Xã hội

Thủ tướng chỉ đạo xử lý nghiêm tình trạng "làm luật" tại cửa khẩu

29/09/2022, 20:03

Thủ tướng yêu cầu kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm trường hợp công chức hải quan có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực khi làm thủ tục thông quan.

Không để xảy ra tình trạng ùn tắc, "làm luật" ở cửa khẩu

Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh vừa ký Công điện số 871/CĐ-TTg về việc chấn chỉnh, xử lý các hành vi tiêu cực liên quan hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới đất liền.

img

Thủ tướng yêu cầu kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp công chức hải quan có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực khi làm thủ tục thông quan hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu

Công điện nêu rõ, thời gian gần đây, tình trạng một số đối tượng môi giới trung gian làm thủ tục hành chính để các doanh nghiệp, chủ hàng được nhanh chóng thông quan hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu diễn ra ở hầu hết các địa phương có cửa khẩu biên giới đất liền.

Do tình hình dịch bệnh COVID-19 tại khu vực và trong nước tiếp tục có những diễn biến phức tạp mới, các phương tiện vận chuyển hàng hóa xuất khẩu chờ làm thủ tục thông quan ùn ứ với số lượng rất lớn (trọng điểm là cửa khẩu Tân Thanh, tỉnh Lạng Sơn và một số cửa khẩu biên giới đất liền các tỉnh phía Bắc, số phương tiện ùn ứ có ngày lên đến 5.000 lượt xe container), gây mất an ninh, trật tự, ảnh hưởng đến đời sống kinh tế, xã hội và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Trước tình hình trên, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng các Bộ: Công an, Quốc phòng, Tài chính, Công thương, Ngoại giao, GTVT, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi, lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý theo dõi sát diễn biến tình hình, kịp thời có giải pháp điều tiết hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu tại các cửa khẩu, không để xảy ra tình trạng ùn tắc, "làm luật" đối với các doanh nghiệp, chủ phương tiện vận chuyển hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Xử lý nghiêm các sai phạm

Thủ tướng chỉ đạo các bộ ngành, địa phương kịp thời phát hiện xử lý những vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này.

Theo đó, cần tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các tuyến biên giới, vùng biển và địa bàn nội địa. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực trong quá trình thực thi công vụ.

Bộ Tài chính chỉ đạo lực lượng Hải quan rà soát, đánh giá việc thực hiện quy trình, thủ tục thông quan hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại các cửa khẩu biên giới đất liền; đẩy mạnh chuyển đổi số, hiện đại hóa quản lý hải quan. Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp công chức hải quan có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực khi làm thủ tục thông quan hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;

Tích cực phối hợp chặt chẽ các ngành, lực lượng chức năng rà soát, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật liên quan hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa. Trao đổi, thống nhất với cơ quan Hải quan Trung Quốc có giải pháp đẩy nhanh tiến độ thông quan hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giữa hai bên.

Kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và Trung Quốc thống nhất quy định thêm các cặp cửa khẩu, lối mở tại một số địa điểm phù hợp để tăng cường năng lực thông quan hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, nhất là đối với một số hàng hóa là sản phẩm nông sản mang tính thời vụ.

Bộ Quốc phòng chỉ đạo lực lượng Bộ đội biên phòng tổ chức tuần tra, kiểm soát, bảo đảm an ninh, trật tự tại các cửa khẩu biên giới đất liền; phối hợp kịp thời phát hiện, xử lý các tổ chức, cá nhân lợi dụng tình trạng ùn tắc các phương tiện xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa để móc nối, cấu kết, thực hiện hành vi "làm luật" khi thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu.

Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị chức năng chủ động nắm tình hình, làm tốt công tác nghiệp vụ cơ bản, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi "làm luật".

Vận động nhân dân, doanh nghiệp tố giác hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, "làm luật"

Thủ tướng giao các Bộ: Công thương, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, GTVT phối hợp, chỉ đạo điều hành, cân đối cung cầu các sản phẩm hàng hóa trong nước xuất khẩu, sản phẩm hàng hóa nước ngoài nhập khẩu với năng lực thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới đất liền của lực lượng Hải quan Việt Nam và Hải quan các nước tiếp giáp.

Phối hợp các ngành, lực lượng chức năng (Công an, Bộ đội biên phòng, Hải quan) và UBND các tỉnh, thành phố có giải pháp điều tiết, khắc phục tình trạng ùn tắc phương tiện vận chuyển hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại các bãi, địa điểm tập kết trong và ngoài khu vực cửa khẩu biên giới đất liền; rà soát, nghiên cứu, tham mưu sửa đổi, bổ sung các chính sách về xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, đáp ứng yêu cầu và tình hình thực tiễn tại các cửa khẩu biên giới đất liền.

Bộ Ngoại giao trao đổi với cơ quan ngoại giao các nước có chung đường biên giới với Việt Nam, đề nghị tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu qua cửa khẩu biên giới đất liền.

Chủ tịch UBND các tỉnh có cửa khẩu biên giới đất liền chỉ đạo các đơn vị, lực lượng chức năng và chính quyền địa phương chủ động nắm chắc và dự báo tình hình, tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi "làm luật" tại các cửa khẩu.

Niêm yết, thông báo công khai số điện thoại đường dây nóng, thư điện tử của Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả địa phương, các lực lượng chức năng làm việc ở khu vực cửa khẩu; vận động nhân dân, doanh nghiệp cung cấp thông tin, phản ánh, tố giác các đơn vị, cá nhân có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, "làm luật" trong khi làm thủ tục thông quan hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Đầu năm 2022, từ các thông tin phản ánh của nhiều lái xe đường dài đang chờ xuất khẩu nông sản tại biên giới Lạng Sơn, nhóm PV Báo Giao thông đã vào cuộc điều tra, làm rõ việc tại các cửa khẩu từ lâu đã tồn tại nhiều loại “luật ngầm” bất thành văn. Muốn xuất khẩu nông sản sang biên giới, tài xế, chủ hàng phải chấp nhận chung chi khoản tiền lớn cho “nhà luật” (một dạng cò môi giới thủ tục).

Loạt bài phản ánh của Báo Giao thông về tình trạng “luật ngầm”, mua bán “lốt” xe xuất khẩu tại biên giới Lạng Sơn đã được dư luận đánh giá cao. Sau đó, Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương đã chỉ đạo lực lượng chức năng vào cuộc kiểm tra, xử lý triệt để; một số cán bộ liên quan đã bị khởi tố, bắt giam để điều tra về hành vi tiêu cực.

Tuy nhiên, đến khoảng đầu tháng 7/2022, Báo Giao thông tiếp tục nhận được phản ánh của nhiều tài xế, chủ xe về việc tái diễn tình trạng “luật ngầm”.

Sau khi Báo phản ánh, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, giao các Bộ ngành liên quan và UBND tỉnh Lạng Sơn khẩn trương kiểm tra các thông tin để có biện pháp xử lý kịp thời, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.