190 người bị tố cáo dính dáng tới Hamas
Ngày 29/1, các phóng viên Reuters xác nhận đã xem hồ sơ dài 6 trang cáo buộc khoảng 190 nhân viên Cơ quan cứu trợ và việc làm cho người tị nạn Palestine của Liên hợp quốc (UNRWA) có mối liên hệ với phong trào Hamas và các lực lượng tương tự.
Hồ sơ tình báo đính kèm hình ảnh của 11 trong tổng số 190 nhân viên UNRWA nói trên. Trong đó có một trường hợp là cố vấn tại trường học đã hỗ trợ con trai bắt cóc một phụ nữ trong cuộc tấn công của Hamas hôm 7/10 khiến hơn 1.200 người thiệt mạng.
Trong danh sách còn có một giáo viên UNRWA bị buộc tội trang bị tên lửa chống tăng, một giáo viên bị tố ghi hình các con tin.
Một trường hợp nữa là nhân viên xã hội, bị cáo buộc liên quan tới việc vận chuyển thi thể một binh sĩ Israel thiệt mạng đến Gaza và tham gia điều phối các phương tiện phục vụ quân sự.
Nhiều người khác cũng bị tình báo Israel tố cáo dính dáng tới các vụ nổi loạn khu vực biên giới, khiến hàng trăm người thiệt mạng.
Ngoài tập hồ sơ tố cáo các hành vi dính líu tới Hamas của nhân viên UNRWA, Bộ trưởng Ngoại giao Israel Katz kêu gọi người đứng đầu UNRWA Philippe Lazzarini nên từ chức.
UNRWA hiện có khoảng 13.000 nhân sự tại Gaza. Sau những cáo buộc hàng loạt nhân viên dính líu tới Hamas, hơn 10 quốc gia, trong đó có cả các nhà tài trợ lớn như Mỹ và Đức, đã tuyên bố chấm dứt đóng góp tài chính cho cơ quan này.
Trong khi đó, phía Palestine cáo buộc Israel bóp méo sự thật nhằm bôi nhọ cơ quan chủ chốt của Liên hợp quốc dành cho người tị nạn Palestine. Thủ tướng Palestine Mohammad Shtayyeh gọi đây là “một cuộc tấn công chính trị có chủ đích”.
Người phát ngôn Liên hợp quốc Stephane Dujarric hôm 29/1 cho biết cơ quan này chưa chính thức nhận được bản sao hồ sơ tình báo.
Reuters dẫn lời một quan chức Israel cho hay, danh sách 190 người nghi có liên quan tới Hamas, đã được chia sẻ với Mỹ. Nhưng đây mới chỉ là danh sách những người có hoạt động mạnh nhất, thực tế tổng cộng có đến 10% nhân viên UNRWA có mối quan hệ với Hamas và các lực lượng thánh chiến.
Nguồn viện trợ cho người dân Gaza bị đe dọa
Cuộc khủng hoảng của UNRWA đe dọa các hoạt động viện trợ cho người dân Gaza trong lúc thảm họa nhân đạo trên dải đất này ngày một tàn khốc.
Cơ quan này cho biết ngân sách hiện không đủ chi cho công tác cứu trợ trong tháng 2 tới, trong khi hầu hết người dân Gaza sống phụ thuộc vào nguồn viện trợ quốc tế, vốn nhỏ giọt và không đủ đáp ứng nhu cầu của hơn 2,3 triệu người đang lâm vào tình cảnh khốn cùng do xung đột leo thang và thảm họa nhân đạo ngày càng trầm trọng.
Trong đó khoảng 1 triệu người phải rời bỏ nhà cửa, trú ẩn trong các cơ sở của UNRWA.
Trước các cáo buộc đe dọa tới hoạt động của UNRWA, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres ngày 28/1 tuyên bố sa thải và có thể truy tố hình sự đối với bất kỳ nhân viên Liên hợp quốc nào dính dáng tới các hoạt động gây đau thương cho người dân.
Dù vậy, ông Guterres kêu gọi các nước tiếp tục đóng góp tài chính cho UNRWA nhằm đáp ứng nhu cầu khẩn cấp tại Gaza. Ông sẽ gặp mặt các quốc gia tài trợ lớn nhất cho UNRWA tại New York (Mỹ) vào hôm nay 30/1 để trao đổi về việc duy trì tài trợ.
Là nhà tài trợ lớn của UNRWA, Mỹ cho biết nước này theo dõi sát sao phản ứng của UNRWA, đồng thời khẳng định các cáo buộc của Israel là “rất đáng tin cậy và đáng quan ngại”.
Về câu hỏi điều kiện và thời gian dự kiến Mỹ sẽ tài trợ trở lại cho UNRWA, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhận định: “UNRWA phải lập tức hành động, điều tra vụ việc, buộc những kẻ phạm tội phải chịu trách nhiệm và xem xét lại các thủ tục liên quan”.
Người đứng đầu UNWRA Philippe Lazzarini hôm 27/1 bày tỏ quan ngại trước hàng loạt nhà tài trợ lớn đã đình chỉ đóng góp cho cơ quan này. Ông khẳng định đây là hành động đe dọa hoạt động nhân đạo đang tiến hành trên khắp thế giới, trong đó trọng tâm là Dải Gaza.
“Thật vô trách nhiệm nếu trừng phạt toàn bộ cơ quan và làm ảnh hưởng tới cả một cộng đồng chỉ vì cáo buộc liên quan tới một vài cá nhân, nhất là đúng vào thời điểm xung đột leo thang, người dân sống trong cảnh màn trời chiếu đất”, ông Lazzarini nói.
Gần như toàn bộ 2,3 triệu người dân Gaza phải rời bỏ nhà cửa, trong khi các trại tị nạn quá tải và có nguy cơ trở thành mục tiêu oanh tạc trong các hoạt động quân sự của Israel.
Phần lớn các bệnh viện không thể hoạt động, số còn lại chịu cảnh quá tải và thiếu thốn vật tư trầm trọng. Trong khi đó, bệnh dịch tiếp tục hoành hành, đe dọa tính mạng người dân, nhất là trẻ em.
Cơ quan cứu trợ và việc làm cho người tị nạn Palestine của Liên hợp quốc (UNRWA) được thành lập năm 1949, ngay sau khi nhà nước Israel ra đời, nhằm hỗ trợ cộng đồng người tị nạn Palestine sinh sống ở Bờ Tây, Dải Gaza và các khu vực lân cận.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận