Kêu gọi đóng cửa UNRWA
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 31/1 đã ra lời kêu gọi đóng cửa Cơ quan cứu trợ và việc làm cho người tị nạn Palestine của Liên hợp quốc (UNRWA).
“Đã đến lúc cộng đồng quốc tế và chính Liên hợp quốc phải hiểu rằng, sứ mệnh của UNRWA phải kết thúc”, ông Netanyahu nói.
Trước đó, Israel đưa ra hàng loạt cáo buộc các nhân viên UNRWA dính líu tới hoạt động của phong trào Hamas - tổ chức gây ra cuộc tấn công hôm 7/10/2023 khiến hơn 1.200 người thiệt mạng tại Israel.
Ít nhất 10 quốc gia tài trợ lớn cho UNRWA thông báo đình chỉ đóng góp tài chính trong quá trình điều tra vụ việc.
Ngoài tập hồ sơ tố cáo các hành vi dính líu tới Hamas của nhân viên UNRWA, Bộ trưởng Ngoại giao Israel Katz kêu gọi người đứng đầu UNRWA Philippe Lazzarini nên từ chức.
Trong khi đó, phía Palestine coi đây là “một cuộc tấn công chính trị có chủ đích”, cáo buộc Israel bóp méo sự thật nhằm bôi nhọ cơ quan chủ chốt của Liên hợp quốc dành cho người tị nạn Palestine.
Trước tình hình trên, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres khẳng định, UNRWA là “xương sống của mọi hoạt động nhân đạo ở Gaza”, kêu gọi các quốc gia “đảm bảo hoạt động liên tục và thông suốt cho công tác cứu người của UNRWA”.
Ông Sigrid Kaag, Điều phối viên cấp cao về tái thiết và viện trợ nhân đạo của Liên hợp quốc tại Gaza, cho biết: "Không có tổ chức nào có thể thay thế năng lực và cơ cấu tổ chức của UNRWA, khi họ đã quá thấu hiểu về người dân ở Gaza”.
Tổng thư ký Liên hợp quốc về các vấn đề nhân đạo và cứu trợ khẩn cấp Martin Griffiths hôm 31/1 tái khẳng định, Dải Gaza hoàn toàn phụ thuộc vào việc UNRWA được tài trợ đầy đủ và vận hành liên tục.
Israel tăng cường bắn phá, thế giới quan ngại xung đột lan rộng
Tại Gaza, các nhân chứng cho biết, Israel mới đây đã tăng cường không kích vào thành phố thủ phủ Gaza và các khu vực đông dân cư ở phía nam như Khan Younis, bất chấp các nỗ lực lập lại hòa bình trên dải đất này.
Trong đó, trại tị nạn Al-Nuseirat ở trung tâm Gaza và bệnh viện lớn nhất còn hoạt động tại khu vực miền nam Gaza trở thành mục tiêu tấn công dữ dội của Israel.
Theo Reuters, lực lượng Hamas đang cân nhắc đề xuất thả toàn bộ con tin đã bị bắt hôm 7/10/2023 và yêu cầu Israel dừng hoàn toàn các hoạt động quân sự và cho biết, số người bị bắt vào khoảng 136 người.
Phần lớn Dải Gaza đã bị tàn phá sau gần 4 tháng Israel thực hiện các chiến dịch quân sự, khiến gần như toàn bộ 2,3 triệu người dân phải rời bỏ nhà cửa, đối mặt với thảm họa nhân đạo lớn nhất thế giới.
Đến nay đã có ít nhất 26.900 người Palestine thiệt mạng trong cuộc xung đột tại Dải Gaza.
Một quan chức cấp cao của Hamas chia sẻ với báo giới, cho biết thỏa thuận ngừng bắn tại Gaza đề xuất gồm ba giai đoạn. Trong đó Hamas sẽ trao trả những thường dân bị bắt giữ từ ngày 7/10, sau đó là binh lính và cuối cùng là thi thể con tin.
Đề xuất này được đưa ra sau các cuộc đàm phán tại Paris, với sự tham gia của các giám đốc tình báo từ Israel, Mỹ, Ai Cập và thủ tướng Qatar.
Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc ngày 31/1 kêu gọi Hamas chấp thuận đề xuất trên nhằm khơi thông nguồn cung thực phẩm, nước sạch và thuốc men vào Gaza.
Với người dân Palestine, việc chấm dứt giao tranh cần phải được thực hiện ngay lập tức để họ có thể trở về nhà sau nhiều tháng kiệt sức vì xung đột leo thang căng thẳng.
Trong khi đó, thế giới cũng quan ngại nguy cơ xung đột lan rộng trong khu vực và trên thế giới, nhất là khi lực lượng Houthi ở Yemen liên tiếp tấn công các tàu hàng trên Biển Đỏ và đụng độ với lực lượng quân đội Anh, Mỹ nhằm ủng hộ người Palestine ở Gaza.
Cái chết của 3 binh sĩ Mỹ tại Jordan cũng dấy lên quan ngại căng thẳng leo thang, khi Mỹ cáo buộc thủ phạm là các chiến binh nghi do Iran hậu thuẫn trong khi Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran ngày 31/1 tuyên bố đáp trả bất kỳ mối đe dọa nào từ Hoa Kỳ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận