Nỗ lực khắc phục thiệt hại
Chiều tối nay (8/9), ngay sau khi kiểm tra tại Quảng Ninh, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp tục thị sát tình hình, động viên người dân và chỉ đạo khắc phục hậu quả bão số 3 tại TP Hải Phòng.
Khu vực Hải Phòng - Quảng Ninh là nơi tâm bão số 3 đổ bộ với sức gió mạnh nhất, gây nhiều thiệt hại nhất.
Cùng đi với Thủ tướng có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Xuân Sang, cùng lãnh đạo một số bộ, ngành.
Sau khi thị sát một số địa điểm, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc làm việc với lãnh đạo TP Hải Phòng về công tác vừa khắc phục hậu quả bão, vừa ứng phó với thiên tai sau bão như lũ lụt, sạt lở…
Báo cáo tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu cho biết, bão số 3 đổ bộ vào Hải Phòng rất mạnh, gây thiệt hại rất lớn.
Hải Phòng đã có 2 người tử vong; 18 người bị thương. Sơ bộ thống kê đến 12h ngày 8/9, mưa bão làm hư hỏng 528 nhà dân, 128 trường, 13 cơ sở y tế, 104 trụ sở làm việc, 3 trạm điện, 210 trang trại, 367 cột điện, cột chiếu sáng; hơn 6.000 cây bị gãy đổ; 16.735 ha lúa và hoa màu, 48 ha nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng.
Trong bão số 3, tàu Minh Anh 01 (12 thuyền viên) bị mất khả năng điều động, trôi dạt tại khu neo vịnh Lan Hạ đã được Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng phối hợp với các lực lượng chức năng hỗ trợ neo đậu, bảo đảm an toàn về người và tài sản.
Về công tác khắc phục, đến 16h hôm nay (8/9), đã có 615.000/793.816 khách hàng khu vực nội thành được sử dụng điện. Dự kiến toàn bộ khu vực nội thành có điện trong ngày 8/9.
Riêng với huyện đảo Cát Hải, việc khôi phục hệ thống lưới điện gặp khó khăn hơn do phải khắc phục sự cố đứt đường dây truyền tải trên khu vực biển.
Các lực lượng đang huy động tổng lực thu gom rác thải; phục hồi cây xanh bị gãy đổ tại các tuyến đường giao thông để bảo đảm giao thông thông suốt. Dự kiến công việc này hoàn thành trong ngày 9/9.
Việc khắc phục sự cố về hệ thống viễn thông, dự kiến hoàn thành trong ngày 9/9, trừ khu vực huyện đảo Cát Hải do địa hình xa đất liền sẽ mất nhiều thời gian hơn.
Hiện đã khôi phục được 2/4 nhà máy cấp nước cho khu vực các quận nội thành, cấp được cho khoảng 80% dân cư khu vực các quận nội thành. Dự kiến ngày 8/9 sẽ khôi phục tiếp 2 nhà máy và cấp nước đủ cho 100% khu vực các quận nội thành. Các nhà máy nước khu vực nông thôn khi được cấp điện sẽ vận hành ngay để cấp nước cho người dân.
Các đơn vị, địa phương đang tích cực thống kê chi tiết, cụ thể hơn nữa để đề xuất hỗ trợ kinh phí cho các đối tượng bị thiệt hại theo quy định, thống kê đến đâu hỗ trợ đến đó.
Đồng thời, nghiên cứu cơ chế hỗ trợ miễn phí kinh phí điều trị cho người bị thương tại các cơ sở y tế; động viên kịp thời các gia đình có người thiệt mạng.
Hỗ trợ Hải Phòng 100 tỷ đồng
Báo cáo tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang cho biết: Cơn bão số 3 đổ bộ vào Hải Phòng với cường độ rất lớn nhưng với sự chuẩn bị nghiêm túc, chu đáo nên ngành giao thông đã hạn chế được tối đa thiệt hại. Thiệt hại lớn nhất là việc cần cẩu tại cảng Mipec bị đổ.
Hiện nay, hệ thống đường sắt đã được thông suốt tại Hải Phòng, sân bay Cát Bi đã hoạt động trở lại vào 12h đêm 7/9.
Với lĩnh vực hàng hải, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang cho biết: Hiện nay, các tàu biển đi tránh bão đang chờ khắc phục xong sự cố cáp điện tại khu vực Lạch Huyện của huyện Cát Hải là có thể cập cảng. Dự kiến tàu thuyền có thể cập cảng, hoạt động trở lại vào ngày mai (9/9).
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi lời thăm hỏi, chia sẻ của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tới Đảng bộ, chính quyền, quân và dân TP Hải Phòng.
Thủ tướng biểu dương, đánh giá cao Đảng bộ, chính quyền, cả hệ thống chính trị, quân và dân Hải Phòng đã triển khai nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng, các hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn trong phòng chống bão, nhờ đó giảm thiểu thiệt hại do mưa bão.
Để nhanh chóng đưa mọi hoạt động trở lại trạng thái bình thường, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục rà soát, thống kê đầy đủ, chính xác các thiệt hại. Tính toán phương án, triển khai hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại, nhất là các gia đình có người thiệt mạng, bị thương.
Đồng thời, huy động các lực lượng tham gia dọn dẹp, vệ sinh môi trường; kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm.
Khắc phục ngay việc mất điện, mất sóng viễn thông trong thời gian sớm nhất; khẩn trương sửa chữa các cơ sở giáo dục, y tế bị hư hỏng để các học sinh trở lại trường càng sớm càng tốt, bảo đảm nơi khám chữa bệnh cho người dân.
Thủ tướng yêu cầu thành phố chủ động triển khai theo thẩm quyền và đề xuất các chính sách hỗ trợ về vay vốn, lãi suất, giãn, hoãn, cơ cấu lại nợ, miễn, giảm, giãn thuế, phí, lệ phí… để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh, việc làm, sinh kế.
Cùng đó, thành lập các đoàn công tác để kiểm tra, đôn đốc, giải quyết các khó khăn, vướng mắc, các vấn đề nổi lên tại các quận huyện; bảo đảm an ninh, an toàn, an dân; kiểm soát giá cả các mặt hàng thiết yếu.
Rà soát lại, kiên quyết di dời người dân khỏi các chung cư cũ không an toàn và tạo điều kiện về nơi ở mới cho người dân; bảo đảm giao thông thông suốt; tuyên truyền, hướng dẫn người dân khắc phục hậu quả thiên tai và phát huy tinh thần tương thân, tương ái, hỗ trợ lẫn nhau.
Thủ tướng cho biết, Trung ương sẽ hỗ trợ Hải Phòng 100 tỷ đồng và mong Hải Phòng tiếp tục phát huy tinh thần tự lực, tự cường với sự hỗ trợ của Trung ương để khắc phục hậu quả mưa bão, tiếp tục ứng phó với các tình huống thiên tai có thể xảy ra sau bão, đưa mọi hoạt động trở lại trạng thái bình thường.
Đề nghị lực lượng quân đội, công an tích cực hỗ trợ các địa phương trong khắc phục hậu quả bão, Thủ tướng cũng cho rằng qua cơn bão này, các địa phương ven biển và các bộ, ngành liên quan cần tiếp tục nghiên cứu các giải pháp mang tính lâu dài để thích ứng biến đổi khí hậu.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận