Hợp tác giao thông, nghiên cứu cơ chế thanh toán bằng đồng nội tệ
Chiều 25/12, Hội nghị Cấp cao hợp tác Mekong - Lan Thương (MLC) lần thứ tư với chủ đề "Chung tay xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai và hiện đại hóa giữa các nước Mekong - Lan Thương" đã được tổ chức theo hình thức trực tuyến.
Tham dự Hội nghị có Thủ tướng, Trưởng đoàn các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam.
Trong hội nghị, các nhà lãnh đạo hoan nghênh hợp tác nguồn nước, môi trường có nhiều bước tiến, đặc biệt trong chia sẻ thông tin số liệu thủy văn cả năm của sông Mekong - Lan Thương.
Các nhà lãnh đạo đánh giá cao việc hơn 300 dự án hỗ trợ kỹ thuật đã được triển khai với sự hỗ trợ tài chính của Quỹ đặc biệt Mekong - Lan Thương, mang lại những kết quả thiết thực cho người dân.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Chính phủ Việt Nam luôn coi trọng và sẽ tiếp tục cùng Trung Quốc và các nước Mekong thúc đẩy hợp tác Mekong - Lan Thương ngày càng phát triển mạnh mẽ, hiệu quả và bền vững.
Để sáu nước Mekong - Lan Thương vươn lên mạnh mẽ, toàn diện trước những chuyển đổi nhanh chóng và sâu sắc của kinh tế thế giới, Thủ tướng đã đề xuất ba nội dung ưu tiên trong giai đoạn tới.
Trong đó, đáng chú ý là nội dung xây dựng khu vực Mekong - Lan Thương hiện đại và phát triển.
Theo người đứng đầu chính phủ Việt Nam, hợp tác Mekong - Lan Thương cần đưa đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ trở thành trọng tâm hợp tác.
Trong đó, tập trung hỗ trợ các ngành công nghiệp nền tảng, từng bước chuyển đổi từ gia công, lắp ráp sang nghiên cứu, thiết kế và sản xuất, ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất công nghiệp và nông nghiệp.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh chuyển đổi số thông qua hợp tác về hạ tầng số, nhân lực số, an ninh số và kinh tế số.
Về hợp tác về giao thông, Thủ tướng lưu ý về kết nối đường sắt cao tốc và nghiên cứu cơ chế thanh toán bằng đồng nội tệ.
"Khuyến khích sự tham gia của các đối tác phát triển và cộng đồng doanh nghiệp trên tinh thần lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Nội dung thứ hai là xây dựng khu vực Mekong - Lan Thương xanh, bền vững và bao trùm và cuối cùng là xây dựng khu vực Mekong-Lan Thương hoà bình và hợp tác.
Sáu nước cần không ngừng củng cố sự tin cậy, chân thành, đoàn kết đồng lòng, thúc đẩy lợi ích chung và đề cao chủ nghĩa đa phương.
Các đánh giá và đề xuất của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính được hội nghị đánh giá cao và đưa vào các văn kiện của Hội nghị.
Nhất trí mở rộng nghiên cứu sang các lĩnh vực mới
Về định hướng hợp tác trong thời gian tới, các nhà lãnh đạo nhấn mạnh phương châm ưu tiên phát triển, lấy người dân làm trung tâm, hài hoà giữa con người và thiên nhiên, lấy đổi mới sáng tạo làm động lực cho phát triển.
Ngoài đẩy mạnh các chương trình, kế hoạch hợp tác hiện có, các nhà lãnh đạo nhất trí nghiên cứu mở rộng sang các lĩnh vực mới, thúc đẩy hợp tác theo hướng chất lượng cao, hiện đại hóa.
Hội nghị thống nhất đẩy mạnh hợp tác cùng xây dựng Vành đai phát triển kinh tế Mekong - Lan Thương; nghiên cứu khả năng thiết lập cơ chế họp, phối hợp chính sách, triển khai dự án để thúc đẩy Hành lang Đổi mới sáng tạo Mekong - Lan Thương nhằm nắm bắt cơ hội phát triển từ tiến bộ khoa học công nghệ.
Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo nhấn mạnh ưu tiên hợp tác quản lý và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là nguồn nước sông Mekong thông qua hợp tác về chia sẻ thông tin số liệu thủy văn, giảm thiểu rủi ro thiên tai, nâng cao năng lực quản lý tài nguyên nước.
Kết thúc Hội nghị, các nhà lãnh đạo đã thông qua Tuyên bố Nay Pyi Taw, Kế hoạch hành động hợp tác Mekong - Lan Thương giai đoạn 2023-2027 và Sáng kiến Hành lang đổi mới sáng tạo Mekong - Lan Thương.
Hợp tác Mekong - Lan Thương là cơ chế hợp tác giữa 6 quốc gia ven sông Mekong (Trung Quốc gọi là sông Lan Thương) gồm Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam cùng hợp tác vì hòa bình, ổn định và phát triển bền vững của tiểu vùng Mekong và khu vực.
Đây là lần đầu tiên 6 nước ven sông Mekong đạt được nhất trí về ưu tiên hợp tác quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong - dòng sông có tổng chiều dài 4.350 km, chảy qua 6 nước gồm Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận