Thủ tướng giục các bộ, ngành, địa phương "chạy nước rút" cuối năm
Sáng 1/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2022.
Cùng tham dự phiên họp tại điểm cầu trụ sở Chính phủ có Phó Thủ tướng Lê Minh Khái; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ... Lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tham dự phiên họp tại các điểm cầu địa phương.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ tháng 9 và Hội nghị trực tuyến với địa phương
Phát biểu kết luận cuộc họp sau khi nghe báo cáo của các bộ ngành, địa phương, Thủ tướng đặc biệt lưu ý quý IV/2022 có ý nghĩa quan trọng, là thời gian "nước rút" để "về đích". Vì vậy, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nỗ lực khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức; tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Đồng thời, bám sát tình hình thực tiễn, có giải pháp linh hoạt, phù hợp, sáng tạo, hiệu quả theo tinh thần chủ đề năm 2022 là "Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển".
Về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch COVID-19. Đẩy mạnh việc tiêm vaccine; bảo đảm đủ thuốc, trang thiết bị y tế; khắc phục bằng được tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế ở một số nơi như vừa qua; giải quyết khó khăn, vướng mắc cho các dự án xây dựng bệnh viện kéo dài.
Bảo đảm chất lượng, tiến độ các đề án, báo cáo trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Hội nghị Trung ương và kỳ họp Quốc hội.
Kiên trì, nhất quán, xuyên suốt, ưu tiên mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế theo Chỉ thị 15/CT-TTg.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, triển khai chương trình đầu tư công trung hạn, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia theo tinh thần Nghị quyết số 124/NQ-CP và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị gần đây.
Thủ tướng nhấn mạnh, vốn đầu tư công là nguồn lực rất lớn, việc giải ngân đầu tư công là một trong những chính sách tài khóa có rất nhiều ý nghĩa quan trọng, vừa tạo công ăn việc làm, tạo dư địa, không gian phát triển mới, tạo sản phẩm xã hội, đáp ứng yêu cầu của nhân dân, góp phần kiểm soát lạm phát, giảm áp lực lên điều hành chính sách tiền tệ…
Thúc đẩy cơ cấu lại, phát triển mạnh các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ. Theo dõi sát diễn biến thị trường, bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định giá cả, không để thiếu hàng, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý.
Thủ tướng phân tích thêm một số yếu tố tác động tới Việt Nam như cạnh tranh chiến lược, chính sách phòng, chống dịch, lạm phát tăng cao, giá nguyên liệu đầu vào tăng. Đồng USD tăng giá làm giảm giá đồng tiền nhiều nước, trong đó có đồng tiền của Việt Nam, tác động tích cực tới xuất khẩu nhưng tác động tiêu cực tới nhập khẩu.
Do đó, chúng ta phải đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng và giảm nhập khẩu, tăng tổng cung và tổng cầu trong nước; các bộ, ngành tham mưu, hướng dẫn, chỉ đạo, các địa phương cùng vào cuộc, động viên các doanh nghiệp trong nước tham gia, phối hợp với các doanh nghiệp FDI để cùng làm việc này.
Cùng với đó, đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược; tập trung hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải cách hành chính, lập quy hoạch; tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Thực hiện tốt các chính sách đầu tư, phát triển văn hóa ngang tầm kinh tế và chính trị, xác định văn hóa là một nguồn lực phát triển; đặc biệt quan tâm các chính sách xã hội, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, người yếu thế, người có công; chú trọng công tác bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu.
Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về phục hồi sau dịch, phấn đấu GDP 8% năm nay
Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết trong quý 3 tăng trưởng cao, đạt 13,67% so với cùng kỳ, tính chung 9 tháng tăng 8,83%, cao nhất từ năm 2011 đến nay, đưa Việt Nam có tốc độ tăng trưởng cao nhất của khu vực, tăng trưởng phục hồi trên cả 3 khu vực.
Việt Nam được đánh giá là xếp thứ 2 thế giới về phục hồi sau dịch theo xếp hạng tháng 8 của Nikkei, đứng thứ 7 thế giới về tỉ lệ tiêm liều nhắc lại, thứ 5 về số liều vắc xin trung bình mỗi người dân nhận được.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo tại phiên họp (ảnh: VGP/Nhật Bắc)
Đáng chú ý, trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 10,69%, chỉ thấp hơn tốc độ tăng của cùng kỳ ba năm gồm 2011, 2017, 2018. Bình quân 9 tháng năm nay, CPI tăng 2,73% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 1,88%.
Vốn FDI thực hiện tại Việt Nam ước đạt trên 15,4 tỉ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ, đạt mức cao nhất 9 tháng của các năm kể từ 2018. Cán cân thương mại hàng hóa 9 tháng năm 2022 ước tính xuất siêu 6,52 tỉ USD.
Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động 9 tháng đạt 163.300 doanh nghiệp, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế là 3,9 triệu tỉ đồng, tăng 36%.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng. nền kinh tế mặc dù đã phục hồi mạnh mẽ, nhưng tăng trưởng 9 tháng bình quân 3 năm 2020 - 2022 chỉ đạt 5,41%, chưa bù đắp để đạt được mức tăng trưởng tương đương cùng kỳ các năm trước dịch 2016 - 2019 (6,88%).
Hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Dịch Covid-19 còn tiềm ẩn khả năng diễn biến phức tạp. Nguy cơ suy thoái tại nhiều nước ngày càng trở nên rõ ràng hơn; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, lượng khách du lịch… có khả năng bị thu hẹp hơn, gia tăng thách thức lên tăng trưởng xuất khẩu, du lịch trong nước. Các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản còn tiềm ẩn rủi ro...
Do đó, các cấp, các ngành cần nỗ lực hơn nữa để nắm bắt cơ hội phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng bình quân 5 năm 2021 - 2025 (6,5 - 7%/năm).
Trên cơ sở kết quả 9 tháng đầu năm 2022, dự báo tình hình quý 4, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị phấn đấu đạt GDP cả năm khoảng 8%, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế năm 2023.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng đề cập tình hình hoàn lưu bão số 4 đã gây mưa lũ lớn, ngập lụt cục bộ, sạt lở đất tại một số địa phương khu vực miền Trung và Tây Nguyên trong những ngày qua, làm 7 người chết tại Nghệ An, nhiều tài sản của người dân và Nhà nước bị thiệt hại.
Thủ tướng gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc đến các gia đình có người bị nạn, chia sẻ với những khó khăn, mất mát, vất vả của cấp ủy, chính quyền địa phương và các hộ dân bị ảnh hưởng do đợt bão, lũ vừa qua.
Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương, cơ quan tổ chức thực hiện thật nghiêm túc Công điện số 875/CĐ-TTg ngày 30/9/2022 yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung khắc phục hậu quả bão số 4 và chủ động ứng phó thiên tai trong thời gian tới.
Thủ tướng một lần nữa nhấn mạnh tinh thần tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trước bão lũ, thiên tai, các cơ quan phải bám sát tình hình, vận động, hướng dẫn người dân, có những việc phải cương quyết thì mới tránh được các sự cố, hạn chế tối đa thiệt hại, nhất là thiệt hại về người.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận