Các đại sứ Việt Nam tại nước ngoài đã hiến kế để Việt Nam khai thác những cơ hội này trong phiên họp toàn thể về Ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước sáng 21/12.
Xác định rõ ưu tiên và chủ động lộ trình
Với kinh nghiệm ngoại giao và sự thấu hiểu địa bàn của Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ, ông Nguyễn Quốc Dũng đánh giá triển vọng kinh tế thế giới không mấy khả quan, dự báo chỉ phục hồi nhẹ vào năm 2024. Tuy nhiên, kinh tế thế giới đang chứng kiến những xu hướng phát triển mới mà tất cả các quốc gia, địa phương, doanh nghiệp trên toàn cầu đang phải thích ứng mạnh mẽ.
Đơn cử như thực tế tại Hoa Kỳ, Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng chỉ ra ba xu hướng nổi trội mà chính phủ và doanh nghiệp nước này đang hết sức quan tâm, như toàn cầu hoá, liên kết kinh tế thế giới đang thay đổi theo hướng tăng tính linh hoạt trong hợp tác thương mại, theo nhóm, theo khối, bảo hộ thương mại nhiều hơn.
Theo đó, doanh nghiệp Hoa Kỳ đang tiếp tục dịch chuyển chuỗi cung ứng, sản xuất tới các quốc gia thân thiện, nội khối, tăng khả năng tự lực, tự cường trong nước để tăng khả năng ứng phó.
Bên cạnh đó, họ cũng quan tâm đầu tư và các lĩnh vực mới nổi như năng lượng tái tạo, chất bán dẫn, năng lượng xanh…
Cuối cùng là, kinh tế số, chuyển đổi số sẽ trở thành công cụ hỗ trợ, nâng cao năng lực chống chịu, hạn chế đứt gãy chuỗi cung ứng, tăng hiệu suất chất lượng hiệu quả.
"Những xu hướng mới đòi hỏi các quốc gia, khu vực không thể đứng yên, đứng riêng lẻ mà cần sự hợp tác, chia sẻ lợi ích, rủi ro ngày càng cao", Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ chỉ rõ.
Về xu hướng đầu tư của doanh nghiệp Hoa Kỳ, Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng thông tin, doanh nghiệp nước này thường ưu tiên cao sự ổn định, theo dõi sát và nhạy bén về chính trị.
Hiện tại nhiều doanh nghiệp Hoa Kỳ quan tâm vào các lĩnh vực mới nổi như năng lượng tái tạo, chất bán dẫn, năng lượng xanh…
Đáng chú ý, các doanh nghiệp Hoa Kỳ thường có xu hướng hợp tác, đi cùng nhau để cùng tạo một quần thể hệ sinh thái hoàn chỉnh, thuận lợi về cơ sở hạ tầng, logistics, nguồn nhân lực, năng lượng, phong phú, ổn định…
Trên cơ sở đó, Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ kiến nghị Việt Nam cần có cơ chế phối hợp liên ngành dưới sự chủ trì của một Phó Thủ tướng Chính phủ, từ các cơ quan đầu mối tổng hợp, rà soát, đôn đốc việc thực hiện các nội dung đã thoả thuận.
Bên cạnh đó, cần sự chủ động của các bộ ngành, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp trong việc nghiên cứu kỹ các văn kiện, đề xuất, rà soát các nội dung, kinh phí lộ trình hợp tác cụ thể.
Tiến hành các công việc chuẩn bị sẵn sàng về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực; chủ động liên hệ, tìm kiếm các đối tác, doanh nghiệp Hoa Kỳ.
Ông cho rằng, ngay trong quý I/2024, các cơ quan đầu mối nên gặp gỡ, tiến hành họp với phía Hoa Kỳ để xác định rõ các ưu tiên và lộ trình thực hiện.
Về phía Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ, cơ quan này tiếp tục làm tốt vai trò cầu nối, tư vấn, phối hợp với các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức trong nước để tìm kiếm, thương lượng với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tương ứng ở Hoa Kỳ, vận động sự ủng hộ của Quốc hội, chính quyền Hoa Kỳ để có kinh phí cho các hoạt động hợp tác giữa hai nước.
Một lĩnh vực mang lại lợi ích kép
Ở thị trường lớn Liên minh châu Âu, Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Bỉ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên minh châu Âu (EU) Nguyễn Văn Thảo nhấn mạnh, EU là đối tác quan trọng của Việt Nam nhưng kết quả đạt được vẫn còn xa với tiềm năng.
Năm 2022, kim ngạch thương mại Việt Nam - EU đạt 52 tỷ USD, chỉ chiếm 1,7% tổng nhu cầu nhập khẩu của EU. Đầu tư của EU vào Việt Nam chỉ 27 tỷ USD, thua xa một số nước.
Bên cạnh đó, thời gian gần đây, EU đã ban hành một loạt các chính sách mới, như chính sách về carbon, chính sách về trách nhiệm giải trình...
Những chính sách này sẽ có tác động mạnh mẽ đến xuất khẩu của Việt Nam nếu chúng ta không đáp ứng yêu cầu, nhất là các ngành lớn như dệt may, da giày…
Do đó, Đại sứ Nguyễn Văn Thảo kiến nghị đưa hợp tác bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu thành lĩnh vực hợp tác trọng điểm giữa hai bên trong thời gian tới và nhấn mạnh đây là "đúng lĩnh vực, đúng đối tác và đúng thời điểm".
Đúng lĩnh vực vì hợp tác trong lĩnh vực này sẽ tác động mạnh mẽ đến thương mại và đầu tư giữa Việt Nam với EU và khu vực, không chỉ giúp Việt Nam tăng khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, hướng tới phát triển bền vững mà còn giúp tác động đến hợp tác với các đối tác khác.
Hơn nữa, hợp tác về môi trường và biến đổi khí hậu hiện là xu thế của thế giới, không thể cưỡng lại. Nếu Việt Nam đi trước sẽ có cơ hội thu hút nguồn lực, đồng thời tạo lợi thế cạnh tranh.
Còn đúng đối tác vì đây là các lĩnh vực EU có thế mạnh và có nhu cầu hợp tác, đồng thời sẵn sàng hợp tác với Việt Nam.
Đúng thời điểm là bởi lúc này EU muốn đa dạng hợp tác trong khi Việt Nam được coi là đối tác quan trọng của EU trong khu vực. Đồng thời, lãnh đạo EU đánh giá cao cam kết của Việt Nam về chống biến đổi khí hậu và giảm phát thải carbon.
Do đó, để giữ đà quan hệ, đại sứ kiến nghị cần đưa hợp tác về môi trường và biến đổi khí hậu trở thành ưu tiên trong hợp tác giữa Việt Nam và EU từ nay đến năm 2030 – ông Thảo nói.
Cách khai thác thị trường lớn ngang EU nhưng nằm cạnh Việt Nam
Chia sẻ về thị trường tỷ dân Trung Quốc, ông Phạm Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Đông Bắc Á, Bộ Ngoại giao cho rằng, việc tăng cường quan hệ hợp tác thực chất, nhất là về kinh tế thương mại với Trung Quốc là cơ hội lớn với chúng ta.
Bởi lúc này Trung Quốc tiếp tục thúc đẩy mở cửa thị trường với Việt Nam trong khi đó, thị trường tỷ dân có 400 triệu người bước vào tầng lớp trung lưu, có quy mô tương đương thị trường EU nhưng lại nằm ngay cạnh Việt Nam.
Tuy nhiên, ông Bình chỉ rõ, Trung Quốc gần đây đã nâng cao tiêu chuẩn về một số mặt hàng nhập khẩu. Nếu không đáp ứng được yêu cầu, thì đây sẽ là rào cản đối với doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.
Ngoài ra, Trung Quốc có những xu thế mới như thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới. Nếu không bắt kịp trào lưu, xu hướng, sẽ tạo sức ép lớn.
Từ đó, Vụ trưởng Vụ Đông Bắc Á cho rằng, để khai thác cơ hội vàng này, cần tranh thủ không khí chính trị tốt đẹp để đẩy mạnh hợp tác thực chất, hiệu quả hơn.
Trong đó, ông Bình cho rằng nên tiếp tục phát huy tối đa kênh cấp cao để tháo gỡ vướng mắc, nâng cao hiệu quả cơ chế hợp tác giữa hai bên.
"Ban chỉ đạo song phương cần thường xuyên rà soát, đôn đốc triển khai các thỏa thuận, chương trình hợp tác hai bên đã ký kết, bảo đảm hiệu quả, thực chất, tránh hình thức" – lãnh đạo vụ lưu ý.
Bên cạnh mở rộng quy mô hợp tác kinh tế, cần nhận thức rõ về thị trường Trung Quốc không còn dễ tính và đang dần chuyển sang yêu cầu cao, do đó hàng hóa của Việt Nam cần chính quy hiện đại, chính ngạch.
Các doanh nghiệp xuất khẩu cũng cần nâng cao chất lượng hàng hóa, nắm bắt kịp thời chính sách của Trung Quốc, phát triển theo hướng sản phẩm xanh, sạch, thích ứng với yêu cầu mới để tăng tính cạnh tranh của hàng hóa.
Về đầu tư, ông Phạm Thanh Bình cho rằng, xu thế Trung Quốc đang chuyển dịch đầu tư ra bên ngoài cũng là ưu thế cho Việt Nam để tăng cường hợp tác về năng lượng xanh, hạ tầng.
Do đó, cần tăng cường hợp tác về các lĩnh vực này, đặc biệt là giao thông, trên cơ sở hài hòa yếu tố lợi ích kinh tế với an ninh, phù hợp điều kiện, tình hình Việt Nam.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận