Tại sự kiện diễn ra theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn thông tin,ngoại giao kinh tế đã có những bước phát triển mới, thu hút nhiều nguồn lực từ FDI, ODA, khoa học công nghệ.
Việt Nam đã lọt vào nhóm 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới và 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài.
"Nhờ đó, trong bối cảnh thế giới nhiều bất ổn, cộng đồng quốc tế coi Việt Nam là điểm sáng để đầu tư, làm ăn kinh doanh", Bộ trưởng Ngoại giao nhấn mạnh.
Nhìn rộng hơn trong ba năm qua, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đánh giá tại Phiên toàn thể khai mạc HNNG 32, công tác đối ngoại "đã đạt nhiều kết quả, thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử, trở thành một điểm sáng đầy ấn tượng trong toàn bộ những kết quả, thành tựu chung của đất nước trong những năm qua".
Bộ trưởng chia sẻ thành tựu ngoại giao kinh tế là kết tinh trí tuệ, nỗ lực của các ngành, các địa phương và doanh nghiệp cũng như của cả hệ thống chính trị và nền kinh tế, trong đó có đóng góp của ngành ngoại giao.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương và đánh giá cao các nỗ lực và thành công của Ngành ngoại giao và các lực lượng đối ngoại trong thời gian qua với 6 thành tựu nổi bật.
Đáng chú ý là nắm bắt sát diễn biến tình hình và tham vấn hiệu quả trong xây dựng chính sách ngoại giao kinh tế. Bên cạnh đó, ngành ngoại giao cũng triển khai hiệu quả công tác ngoại giao nhân dân, thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, người dân với người dân, đặc biệt là địa phương với địa phương.
Phân tích thêm, Thủ tướng cho biết, Việt Nam hiện nay đã mở visa điện tử cho tất cả các quốc gia, vùng lãnh thổ nhằm thúc đẩy giao lưu nhân dân.
Riêng về giao lưu giữa các địa phương, Thủ tướng đã lấy ví dụ về sự hợp tác giữa các tỉnh, thành Việt Nam và Nhật Bản. Theo người đứng đầu Chính phủ, chỉ trong năm 2023 kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao 2 nước đã tổ chức hơn 500 sự kiện.
Nhấn mạnh yêu cầu công tác ngoại giao kinh tế phải bám sát yêu cầu trong nước, lấy thực tiễn làm thước đo, Thủ tướng chỉ đạo cần đẩy mạnh xây dựng đội ngũ cán bộ ngoại giao nhạy bén về chính trị, nhạy cảm về kinh tế, tinh thông về ngoại giao, hiểu biết về luật pháp, có tâm và có tầm.
Thủ tướng đánh giá trong thời gian tới, tình hình thế giới sẽ tiếp tục khó khăn, nguy nhiều hơn cơ đòi hỏi Bộ Ngoại giao phải nỗ lực hơn, nâng cao tính chủ động trong triển khai công tác Ngoại giao kinh tế.
Trong 6 nhiệm vụ chính đề ra với ngành Ngoại giao và các cơ quan liên quan trong triển khai công tác ngoại giao kinh tế, Thủ tướng chỉ đạo cần triển khai công tác có trọng tâm, trọng điểm, bám sát xu thế chung của thế giới kết hợp với tập trung tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức.
Ngoài ra, Thủ tướng nhấn mạnh cần đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng, tập trung khai thác tiềm năng của các thị trường Trung Đông, Châu Phi, Nam Mỹ và thị trường Halal.
Bên cạnh phát huy tính tự lực, tự cường, chủ động sáng tạo, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu phải tăng cường phối hợp, liên kết với các ngành, địa phương theo tinh thần "lấy doanh nghiệp, địa phương làm trung tâm phục vụ".
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận