Chiều 5/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương và địa phương đã đến dự lễ khánh thành công trình thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé (nối huyện Châu Thành và huyện An Biên thuộc tỉnh Kiên Giang).
Thủ tướng Phạm Minh Chính, nguyên Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghi thức khánh thành công trình thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé
Đây là công trình thủy lợi “siêu khủng”, với tổng vốn đầu tư hơn 3.300 tỷ đồng, do Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 10 (Bộ NN&PTNT) làm chủ đầu tư Hợp phần xây dựng, gồm: cống Cái Lớn, Cái Bé, Xẻo Rô... để nối cống Cái Lớn, cống Cái Bé với QL61.
UBND huyện Châu Thành và An Biên, tỉnh Kiên Giang phụ trách phần đền bù, GPMB.
Riêng Sở NN&PTNT Kiên Giang làm chủ đầu tư Hợp phần mô hình sinh kế, các hoạt động phi công trình và 8 cống dọc tuyến An Minh - An Biên.
Ngoài ra, Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang làm chủ đầu tư Hợp phần mô hình sinh kế, các hoạt động phi công trình trên địa bàn tỉnh này.
Công trình thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé.
Nhiệm vụ của "siêu cống" Cái Lớn và Cái Bé là kiểm soát nguồn nước (mặn, ngọt, lợ) tạo điều kiện sản xuất ổn định, bền vững đối với các mô hình sản xuất theo hệ sinh thái (ngọt, mặn - lợ, ngọt - lợ luân phiên).
Ngoài ra, công trình này còn kết hợp với tuyến đê biển Tây tạo thành cụm công trình phòng, chống thiên tai và nước biển dâng do bão; giảm ngập lụt, úng do lún, sụt đất; giảm thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn vào mùa khô cho các mô hình sản xuất trong vùng.
Công trình thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé sẽ bao phủ một vùng rộng lớn trên 380.000 ha đất sản xuất nông nghiệp của các tỉnh Hậu Giang, Kiên Giang, Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu, TP Cần Thơ.
Dù nằm trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, nhưng dự án thủy lợi này khi đi vào vận hành sẽ bao phủ một vùng rộng lớn trên 380.000 ha đất sản xuất nông nghiệp của các tỉnh Hậu Giang, Kiên Giang, Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu, TP Cần Thơ.
Nhờ việc kiểm soát tốt nguồn nước, chủ đầu tư tin rằng nông dân trong vùng dự án sẽ được tiếp cận với điều kiện sản xuất mới.
Trong đó, hợp phần mô hình sinh kế và các hoạt động phi công trình trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang sẽ đào tạo, nâng cao trình độ người dân vùng dự án trong việc tiếp cận khoa học công nghệ kỹ thuật mới ứng dụng cho các mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đồng thời thí điểm trình diễn mô hình sinh kế để người dân áp dụng và nhân rộng mô hình sinh kế cho người dân tại các huyện An Biên, Châu Thành, Giồng Riềng, U Minh Thượng - tỉnh Kiên Giang.
Đặc biệt là xây dựng mô hình lúa - thủy sản (lúa hữu cơ và tôm sú; lúa hữu cơ và tôm càng xanh) - mãng cầu - cây màu tại xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ; xây dựng mô hình khóm - thủy sản (khóm và cá thác lác, khóm và cá nước lợ, nước ngọt) tại xã Hỏa Tiên, TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang…
Dự án được khởi công vào tháng 10/2019, hoàn thành tháng vào 11/2021. Sau đó, Bộ NN&PTNT đã ban hành quy trình vận hành tạm thời hệ thống công trình thủy cho đến ngày khánh thành.
Theo đánh giá của Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 10, đây là một dự án lớn, kỹ thuật đặc biệt phức tạp, vùng hưởng lợi và tác động rộng lớn, nhưng toàn bộ công tác từ thiết kế, thi công, quản lý đều do người Việt Nam thực hiện.
Quá trình thực hiện có biến động lớn về giá vật tư nhưng tổng mức đầu tư không tăng, đặc biệt đã tối ưu thiết kế và tiết kiệm qua đấu thầu được trên 400 tỷ đồng để đầu tư xây dựng cống Xẻo Rô và 8 cống trên tuyến đê An Minh - An Biên.
Đặc biệt, dự án phải thi công trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, cộng với những ảnh hưởng của đợt hạn mặn lịch sử năm 2019-2020, đã gây ra rất nhiều khó khăn.
Thông thường với dự án này cần khoảng 4 năm để thực hiện. Nhưng thực tế toàn bộ quá trình thực hiện chỉ mất hơn 2 năm nhờ vào sự nỗ lực của các đơn vị tham gia; sự đồng thuận cao của người dân (gần 300 hộ dân đã chấp nhận bàn giao sớm mặt bằng và hơn 100 hộ hiến đất).
Công trình hoàn thành đã tạo sự thay đổi tư duy và nhận thức trong công tác thủy lợi, chuyển từ tư duy “ngăn mặn” - xem mặn là kẻ thù, sang “kiểm soát nguồn nước”, để thích ứng “thuận thiên”.
Đặc biệt, lần đầu tiên, người Việt Nam có thể thiết kế, thi công, quản lý các công trình thuỷ lợi lớn, kỹ thuật phức tạp hàng đầu thế giới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi lễ.
Đến nay, quá trình vận hành tạm thời của dự án từ ngày 5/2/2021 (vượt tiến độ sớm hơn 1 mùa khô) đã giúp kiểm soát mặn, ngọt cho khoảng 20.000 ha đất sản xuất nông nghiệp.
Nhờ vậy, không phải đắp trên 100 đập tạm ngăn mặn đầu các kênh cấp nước; không ảnh hưởng đến giao thông thủy, giúp vận chuyển hàng hóa thuận lợi; giảm ô nhiễm môi trường, tiết kiệm hàng chục tỷ đồng đắp đập…
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã biểu dương những tập thể, cá nhân, những đơn vị có liên quan đã nỗ lực, vượt qua khó khăn để công trình hoàn thành sớm tiến độ.
Thủ tướng gọi đây là “công trình của ý Đảng lòng dân, là ý chí sức mạnh và trí tuệ của người Việt Nam”. Qua dự án đã cho thấy sự chuyển đổi mạnh mẽ trong tư duy nông nghiệp, từ “chống đỡ” chuyển sang “chủ động kiểm soát”.
Thủ tướng nhấn mạnh, ĐBSCL là vùng có tiềm năng phát triển vô cùng lớn, với những giá trị đóng góp rất cao trong nông nghiệp. Tuy nhiên, thách thức đặt ra cho vùng cũng không hề nhỏ, với sự ảnh hưởng nặng nề từ biến đổi khí hậu, nước biển dâng, sạt lở và sụt lún…
Các đại biểu ấn nút trên màn hình khánh thành dự án thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé
Chính phủ qua các thời kỳ đều có trăn trở và dành sự quan tâm đặc biệt, để làm sao phát triển vùng ĐBSCL. Điều đó biểu hiện qua Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển vùng ĐBSCL thuận thiên, thích ứng.
Đặc biệt, vừa qua đã có quy hoạch vùng ĐBSCL, đây là lần đầu tiên ở Việt Nam có một quy hoạch vùng…
Hiện Chính phủ đang quyết liệt tháo gỡ những nút thắt cho vùng ĐBSCL phát triển. Đặc biệt là nút thắt về hạ tầng. Nhiều công trình cao tốc nối dài từ TP.HCM về đến đất mũi Cà Mau đang được triển khai; dự án xây dựng cảng nước sâu Trần Đề cũng đang xúc tiến…
Bên cạnh đó là tháo gỡ nút thắt về hạ tầng giáo dục, y tế; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực… Trong đó, đặc biệt chú ý đến vấn đề liên kết vùng, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư tuy phát triển kinh tế nông nghiệp.
Đối với dự án thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé, Thủ tướng đề nghị Bộ NN&PTNT cùng các đơn vị có liên quan phải khai thác có hiệu quả. Quy trình vận hành phải đảm bảo quy định, không để xảy ra tiêu cực; cái gì chưa có thì nghiên cứu đầu tư thông qua việc đánh giá hiệu quả hoạt dộng của dự án.
Trên cơ sở khai thác hiệu quả công trình, để phát triển thêm nhiều ngành kinh tế phụ trợ, như du lịch, tạo sinh kế, công ăn việc làm, chăm lo cho người dân, đặc biệt là các hộ dân đã hiến đất cho dự án. Phải làm sao giúp bà con có cuộc sống tốt hơn chỗ cũ.
Thủ tướng chỉ đạo Bộ NN&PTNT tiếp tục triển khai giai đoạn 2 của dự án, sớm có báo cáo để bắt tay vào việc ngay, không để bị đứt đoạn.
Thủ tướng tin tưởng, dự án thủy lợi này, cùng với nhiều dự án khác đang triển khai; cộng với sự chung tay của tất cả, sẽ đưa vùng ĐBSCL phát triển bền vững, thịnh vượng…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận