Không để ai bị bỏ lại phía sau
15h chiều nay (8/11), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc bắt đầu đăng đàn trả lời chất vấn ĐB Quốc hội.
Phát biểu trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dành những lời đầu tiên bày tỏ lòng tiếc thương tới những công dân Việt Nam thiệt mạng trong thảm kịch vừa xảy ra tại Anh và gửi lời chia buồn tới gia quyến các nạn nhân.
“Nguồn lực phát triển lớn nhất của đất nước ta không phải là “rừng vàng, biển bạc”. Nguồn lực phát triển lớn nhất của đất nước ta chính là con người, là gần 100 triệu người dân Việt Nam. Đảng và Nhà nước ta cùng cả hệ thống chính trị cam kết luôn nỗ lực chăm lo cho mọi người dân được chăm sóc sức khỏe, được học hành, được có việc làm, không ai bị bỏ lại phía sau. Phải làm sao để mỗi người dân Việt Nam có cơ hội thực hiện khát vọng làm giàu hợp pháp, phát triển khả năng trên chính mảnh đất quê hương”, Người đứng đầu Chính phủ nói và yêu cầu không được để thảm kịch tại Anh tái diễn.
Để đạt được mục tiêu đó, Thủ tướng kêu gọi sự quyết chí, đồng tâm hợp lực với tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
“Nghị quyết, chính sách của quốc gia thực thi có hiệu quả hay không thì cần có sự chung tay vào cuộc quyết liệt của toàn hệ thống chính trị, đặc biệt là vai trò chủ động, tích cực của các địa phương.
Chúng ta đều thấy rõ, cùng một thể chế và chính sách nhưng một số địa phương tạo được môi trường đầu tư, kinh doanh rất tốt trong khi nhiều địa phương khác lại chưa tốt. Không ít ngành, địa phương giải ngân vốn đầu tư công cao, nhưng ngược lại nhiều nơi còn rất thấp.
Tại sao cùng vướng mắc như nhau, có địa phương chủ động quyết liệt tháo gỡ để triển khai thành công, có địa phương lại chưa làm được? Câu trả lời chủ yếu nằm ở sự quyết tâm của mỗi chúng ta, ở việc nhận diện những khó khăn, thách thức và năng lực sáng tạo, sự quyết liệt trong tổ chức thực hiện của chúng ta”, Thủ tướng chia sẻ.
Quyết liệt triển khai dự án sân bay Long Thành, cao tốc Bắc - Nam phía Đông
Trong phần phát biểu trước chất vấn của mình, Thủ tướng cũng dành thời gian để khẳng định tiến độ 2 dự án trọng điểm quốc gia Cảng hàng không quốc tế Long Thành và đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
“Đây là những dự án đã được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư, ưu tiên bố trí vốn. Chính phủ đã và đang tích cực chỉ đạo triển khai thực hiện. Chính phủ đã báo cáo Quốc hội và phê duyệt báo cáo khả thi Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Tỉnh Đồng Nai đã cam kết bàn giao mặt bằng vào đầu năm 2020 để khởi công vào đầu năm 2021 và hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2025.
Đối với 11 dự án thành phần đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, trong số 3 dự án đầu tư công thì đã khởi công 1 dự án, 2 dự án còn lại sẽ triển khai trong quý IV năm nay. 8 dự án theo hình thức PPP chuyển sang đấu thầu trong nước, sẽ triển khai xây dựng vào giữa năm 2020”, Thủ tướng thông tin.
Cùng đó, Thủ tướng cũng cho hay, Chính phủ đã và đang tập trung chỉ đạo, quyết tâm sớm hoàn thành các tuyến đường bộ quan trọng kết nối các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long; đặc biệt cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã được ưu tiên bố trí đủ vốn và dự kiến hoàn thành vào đầu năm 2021; Dự án cầu Mỹ Thuận 2 sẽ triển khai quý 1/2020 và đoạn cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ sẽ sớm triển khai thực hiện.
Liên quan đến việc giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng kiên quyết: Các Bộ trưởng và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải bám sát kế hoạch và tiến độ giải ngân của từng dự án thuộc thẩm quyền quản lý; khẩn trương đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, chịu trách nhiệm trực tiếp về kết quả thực hiện giải ngân và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư của ngành mình, địa phương mình; không để tiếp diễn tình trạng bê trễ, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Không được để tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công làm phát sinh thêm chi phí, giảm hiệu quả sử dụng nguồn lực và hạn chế tiềm năng phát triển đất nước. Không được để thất thoát, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong đầu tư công; phải đảm bảo hiệu quả cao nhất, chất lượng tốt nhất.
Trình độ phát triển và tiến bộ của một dân tộc không chỉ đo bằng thành tích kinh tế
Liên quan đến các vấn đề xã hội bức xúc mà ĐBQH nêu như tình trạng xuống cấp về văn hóa, đạo đức, bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em; hành xử côn đồ; tai nạn giao thông, đuối nước, cháy nổ nghiêm trọng…, Thủ tướng chia sẻ: Chúng ta đều biết, trình độ phát triển và tiến bộ của một dân tộc không chỉ đo bằng thành tích kinh tế (mặc dù điều này rất quan trọng), mà còn đo bằng môi trường sống và các giá trị văn hóa, văn minh.
Kinh tế thị trường đem lại cho chúng ta điều kiện vật chất đầy đủ hơn, tiện nghi hơn nhưng cũng có mặt trái là dễ làm cho con người thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm, dễ bỏ qua hoặc lãng quên các giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống. Vì vậy, cần phải có chiến lược, biện pháp cụ thể để phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt trái của cơ chế thị trường, của hội nhập quốc tế, nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo tồn các giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống và trách nhiệm xã hội của mỗi công dân.
“Tôi đã trao đổi với đồng chí Bộ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội về vấn đề này. Ttrong nhiều việc phải làm, tới đây, Thủ tướng sẽ sớm ban hành chỉ thị về tăng cường công tác bảo vệ, chăm lo cho trẻ em”, Thủ tướng thông tin.
Không nhân nhượng các hành vi xâm phạm chủ quyền trên biển Đông
Về quốc phòng, an ninh, Thủ tướng nói: Nhiều ĐB Quốc hội bày tỏ sự quan tâm, lo lắng trước các hành vi vi phạm nghiêm trọng các vùng biển của nước ta được xác định theo luật pháp quốc tế trên biển Đông và hiến kế cho Chính phủ nhiều giải pháp cụ thể.
“Đây cũng là mối quan tâm, nỗi lo lắng chung của đồng bào ta. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo các lực lượng chức năng triển khai các hoạt động thực thi pháp luật bằng các giải pháp phù hợp, “dĩ bất biến, ứng vạn biến” bảo đảm môi trường phát triển hòa bình, nhưng kiên quyết không nhân nhượng với các hành vi xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của nước ta trên biển Đông”, Thủ tướng kiên quyết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận