chi tiết từng tuần, tháng, quý, dồn mọi nguồn lực, tận dụng tối đa điều kiện thời tiết trong những lúc thuận lợi để thi công bù tiến độ.

Cùng với áp dụng các công nghệ và giải pháp thi công tiên tiến nhất, đơn vị đã huy động máy móc, thiết bị hiện đại cùng hàng nghìn cán bộ kỹ sư, công nhân kỹ thuật trình độ cao để thi công “3 ca, 4 kíp”, không kể ngày đêm.

Vinaconex và các nhà thầu đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành các mục tiêu thi đua đã cam kết, góp phần đưa dự án về đích đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng thi công, thẩm mỹ công trình và an toàn lao động tuyệt đối.

Thủ tướng “truyền cảm hứng” công trường, ưu tiên thiết bị hiện đại

Đại diện nhà thầu phát biểu tại Lễ khánh thành, ông Nguyễn Viết Hải, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sơn Hải cho biết, cao tốc Nha Trang - Cam Lâm triển khai trong điều kiện nhiều khó khăn. Đặc biệt, ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 khiến công trường tưởng chừng đứt nhịp. Kế đó, khó khăn về bão giá vật liệu, khan hiếm vật liệu… cũng là rào cản tiến độ rất lớn trên công trường. Tuy nhiên, với sự nỗ lực, quyết tâm cao độ, Tập đoàn Sơn Hải từng bước vượt qua.

img

Ông Nguyễn Viết Hải, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sơn Hải

"Dự án nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Trung ương, Bộ GTVT, địa phương. Đặc biệt, ngay trong dịp Tết cổ truyền 2023, Thủ tướng gác lại các công việc để thị sát công trường cao tốc (ngày mùng 5 Tết), truyền cảm hứng lao động hăng say, miệt mài, vượt mọi khó khăn của nhà thầu trên công trường trọng điểm.

Ngay trong chuyến công tác này, Thủ tướng lắng nghe kiến nghị của nhà đầu tư, ra các quyết sách cho nhà thầu đầu tư, đưa vào sử dụng các trang thiết bị hiện đại. Theo đó đã rút ngắn tối đa thời gian thi công, đem lại kỹ thuật, mỹ thuật cao cho dự án", ông Nguyễn Viết Hải chia sẻ.

Cụ thể, ông Hải cho biết, Tập đoàn Sơn Hải đã áp dụng công nghệ mới thi công dải phân cách mới đổ trực tiếp bằng máy cao 1,27m kết quả đạt được giúp tiết kiệm chi phí và an toàn hơn.

"Nhân buổi lễ này, Tập đoàn Sơn hải xin kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng thực hiện tương tự đối với dự án cao tốc Buôn Mê Thuột - Nha Trang phân đoạn tỉnh Khánh Hòa làm chủ đầu tư; theo thiết kế được duyệt dải phân cách cứng ở giữa đúc bằng thủ công có chiều cao 85cm kết hợp lưới chống chói phía trên, kính đề nghị cho thay đổi sang phương án đổ trực tiếp bằng máy cao 1,27m giống như dự án Nha Trang - Cam Lâm, mọi kinh phí phát sinh, nhà đầu tư sẽ tự chịu trách nhiệm", ông Hải bày tỏ.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ: 2 dự án giúp tạo không gian phát triển, tăng liên kết vùng, giảm tải cho quốc lộ 1

img

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ phát biểu tại Lễ khánh thành

Phát biểu tại Lễ khánh thành, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết: Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 gồm 11 dự án thành phần với tổng chiều dài 654 km.

Trong đó, có 8 dự án thành phần với chiều dài 477 km được đầu tư bằng hình thức đầu tư công và 03 dự án thành phần với chiều dài 177 km được đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP).

Đến thời điểm hiện nay, đã hoàn thành và đưa vào khai thác 6 dự án thành phần dài 425km. Trong đó, có 2 dự án khánh thành ngày hôm nay, gồm dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết dài 101 km khởi công năm 2020 được đầu tư công và Dự án Nha Trang - Cam Lâm dài 49 km khởi công năm 2021 đầu tư theo phương thức đối tác công - tư.

Dự án Nha Trang - Cam Lâm là một trong 3 dự án đầu tư theo phương thức đối tác công - tư được kêu gọi đầu tư trong bối cảnh chuyển tiếp áp dụng Luật PPP, nhiều nhà đầu tư và tổ chức tín dụng có tâm lý e ngại.

Với sự quyết tâm, kiên định, quyết liệt trong chỉ đạo cũng như sự tháo gỡ kịp thời về chính sách của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Dự án Nha Trang - Cam Lâm đã lựa chọn được nhà đầu tư, huy động được tín dụng của các ngân hàng.

img

Cao tốc Nha Trang - Cam Lâm

Điều đó có ý nghĩa quan trọng, là minh chứng về sự thành công chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước trong việc thu hút nguồn lực xã hội để đầu tư, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông.

Theo Thứ trưởng Lê Đình Thọ, trong quá trình triển khai thi công, bên cạnh những thuận lợi, nhiều thời điểm, 2 dự án đã đối mặt với rất nhiều khó khăn như: dịch bệnh Covid-19, địa hình, địa chất phức tạp; giá nhiên liệu, vật liệu có những thời điểm tăng cao đột biến; khan hiếm nguồn vật liệu; thời tiết khí hậu cực đoan…

Tuy nhiên, với sự vào cuộc tích cực, quyết tâm theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: “Đã nỗ lực rồi thì nỗ lực hơn nữa, cố gắng rồi thì cố gắng hơn nữa, quyết tâm rồi thì quyết tâm cao hơn nữa, xác định trọng tâm, trọng điểm để phân bổ nguồn lực thực hiện thắng lợi những mục tiêu đã đề ra”, Bộ GTVT đã tổ chức phát động các phong trào thi đua với mục đích vừa động viên, cổ vũ, vừa là “mệnh lệnh” để các chủ thể tham gia dự án nỗ lực phấn đấu, tổ chức triển khai 3 ca 4 kíp, thi công xuyên Lễ, xuyên Tết.

Đến ngày 19/5, đúng dịp kỷ niệm 133 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, 2 dự án đã được đưa vào khai thác phục vụ nhân dân. Đặc biệt, Dự án Nha Trang - Cam Lâm đã vượt tiến độ 3 tháng so với Hợp đồng.

img

Hầm Dốc Sạn trên cao tốc Nha Trang - Cam Lâm

“Việc hoàn thành 2 dự án Nha Trang - Cam Lâm, Vĩnh Hảo - Phan Thiết tiếp tục nâng tổng số km đường cao tốc trục Bắc - Nam lên thành 950 km. Tính từ đầu nhiệm kỳ đến nay, chỉ sau 3 năm, chúng ta đã hoàn thành, đưa vào khai thác 566 km đường bộ cao tốc, nâng tổng chiều dài đường bộ cao tốc đến thời điểm hiện nay là 1.729 km”, Thứ trưởng Lê Đình Thọ nhấn mạnh.

2 cao tốc khánh thành ngày hôm nay, sẽ góp phần kết nối các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận gần hơn, nhanh hơn với TP.HCM và các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; tạo điều kiện mở rộng không gian phát triển, mở rộng hoạt động kinh tế, liên kết vùng, đồng thời giảm tải cho quốc lộ 1, nâng cao năng lực vận tải và đảm bảo an toàn giao thông.

Thay mặt lãnh đạo Bộ GTVT, Thứ trưởng Lê Đình Thọ trân trọng cảm ơn sự hỗ trợ, đồng hành, phối hợp trách nhiệm, hiệu quả của các bộ, ngành Trung ương, các cấp ủy đảng, chính quyền của các tỉnh: Bình Thuận, Khánh Hòa.
Thứ trưởng đặc biệt cảm ơn bà con nhân dân khu vực bị ảnh hưởng của Dự án đã sẵn sàng di dời nhà cửa, ruộng vườn… để nhường đất thi công các Dự án.
Thứ trưởng cũng biểu dương các cơ quan thuộc Bộ GTVT, các Ban QLDA, các nhà thầu tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, các nhà thầu thi công, các công nhân, kỹ sư, cán bộ quản lý đã không quản ngày đêm trên công trường, vượt mọi khó khăn, nỗ lực triển khai, đưa 2 dự án về đích thành công.
Trong đó, Nhà đầu tư Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải đã thể hiện tinh thần trách nhiệm, quyết tâm rất cao trong quá trình tổ chức triển khai thi công để đưa dự án Nha Trang - Cam Lâm về đích trước 3 tháng so với tiến độ đề ra.

img

Cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết dài hơn 100km qua 4 huyện ở tỉnh Bình Thuận

"Những khó khăn mà chúng ta đã vượt qua sẽ là bài học kinh nghiệm hết sức quý báu. Thời gian tới, Bộ GTVT yêu cầu các Chủ đầu tư, các Ba QLDA, các nhà thầu, các đơn vị tư vấn cần tiếp tục phát huy và nỗ lực hơn nữa để triển khai các đoạn còn lại thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông và các Dự án cao tốc khác hiện đang được triển khai đồng loạt trên cả nước đảm bảo tiến độ, chất lượng, kỹ mỹ thuật, an toàn và hiệu quả", Thứ trưởng nói và yêu cầu các đơn vị tư vấn cần nghiêm túc rút kinh nghiệm để công tác khảo sát, thiết kế, lập dự toán đảm bảo chất lượng, chặt chẽ về thủ tục, hạn chế tối đa việc điều chỉnh thiết kế trong giai đoạn thi công, không làm tăng tổng mức đầu tư dự án; chống thất thoát, lãng phí, tiêu cực ngay từ khâu thiết kế và quản lý thi công.

Toàn ngành phấn đấu đến cuối năm 2025, sẽ cơ bản hoàn thành toàn bộ tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông từ Lạng Sơn đến Cà Mau; qua đó góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đảng, kế hoạch của Quốc hội và Chính phủ đã đề ra.

Để đảm bảo năng lực khai thác của 2 Dự án, phát huy hiệu quả đầu tư, các Ban QLDA đường Hồ Chí Minh, Ban QLDA 7, Nhà đầu tư - Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải, các đơn vị tư vấn, các đơn vị thi công có trách nhiệm tiếp tục hoàn thiện các công việc còn lại, đảm bảo tuyệt đối an toàn trong quá trình vận hành, khai thác.

Bộ GTVT cũng đề nghị các địa phương tiếp tục phối hợp trong quá trình tổ chức khai thác tuyến cao tốc được hiệu quả, an toàn.

Bắt đầu Lễ khánh thành 2 cao tốc qua Khánh Hòa, Bình Thuận

Tại đầu cầu Bình Thuận, dự lễ khánh thành có Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng; Trung tướng Nguyễn Trường Thắng - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân khu 7; Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận Dương Văn An; Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hoài Anh; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận Đoàn Anh Dũng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức.

Cùng tham dự buổi lễ, có các lãnh đạo Ủy viên Ban thường vụ tỉnh ủy, Lãnh đạo HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam, Đoàn Đại biểu Quốc hội, các sở ban ngành địa phương tỉnh Bình Thuận; đại diện lãnh đạo các cơ quan tham mưu của Bộ GTVT và các bộ ngành trung ương.

Lãnh đạo, cán bộ công nhân viên Ban quản lý dự án 7, các Đơn vị tư vấn, các nhà thầu thi công dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết cũng đến dự buổi Lễ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Lễ khánh thành tại điểm cầu Khánh Hoà

img

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ chào đón Thủ tướng tới dự Lễ khánh thành.

img

img

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái dự Lễ khánh thành 2 dự án cao tốc tại điểm cầu Bình Thuận

img

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng dự Lễ khánh thành

img

Tại đầu cầu Bình Thuận, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng đã đến dự Lễ khánh thành cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết từ rất sớm.

img

Người dân đội nắng đến dự Lễ khánh thành cao tốc Nha Trang - Cam Lâm

Tại Khánh Hoà, chiều 18/6, thời tiết nắng nóng. Cao tốc Nha Trang - Cam Lâm ánh lên màu đen nhánh của nhựa đường với những vệt trắng của chỉ làn đường, điểm xuyết những điểm vàng, xanh lá cây của biển báo giao thông. Hai bên đường, màu xanh mướt của những vườn xoài làm dịu đi cái nắng hè gay gắt.

img

Đoạn Km 30+800, thuộc địa phận xã Cam Hiệp Nam, huyện Cam Lâm được chọn làm nơi tổ chức sự kiện khánh thành. Cờ đỏ tung bay rợp hai bên đường.

img

Công tác trang trí khánh tiết khu vực tổ chức Lễ khánh thành rất trang trọng. An ninh tại khu vực tổ chức Lễ khánh thành được thắt chặt.

img

Từ đầu giờ chiều, nhiều người dân đã đến khu vực tổ chức Lễ khánh thành chờ chứng kiến khoảnh khắc có ý nghĩa quan trọng với sự phát triển của địa phương.

img

Mặc dù 15h mới khai mạc chương trình nhưng nhiều kỹ sư, công nhân Tập đoàn Sơn Hải cùng nhiều vị khách mời đã có mặt tại khu vực tổ chức.

Trong sự kiện này, có lẽ những người vui khôn tả là những người kỹ sư, công nhân của Tập đoàn Sơn Hải, bởi họ đã không quản khó khăn, ngày đêm, bất chấp thời tiết, trong suốt 3 năm nay để làm nên con đường này.
Kỹ sư Hà Quang Vĩ, Tập đoàn Sơn Hải phấn khởi cho biết, tôi chờ đợi giờ phút này đã rất lâu, bao nhiêu mồ hôi, công sức, tâm huyết của anh em tập đoàn nay đã đạt được thành quả. Đây cũng là động lực để anh em đơn vị chúng tôi tiếp tục cống hiến nhiều hơn nữa, đảm bảo “giao thông đi trước mở đường”.
img

Ông Lê Đình Việt (áo xanh)

Không quản trời nắng to, ông Lê Đình Việt (thôn Quảng Đức, xã Cam Hiệp Nam, huyện Cam Lâm) đã cùng đoàn đại biểu xã Cam Hiệp Nam tới khu vực tổ chức Lễ khánh thành từ rất sớm.

Trong bộ trang phục chỉnh tề, ông Việt chia sẻ niềm vui của mình trước sự kiện khánh thành đường cao tốc. “Gia đình tôi bị thu hồi gần 3.000m2 đất để làm cao tốc, tôi thấy bản thân mình đã đóng góp một phần vì lợi ích cho nhà nước cho nhân dân. Việc làm xong cao tốc sẽ giúp xã, huyện tôi phát triển kinh tế, giúp bà con đi lại thuận tiện tiết kiệm thời gian nhiều hơn”, ông Việt nói.

Giữa trưa nắng gắt chờ đợi giây phút khánh thành, ông Võ Lâm, xã Vĩnh Hảo hồ hởi chia sẻ: Cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết khánh thành, mở ra cơ hội phát triển kinh tế nông thôn mới, đời sống người dân sẽ khấm khá hơn.

Hạn chế phương tiện đi vào nút giao khu vực tổ chức Lễ khánh thành cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết

Để đảm bảo buổi Lễ khánh thành dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết diễn ra trong không khí trang nghiêm, lực lượng chức năng đã hướng dẫn ô tô không đi vào khu vực lễ khánh thành cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết.

img

Hình ảnh tại nút giao QL1, xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong (Bình Thuận)

Theo ghi nhận của PV, đúng 12h các lực lượng Cục CSGT (C08-Bộ Công an) phối hợp với CSGT Bình Thuận, Thanh tra giao thông đã ngăn các phương tiện đi vào nút giao Vĩnh Hảo (huyện Tuy Phong) và khu vực nút giao QL28B (nút giao Đại Ninh, huyện Bắc Bình). Tại đây nhiều tài xế đã quay đầu xe hướng ra QL1 để tiếp tục hành trình...

img

Lực lượng CSGT điều tiết giao thông, đảm bảo ATGT, an ninh trật tự ở khu vực tổ chức Lễ khánh thành

Tại huyện Vĩnh Hảo, tỉnh Phan Thiết, điểm đầu của tuyến cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết (hướng từ Bắc vào Nam), trời đang nắng nhưng không quá oi bức.

img

Các phương tiện đều chấp hành hiệu lệnh của CSGT

img

Tuyến cao tốc đoạn Nha Trang - Cam Lâm

Cao tốc Nha Trang - Cam Lâm là 1 trong 3 dự án thành phần thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 được đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP).

Dự án có chiều dài 49,1km. Điều đầu dự án tại Km5+783 trùng với điểm cuối dự án thành phần đoạn Vân Phong - Nha Trang, thuộc xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hoà.

Điểm cuối tại Km54+00 trùng với điểm đầu dự án thành phần đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo, thuộc xã Cam Thịnh Tây, TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hoà.

Giai đoạn phân kỳ, dự án được đầu tư với quy mô mặt cắt ngang 4 làn xe, bề rộng nền đường 17m, vận tốc thiết kế 80 km/h.

Giai đoạn hoàn chỉnh, dự án sẽ được đầu tư với quy mô đạt tiêu chuẩn đường cao tốc vận tốc thiết kế 120km/h.

Tổng vốn thực hiện dự án là hơn 5.500 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn nhà đầu tư khoảng hơn 2.500 tỷ đồng (gồm Vốn chủ sở hữu hơn 511 tỷ đồng; Vốn vay/vốn hợp pháp khác là hơn 2.000 tỷ đồng); Nguồn vốn nhà nước tham gia dự án khoảng gần 3.000 tỷ đồng

Nhà đầu tư dự án là Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải; Doanh nghiệp dự án là Công ty TNHH đầu tư đường cao tốc Nha Trang - Cam Lâm.

Dự án được khởi công tháng 9/2021, đến nay, tuyến chính đã cơ bản hoàn thành và được đưa vào khai thác tạm thời từ ngày 19/5/2023.

Cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết có chiều dài tuyến khoảng 100,8km.

Điểm đầu tại Km134+00, thuộc xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận kết nối với dự án thành phần đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo.

Điểm cuối tại Km235+00, thuộc xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận kết nối với dự án thành phần đoạn Phan Thiết - Dầu Giây.

Giai đoạn phân kỳ, dự án được đầu tư vơi quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17m, vận tốc thiết kế 80 km/h. Giai đoạn hoàn chỉnh, dự án sẽ được đầu tư với quy mô đạt vận tốc thiết kế 100 - 120 km/h.

Tổng mức đầu tư của dự án là hơn 10.800 tỷ đồng.

Dự án được khởi công tháng 9/2020, đến nay đã cơ bản hoàn thành tuyến chính và đã được Bộ GTVT đã đưa vào khai thác tạm thời từ ngày 19/5/2023.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.