Sáng 16/7, tại tỉnh Hậu Giang, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Hậu Giang năm 2022 với chủ đề “Doanh nghiệp đến, Hậu Giang vui”.
Thủ tướng xem bản đồ tích hợp các dự án kêu gọi đầu tư tỉnh Hậu Giang.
Thời cơ Hậu Giang "cất cánh"
Thông qua hội nghị lần này, tỉnh Hậu Giang dự kiến sẽ kêu gọi thu hút đầu tư 79 dự án, với tổng mức đầu tư 38.200 tỷ đồng. Các dự án này tập trung chủ yếu ở 4 lĩnh vực công nghiệp nông nghiệp sinh thái, đô thị thông minh và du lịch chất lượng.
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, với vị trí là trung tâm của tiểu vùng Nam Sông Hậu, Hậu Giang đã được thừa hưởng rất nhiều lợi thế.
Năm 2022, địa phương chọn là năm doanh nghiệp với quan điểm “Doanh nghiệp đến, Hậu Giang vui”. Điều này thể hiện khát vọng mới, sự cầu thị, sự cam kết mạnh mẽ và đồng hành của chính quyền trong việc mời gọi cộng đồng doanh nghiệp đến với Hậu Giang.
Hiện tại, tỉnh đã hội tụ đầy đủ các điều kiện về thiên thời - địa lợi - nhân hòa. Đây là thời điểm tốt nhất để Hậu Giang “cất cánh”.
Người đứng đầu chính quyền tỉnh Hậu Giang nhấn mạnh, hội nghị xúc tiến đầu tư lần này là sự kiện xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá về tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.
Đồng thời tạo điều kiện để các nhà đầu tư tiềm năng trong và ngoài nước tiếp cận, tìm hiểu các cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư vào 4 lĩnh vực được xác định là trụ cột của tỉnh Hậu Giang đó là công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch.
Ngoài ra, hoạt động còn là diễn đàn để các nhà quản lý, nhà khoa học, nhà đầu tư gặp gỡ, trao đổi về cơ chế chính sách, môi trường đầu tư, đề xuất các giải pháp thu hút đầu tư phù hợp đối với tỉnh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang phát biểu tại hội nghị.
“Qua hội nghị này, Đảng bộ và chính quyền tỉnh Hậu Giang mong muốn lắng nghe các tâm tư, nguyện vọng của các doanh nghiệp, nhà đầu tư khi triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Qua đó có những hỗ trợ kịp thời, đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư thực hiện dự án hiệu quả”, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang chia sẻ.
Hậu Giang cần phát huy lợi thế riêng
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên nhận định, Hậu Giang sở hữu nhiều lợi thế thu hút đầu tư phát triển công nghiệp và thương mại, thúc đẩy chuyển dịch từ vùng “dự trữ chiến lược” sang thành vùng “động lực mới” trong chuỗi sản xuất công nghiệp của khu vực ĐBSCL.
Đặc biệt, hiện nay, với sự quan tâm của Trung ương, các dự án đầu tư đường cao tốc đã và đang được triển khai quyết liệt tại khu vực. Như vậy, “nút thắt” về hạ tầng giao thông đường bộ, nhất là giao thông kết nối của tỉnh từng bước được tháo gỡ.
Đồng thời, địa phương cũng đang đẩy mạnh việc cải tạo, nâng cấp và đầu tư mới các tuyến đường, trục giao thông chính để kết nối với các tuyến đường cao tốc.
Qua đó, tạo lập hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi thu hút những doanh nghiệp có uy tín, năng lực về tài chính, công nghệ vào đầu tư tại địa phương.
Bộ trưởng Bộ Công thương cho rằng, bên cạnh những lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, chế tạo, chế biến, điện tử, năng lượng sạch, sản xuất hàng xuất khẩu và các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao, logistics... mà địa phương kêu gọi thì những dự án đầu tư về nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm có quy mô lớn, có tính liên kết vùng cũng cần được chú trọng khuyến khích.
Lý do là để tận dụng, phát huy những lợi thế riêng của địa phương.
Từ đó, Bộ trưởng Bộ Công thương đề nghị tỉnh Hậu Giang tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư.
Bảo đảm đồng bộ, khả thi, đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện các hạ tầng khu, cụm công nghiệp theo quy hoạch.
Bên cạnh đó, tăng cường cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh mạnh mẽ hơn nữa nhằm thu hút các nhà đầu tư triển khai các dự án phát triển các ngành công nghiệp có tính chất nền tảng mà tỉnh có lợi thế.
"Biến không thành có, biến khó thành dễ"
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, hiện cả nước kiềm chế tốt dịch bệnh Covid-19, chuyển sang thích ứng an toàn và linh hoạt.
Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều quyết sách quan trọng, đạt được nhiều kết quả quan trọng như kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được đảm bảo, chính trị ổn định.
Xuất khẩu nông nghiệp đạt 28 tỷ USD, trong đó, xuất khẩu được 3,5 triệu tấn lương thực, tăng nguồn thu từ 17 - 18% so với năm 2021…
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Đối với khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), theo Thủ tướng, thời gian qua được Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ rất quan tâm.
Mới đây nhất, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Trong đó, xác định ưu tiên phát triển cho ĐBSCL, trong đó có Hậu Giang - điểm kết nối giữa trục cao tốc Đông Tây và cao tốc Bắc Nam.
Đối với tỉnh Hậu Giang, Thủ tướng đánh giá là địa phương có nhiều tiềm năng. Để phát huy các thế mạnh đó, Thủ tướng đề nghị Hậu Giang không được để tiềm lực “ngủ quên” mà phải biến đó thành nguồn lực để phát triển, kinh tế - xã hội, đảm bảo cuộc sống cho người dân. Phải biến khát vọng thành hành động thiết thực và hiệu quả.
“Tôi muốn Hậu Giang phải có tư tưởng biến không thành có, biến khó thành dễ, biến cái không thể thành cái có thể, phát huy tinh thần tự lực tự cường, không trông chờ, ỷ lại", Thủ tướng chỉ đạo.
Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh, nút thắt của Hậu Giang là hạ tầng và đề nghị địa phương cần tập trung nguồn lực, nhân lực vào những dự án trọng điểm. Tránh tình trạng triển khai đồng loạt, manh mún nhưng không hiệu quả.
Đối với doanh nghiệp, nhà đầu tư, Thủ tướng yêu cầu quan tâm, thực hiện đúng cam kết, đầu tư tại tỉnh Hậu Giang; cân đối hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp với người dân và nhà nước, đảm bảo vấn đề an sinh xã hội.
"Các nhà đầu tư đã cam kết với Hậu Giang cần thực hiện đúng. Ai làm tốt sẽ được khen thưởng, ai không làm tốt phải bị xử lý", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Trước đó, chiều 15/7, trong chuyến công tác tại Hậu Giang, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã đến dâng hương tại Đền thờ Bác Hồ (huyện Long Mỹ) và khảo sát thực địa tại Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Lung Ngọc Hoàng (huyện Phụng Hiệp).
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận